Chúng ta

Phải quan tâm đến hợp đồng lao động

Thứ hai, 3/8/2015 | 10:49 GMT+7

Việc quàng chuyện nhân viên nghỉ việc vào sếp (có thể hiểu là người quản lý trực tiếp) là đã tạo thêm áp lực cho người quản lý. 

Nhân viên nghỉ việc do sếp? Có bạn hỏi về chuyện này, kể ra câu hỏi có chút không hợp lý. Nhân viên có hàng trăm lý do khác nhau để nghỉ việc: không hài lòng với công việc; thu nhập thấp; mâu thuẫn với sếp; mâu thuẫn với đồng nghiệp; cảm thấy không nhiều cơ hội trong tương lai; có ý tưởng kinh doanh; bạn bè rủ rê…

Việc quàng chuyện nhân viên nghỉ việc vào sếp (có thể hiểu là người quản lý trực tiếp) là đã tạo thêm áp lực cho người quản lý. Có thể điều đó làm các sếp cao hơn khoái, vì sẽ buộc người quản lý tầm trung phải nỗ lực hơn.

Mình nghĩ nhân viên nghỉ việc thì nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vấn đề thu nhập. Các nguyên nhân khác cũng có nhưng ít thôi, hoặc mọi người cứ tưởng tượng ra là chính. Cũng có thể cả công ty lẫn nhân viên đều tránh nói đến việc đó.

Anh chàng Fernando Torres trong mấy năm ở Chelsea rõ ràng quan hệ chả tốt: sếp thì ngán ngẩm, người hâm mộ thì thất vọng,… Sự nghiệp của anh ta chẳng tiến bộ lên được, chỉ kém đi vì ít được ra sân. Vậy mà anh ta mãi chả chịu bỏ việc. Đơn giản là lương rất cao.

Về chuyện thu nhập cao hay thấp thì cũng nhiều thứ để nói. Ông nhân viên thì luôn nghĩ là nó thấp (hiện tại) hoặc ít có cơ hội được cao (tương lai). Các sếp to thì cho rằng thế là ổn, có khi còn cao hơn cái nhân viên đáng được hưởng.

Muốn giải quyết cái mâu thuẫn này, cái cần nên xem xét kỹ nhất là hợp đồng lao động (HĐLĐ). Hiện tại ở Việt Nam cái này ít được chú ý đúng mức. Hiện tại HĐLĐ phần lớn là có thời hạn với các điểm chủ yếu:

1) Mức lương bắt đầu.
2) Điều kiện kết thúc.
3) Điều kiện thăng tiến (cho nó có).
4) Mô tả công việc (khá sơ sài và thường cũng không giống thật).

Các điểm trên đều có chuyện để bàn, tuy nhiên muốn nói kỹ về điểm (2) một chút. Hiện tại các HĐLĐ phần lớn là theo chuẩn của luật lao động. Công ty hoặc nhân viên đều có thể kết thúc hợp đồng mà chỉ cần báo trước 30 ngày, các điều kiện kèm theo cũng rất dở. Đền bù 1/2 tháng lương hay gì đó, chả làm ai phải bận tâm.

Công ty hay cán bộ quản lý cấp cao cũng chẳng ai để ý khi HĐLĐ kết thúc. Cùng lắm đến lúc ấy cán bộ nhân sự lại làm cái hợp đồng khác, như cái cũ, chỉ thay đổi thời gian và mức lương khởi điểm.

Tin rằng HĐLĐ kiểu đó khiến nhân viên rất không yên tâm:

- Lúc nào cũng có thể kết thúc.
- Chả biết có được tăng lương hay không.

Thử hỏi trong điều kiện đó, sẽ yêu cầu họ trung thành với công ty thế nào? 

Cán bộ quản lý trực tiếp thay vì tìm cách khai thác tốt nhất nguồn lực để hoàn thành công việc thì cứ nơm nớp lo những nhân viên tốt nhất bỏ việc giữa chừng. Kỷ luật lao động thì lỏng lẻo, ép quá mấy đứa ngon nó nghỉ việc thì toi.

Những công ty mà lĩnh vực kinh doanh chủ chốt dựa trên số lượng lớn nhân lực như gia công phần mềm chắc cần xem xét lại chiến lược về nhân lực, trước hết là HĐLĐ và đào tạo. Các câu chuyện chủ yếu phải dựa trên HĐLĐ, các yếu tố khác cũng quan trọng nhưng nên là các yếu tố hoặc thế mạnh bổ sung.

Cả nhân viên và công ty đều nên quan tâm đến cái HĐLD và tuân thủ nó hơn là để ý xem ông sếp nói chuyện với mình có ngọt ngào không. Tất nhiên ngọt ngào thì dễ nghe, nhưng không phải lúc nào cũng tốt.

Khúc Trung Kiên

>> Có thật nhân viên bỏ việc là do lãnh đạo

Ý kiến

()