Chúng ta

Nước mắt Vị Xuyên

Thứ ba, 14/7/2015 | 13:31 GMT+7

Không ai trong chúng tôi nghĩ rằng, trên mảnh đất Vị Xuyên, chúng tôi đã khóc nhiều hơn hát. Khóc ngay cả trong khi hát.

Ngồi uống trà với Trương Quý Hải, tôi hỏi năm nay đã lên Vị Xuyên chưa? Anh nói sẽ đi vào dịp 12/7, ngày giỗ sư đoàn 356. Tôi nảy ra ý định tổ chức cho các cựu chiến binh FPT về nguồn dịp này. Anh Hải đáp: “Rất nên giáo sư ạ"! Bàn thêm 15 phút, chuyến đi đã hình thành.

Trong vòng một tháng, Trương Quý Hải hoàn thành album “Hát cho người còn sống” gồm 5 bài hát anh viết về đồng đội. Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến tài trợ toàn bộ kinh phí sản xuất 600 đĩa CD và gửi thêm mấy chục cuốn hồi ký “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập” của Tướng Hoàng Đan, nguyên tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, dành tặng cho các cựu binh. Tôi bàn với Ban Truyền thông FPT tặng tủ sách và máy tính trong khuôn khổ chương trình “FPT - Chắp cánh ước mơ” cho một trường học tại Vị Xuyên.

Cựu chiến binh FPT có 46 người. Tuy nhiên, đến sát ngày đi, chỉ có 5 chiến sĩ tham gia. Thành phần còn lại là các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, phong trào FPT, đa số được sinh ra trong và sau cuộc chiến tranh biên giới. Theo kế hoạch, đoàn FPT sẽ giao lưu văn nghệ với các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên vào đêm 11/7.

Trừ Trương Quý Hải và bác lái xe (cũng là một cựu chiến binh), cả đoàn chưa ai một lần lên Vị Xuyên. Thậm chí, có người còn chưa từng nghe đến địa danh biên cương này của tổ quốc. Tất cả đều háo hức. Chúng tôi đem theo đàn, loa và hát hò suốt chuyến đi. Ai cũng muốn tranh thủ tập dượt cho cuộc vui đêm giao lưu. 

Không ai trong chúng tôi nghĩ rằng, trên mảnh đất Vị Xuyên, chúng tôi đã khóc nhiều hơn hát. Khóc ngay cả trong khi hát.

Gần 200 cựu chiến binh cùng có mặt tại thành phố Hà Giang vào sáng 11/7. Họ hầu hết thuộc sư đoàn 356, một số ít hơn thuộc sư đoàn 313. Đây là hai sư đoàn chủ công chiến đấu giành giật từng tấc đất tổ quốc trên mặt trận Vị Xuyên trong 5 năm (1984 - 1989). Đây cũng là hai sư đoàn chịu tổn thất nhiều nhất trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Và đặc biệt hơn, đây cũng là hai sư đoàn bị giải thể và xóa phiên hiệu ngay sau cuộc chiến. Chính điều đó càng làm những người còn sống gắn bó nhau hơn. Hai mươi năm sau cuộc chiến, họ đã lần lượt tìm đến với nhau. Đơn vị không còn phiên hiệu, các cựu binh không còn ngày truyền thống để vui mừng gặp mặt. Họ chỉ còn ngày giỗ, ngày 12/7 hằng năm, để hướng về Vị Xuyên, cắn răng khóc cho gần hàng ngàn đồng đội đã ngã xuống mảnh đất này.

Chúng tôi đã theo các anh thắp hương tại đài tưởng niệm liệt sĩ ngã ba Thanh Thủy, nơi pháo địch “soi gương” (bắn không có vật cản) hằng ngày từ các đỉnh cao mà chúng đã chiếm được hơn 30 năm trước. Nước mắt quyện cùng khói hương. Áo lính bạc màu cựu binh hòa cùng áo cam FPT. Tất cả cùng hát: “Hãy về đồng đội ơi người chiến sĩ mãi đôi mươi. Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè đồng đội người thân ôm nhau nước mắt chan hòa. Biên cương hình bóng quê nhà…”. Nước mắt trào theo lời hát.

Trên đài hương 468, nhìn lên “lò vôi thế kỷ” 685 và “đồi thịt băm” 772, chúng tôi nghẹn ngào cùng cựu binh Trương Quý Hải: “Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau như nguyện ước chiến hào. Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình. Quân dân nồng thắm nghĩa tình...”.

Phần lớn các anh vẫn còn nằm đó, trên từng kẽ đá, dừng lại tuổi mười tám, đôi mươi. Các anh sống bám đá, chết hóa đá. Đài hương nhỏ bé, giản dị này trở thành mái nhà chung cho hơn một ngàn chiến sĩ hy sinh trong trận chiến giành chốt bất thành ngày 12/7/1984. Sư thầy Thích Quang Vinh, trước là kế toán pháo binh sư đoàn 356 kể, mỗi lần đồng đội cất tiếng hát là các anh lại về đông đủ, khi là một cơn mưa ập đến, lúc là một đàn bướm ùa về... Không ai cầm được nước mắt.

Tôi không thể cầm lòng khi nhìn vị tướng già run rẩy lấy tay quệt dòng nước mắt khi nghe những chiến sĩ năm xưa của mình rì rầm hát “Về đây đồng đội ơi” tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Tôi đi giữa 1.700 ngôi mộ. Các anh hầu hết cùng lứa tuổi tôi. Nếu còn sống, các anh sẽ là một người chồng, người cha của một gia đình hạnh phúc nào đó, như tôi. Nếu còn sống, các anh cũng đang phụng dưỡng người mẹ già, như tôi. Trong một bài hát, Trương Quý Hải viết, các anh đã tặng chúng ta những năm tháng sống của mình. Màn đêm buống xuống, 1.700 cây nến được thắp lên như 1.700 ngôi sao sà xuống đất Vị Xuyên. 

Chúng tôi đến Vị Xuyên không chỉ có nước mắt mà còn có cả những nụ cười. Ngay tại “ngã ba tử thần” Thanh Thủy mọc lên một ngôi trường - Trường THCS dân tộc nội trú Thanh Thủy. Chúng tôi đến ngôi trường này tặng sách sách và máy tính trong chương trình “FPT - Chắp cánh ước mơ”. Trường có 6 lớp học với 185 học sinh các dân tộc và 25 thầy cô giáo. 

Hiệu trưởng nhà trường là thầy Vũ Văn Lượng, sinh năm 1973, quê Ninh Bình, lên đất Vị Xuyên, Hà Giang này đã tròn 15 năm. Nhà nghèo, anh bỏ dở học hành để mưu sinh. Anh làm đủ nghề, từ chạy xe ôm rồi buôn bán và làm kinh tế. Sau 5 năm, dành dụm được chút tiền, với ước mơ làm thầy giáo, anh đi học Cao đẳng sư phạm và về dạy học tại Tuyên Quang. Dạy mãi mà vẫn không được vào biên chế, anh lại đi học tiếp và lên đất Vị Xuyên này dạy học. Thấy đất Vị Xuyên còn ít trường học, anh về quê thế chấp nhà được 50 triệu đồng và xin chính quyền một mảnh đất bỏ hoang để xây dựng Trường THCS dân tộc nội trú Thanh Thủy.

Với tố chất kinh doanh, anh thành lập doanh nghiệp sản xuất nước đóng chai. Tiền làm ra, anh xây nhà ở, nhà ăn cho các em học sinh nội trú. Anh dành toàn bộ tiền lương giáo viên của mình để mua gạo và thức ăn cho học sinh. Trường của anh không chỉ dành cho các em của xã Thanh Thủy mà còn nhận cả học sinh của các xã vùng cao khác trong huyện Vị Xuyên. Các thày cô và học sinh nhà trường đón đoàn chúng tôi bằng các tiết mục văn nghệ rất thuần thục. Sân trường tràn ngập tiếng cười. Nghe tên nhạc sĩ Trương Quý Hải, các cô tranh nhau xin chụp ảnh.

Lên Hà Giang với mong muốn chắp cánh ước mơ cho các em học sinh nhưng câu chuyện giản dị của thầy Vũ Văn Lượng lại chắp cánh tình yêu con người cho chúng tôi.

Trên đường về Hà Nội, các bạn trẻ hỏi tôi: “Năm sau mình lại lên đây nữa anh nhé?”. Nhất định rồi các em, chúng ta còn nhiều điều chưa biết về vùng đất địa đầu tổ quốc này đâu.

Lê Đình Lộc

Ý kiến

()