Chúng ta

Nước Nga vẫn đang sống trong quá khứ

Thứ ba, 6/10/2015 | 17:18 GMT+7

Cảm giác ra khỏi được sân bay, nối chuyến bay đến thành phố khác thật là kì tích. Thành phố xinh đẹp quê hương của Maksim Gorky, nơi hai dòng sông Oka và Volga hợp nhất, vẫn những chiếc xe tăng T34, vẫn dàn Cachiusa và vẫn cả ngọn lửa vĩnh cửu ở nơi đây cũng không làm sao giúp tôi xóa được ấn tượng ban đầu kia.

Khi còn bé, nước Nga trong tôi là một xứ sở diệu kỳ. Nơi có bao truyện tranh đẹp, rất nhiều đồ chơi hay, là những con búp bê Matryoshka bằng gỗ lạ lùng, con nọ nằm trong con kia, là thanh kẹo sô cô la ngon kinh người, là những trái táo thơm phức… Tuổi thơ của tôi là lời kể của mẹ về ba đang đi nghiên cứu sinh nơi xa, là những lần líu ríu theo mẹ đi gửi hàng sang và để rồi lại nhận hàng bên kia gửi về, là cả những đêm ngồi giúp mẹ mạng lại áo kimono rách trước khi gửi đi hay những lần lẩn mẩn gò lại từng chiếc chậu thau nhôm cho hết méo để bán cho được giá…

Nước Nga như một điều gì đó vừa vĩ đại, vừa thiêng liêng, lại vừa huyền bí.

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Nga vào năm 1990, đúng vào lúc Liên bang Xô Viết trên ngưỡng tan rã. Vẫn còn là trẻ con nên tôi chỉ thấy thích thú khi được đi máy bay TU134, được ăn thịt nướng ngon như chưa bao giờ được ăn, được tham quan Quảng trường Đỏ với lăng Lenin, thấy những tòa nhà chọc trời ở thủ đô Mát-xcơ-va. Tôi được thấy sự kỉ luật của người Nga khi đi thang cuốn, thấy hàng người dài cả trăm mét xếp hàng chỉ để chờ mua một ít nho từ nông trường lên, được cảm nhận lòng tốt của những ông bà già người Nga mặc dù rất thiếu thốn nhưng vẫn sẵn sàng cho tôi quà…

Nước Nga lúc đó, với một đứa trẻ 12 tuổi như vừa gần gũi, lại vừa xa lạ, đâu đó có một nét buồn thăm thẳm gì đó khó nói thành lời.

Lần trở lại nước Nga này tâm trạng tôi có một chút háo hức, mong đợi. Không mong đợi sao được khi hơn 25 năm rồi tôi mới quay trở lại mảnh đất này. Thông tin về nước Nga thời hậu Xô Viết, về những đổi thay, về các cuộc chiến vẫn luôn được tôi cập nhật đầy đủ qua báo chí nhưng chắc chắn phải đến tận nơi mới cảm nhận được hết.

Ấy vậy mà, ấn tượng đầu tiên nước Nga để lại cho tôi lại rất xấu khi vừa đến sân bay. Toàn bộ công dân Việt Nam bị lùa vào riêng một chỗ để làm thủ tục nhập cảnh. Hơn hai tiếng chờ đợi chúng tôi mới qua được cửa khẩu. Cảm giác uất ức đến phát nghẹn khi chứng kiến công dân các nước khác được đối xử một cách tốt đẹp hơn hẳn. Lúc tôi xếp nhầm hàng, công an cửa khẩu khi thấy hộ chiếu Việt Nam liền xua đuổi một cách không thương tiếc ra khỏi hàng. Không một lời giải thích, cũng không một lời chỉ dẫn.

Cảm giác ra khỏi được sân bay, nối chuyến bay đến thành phố khác thật là kì tích. Thành phố xinh đẹp quê hương của Maksim Gorky, nơi hai dòng sông Oka và Volga hợp nhất, vẫn những chiếc xe tăng T34, vẫn dàn Cachiusa và vẫn cả ngọn lửa vĩnh cửu ở nơi đây cũng không làm sao giúp tôi xóa được ấn tượng ban đầu kia.

Tâm sự chuyện này với thầy Lượng, Hiệu phó trường Nguyễn Tất Thành, tôi nhận được một câu trả lời đau đớn: “Anh học ở Nga mười mấy năm rồi mà cũng cảm giác y hệt như em. Có lẽ thế giới đã thay đổi, nhưng người Nga thì không. Và họ vẫn luôn nhìn Việt Nam như cách đây vài chục năm em ạ”.

Có lẽ đúng như vậy, nước Nga vẫn đang sống trong quá khứ hào hùng của mình mà quên rằng cả thế giới đã thay đổi rất nhiều. Tạm biệt nước Nga, có lẽ sau lần này thì còn lâu lắm tôi mới trở lại đây. Hy vọng các bạn sẽ khác trong lần tới!

Lê Hà Đức

Ý kiến

()