Chúng ta

Nô lệ trong bản thân và đẳng cấp thế giới

Thứ tư, 14/11/2018 | 10:29 GMT+7

Khi tiếp xúc với người nước ngoài, người Việt thường rụt rè và nhút nhát làm cho bản thân lép vế hơn.

Gần đây, người Trung Quốc đã và đang đầu tư rất lớn vào châu Phi. Họ cung cấp cho châu Phi tiền đề xây dựng cơ sở vật chất. Những ông chủ da vàng tới xây dựng những đồn điền kiểu mới và đem chuyên gia của họ sang để khai phá những mảnh đất cằn cỗi, tạo công ăn việc làm và đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của lục địa đen.

Tuy nhiên, người châu Phi lại không thấy được điều đó mà làm khó dễ những ông chủ da vàng này bằng cách đánh họ và cướp những trang trại do người Trung Quốc xây dựng nên. Nhưng họ lại không bao giờ làm như vậy với những ông chủ da trắng tới từ châu Âu. Giới truyền thông cho rằng, do châu Phi đã từng là thuộc địa quá lâu dưới bàn tay của các ông chủ da trắng nên họ được dạy cũng như bị những ông chủ da trắng bắt nạt quen. Do đó, họ sợ hãi người da trắng hơn người da vàng. Nỗi sợ hãi này vẫn thường trực cho tới tận bây giờ và nó làm họ trở nên yếu đuối, khiếp sợ người da trắng hơn hẳn những ông chủ da vàng thấp bé đến từ châu Á.

Câu chuyện Trung Quốc ở châu Phi khiến tôi hình dung về Việt Nam. Dường như người Việt cũng luôn có sự tự ti nhất định khi tiếp xúc với những người đến từ các nước Âu Mỹ.

Một bài báo tôi từng đọc trên VnExpress chỉ ra thế này: Khi người nước ngoài qua đây làm việc, lúc đầu họ đều có thái độ lịch thiệp và tôn trọng, tuy nhiên nhóm người Việt thường tỏ ra quá nể nang và nhún nhường trước 'Tây", khiến "Tây" trở thành như ông chủ.

Những dẫn chứng sinh động mà bài báo nêu có thể rất phổ biến: Trong công ty, đa số người Việt không dám tranh luận với sếp nước ngoài, một phần vì tiếng Anh họ dùng không chuyên nghiệp, phần tính vì cả nể theo cách giáo dục “ghi, chép” truyền thống trong môi trường giáo dục Việt Nam.

Bảo vệ công ty thấy người Việt thì hỏi han giấy tờ, thấy người nước ngoài lại vội vàng mở cửa; Người Việt nói “Yes” khi vẫn chưa hiểu vì sợ người khác biết mình không hiểu.

Khi có tranh cãi với sếp, người Việt thường không ra mặt đường đường chính chính mà tìm cách khôn lỏi để “chơi” lại sếp. Cái này cũng giống như ly hôn mà không muốn ly hôn nhưng vẫn ngoại tình.

Người Việt thường trở nên xù lông khi người khác góp ý, phê phán. Người nước ngoài thường có tính thừa nhận trên cơ sở biện chứng, khi họ phê phán ai, họ thường nêu cái tốt của người đó trước, cái chưa tốt của họ rồi mới phê phán người kia.

Tôi không có ý định nêu ra nguồn gốc tại sao người Việt lại tự ti trước Tây. Chúng ta mở cửa đất nước đã hơn 30 năm và những thế hệ đầu tiên như anh Trương Gia Bình bắt đầu toàn cầu hoá, ra đi tìm kiếm những cơ hội hợp tác ngang hàng với các đối tác trên thế giới. Những thế hệ tiếp theo đã được học hành tốt hơn khi được cử đi du học từ sớm và có thể giao tiếp trôi chảy với các bạn nước ngoài cùng với những kiến thức không hề thua kém. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các bạn nước ngoài, thường người Việt vẫn bị sự rụt rè và nhút nhát làm cho bản thân lép vế hơn.

Tôi nhớ một buổi tối nọ tiếp khách ở nhà anh Trương Gia Bình thể hiện rất rõ sự rụt rè vốn có của người Việt khi gặp những khách hàng nước ngoài. Nhóm đồng nghiệp nhà F hay tụ lại nói chuyện với nhau sau vài ba phút trò chuyện với khách hàng, tôi vẫn chưa nhìn thấy được không khí cao trào được cố ý dẫn dắt hay trao đổi và kết thân với bạn từ các cá nhân nào khác ngoài Chủ tịch Trương Gia Bình.

Tôi nhận ra bác khách hàng Gemalto đứng một mình và không biết nói chuyện với ai bởi không mấy người trong nhóm đồng nghiệp FPT hỏi thăm, trò chuyện cùng bác. Tôi nói với bác những câu chuyện rất đời thực và rất con người, nó cũng không cần đao to búa lớn hay sự hiểu biết ghê gớm về thế giới vĩ mô hay chuyên sâu về kỹ thuật. Chúng tôi nói về cuộc sống ở Singapore và Việt Nam, gia đình của bác như thế nào, những bài hát của công ty hay của đất nước Pháp có gì hay. Những câu chuyện nhẹ nhàng như thế.

Tôi hay lân la chen vào các nhóm chỉ toàn người nước ngoài để bắt chuyện với họ. Đương nhiên tôi cũng biết phép lịch sự khi bước vào một nhóm trò chuyện nào đó. Và sự thật là tôi thích cái cảm giác được tôn trọng, được nâng niu như một bà đầm Pháp chính hiệu, mặc dù nửa chữ bẻ đôi tiếng Pháp cũng không rõ….

Một câu chuyện tôi học được từ bác Phương Trầm, cựu COO Dupont Group, một người gốc Việt thật sự là thấp bé hơn rất nhiều so với các bạn Tây cao to, nhưng ngay cả CTO của AT&T to lớn là thế gặp bác vẫn phải gập người cúi chào. Bác kể: Ngày vừa đi làm ở Australia, bác được vinh dự tham gia họp với các quản lý cấp cao cùng các cá nhân tiêu biểu khác trong công ty. Tất cả các câu hỏi đặt ra từ quản lý bác đều có thể trả lời; nhưng không, bác không dám giơ tay phát biểu - bác sợ trả lời sai, bác sợ người ta coi mình lanh chanh. Bác đợi các bạn khác phát biểu, khi họ phát biểu sai thì bác chỉ họ để họ trả lời đúng.

Băn khoăn, cảm thấy bản thân như thế là hèn yếu, bác tự hỏi tại sao mình lại không dám dũng cảm phát biểu, chỉ đơn giản là mình biết thì mình nói nhưng trước người Tây bác lại không dám mở miệng. Về sau, trong các buổi họp khác, bác viết một tờ ghi chú để trước mặt tự răn mình: Cái gì biết phải nói, bắt buộc phải phát biểu!

Nhấn bút viết, hoá ra lan man. Những ý tứ rời rạc mà tôi ghi chép tựu trung cũng chỉ để chỉ ra rằng FPT đang toàn cầu hoá, và kỳ vọng công nghệ, dịch vụ vươn tới đẳng cấp thế giới (World Class). Thiết nghĩ, tinh thần dân tộc cũng nên quốc tế hoá. Để thành World Class, mỗi người và cả tổ chức phải chiến thắng các loại sợ hãi nội tâm. Chả phân biệt tây ta gì nữa, chỉ có tôi và bạn, chung thuyền chung chiến tuyến. Nếu chưa chung thuyền, bạn ơi lên thuyền tôi nhé. Chúng ta cùng ra biển lớn. Tôi trân trọng bạn, và ngược lại. Với công nghệ nói riêng và rộng hơn là thế giới, sự đặc ân vô hình nào cũng bị xóa nhòa.Zoe

Ý kiến

()