Chúng ta

Niềm vui chiều cuối năm

Thứ sáu, 27/1/2017 | 16:18 GMT+7

Cùng vun vén, gom góp để rồi khi những món quà nhỏ được trao đi, đó không chỉ là ánh mắt ấm áp của người phụ nữ, sự háo hức của từng đứa trẻ trong gia đình mà còn là niềm vui của chính chúng tôi.

Chiều cuối năm, khi nhà nhà tấp nập mua sắm, người người nô nức chuẩn bị cho một cái Tết đoàn viên thì chúng tôi, những CBNV FPT Telecom Hưng Yên cũng “tụ tập” để chuẩn bị lên đường nhưng không phải đi ngắm chợ hoa, hay sắm cho mình một cành đào, cây quất.

Quãng đường 30 cây số vòng quanh huyện Mỹ Hào không xa nhưng thực sự đoàn chúng tôi đã thấy được những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, những hoàn cảnh mà tưởng như chỉ có ở các tỉnh miền núi, ở các vùng dân tộc thiểu số nhưng chúng tôi đã thấy ở đây, ngay tại địa phương mình khi kinh tế ngày càng phát triển.

Đô thị hóa đã đủ sức chạm vào từng ngõ nhỏ của làng quê đổi mới đó, nhưng sâu trong kia, vẫn còn những hoàn cảnh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm khiến chúng tôi cảm thấy sắt se lòng trong những ngày cuối đông.

Cô chú lấy nhau được mấy chục năm không sinh được người con nào , chú bị khuyết tật không lao động được gì, một mình cô bươn trải làm thuê làm mướn để tuổi già nương tựa vào nhau. Vậy mà số phận nghiệt ngã khi cô đi làm về bị xe máy tông phải, cô bị chấn thương não, người đi xe máy bỏ chạy mất, họ hàng làng xóm chung tay cứu cô thoát chết nhưng cô bị lẫn và mất trí nhớ. Cuộc sống khó khăn rồi chồng cô cũng ốm và ra đi, ngày chồng mất cô cũng chẳng biết gì cứ bỏ đi lang thang như người hoang tưởng.

Giờ một mình cô cứ loanh quanh trong căn nhà nhỏ, nửa mê nửa tỉnh, đêm đêm thỉnh thoảng cô lại bỏ đi lang thang, hàng xóm lại đốt đèn đi tìm về. Không chồng, không con, không lao động được gì và hoàn toàn không có thu nhập. Tết đến cô càng buồn hơn…

Chị chưa đầy 40 tuổi nhưng có 8 đứa con và một đứa thứ 9 chuẩn bị chào đời. Ngôi nhà nhỏ cũ nát với hai chiếc giường và bộ bàn ghế rách lên rách xuống. Lũ trẻ lem luốc và ngơ ngác, ai cũng ái ngại khi lũ trẻ cứ lang thang, mùa đông không giầy không dép, mùa hè cứ bò quanh các bờ ao, bờ mương lấm bê lấm bết.

Tết đến nhà chị vẫn trống tuềnh trống toàng với mấy cái chăn đã cũ đen và đống quần áo bẩn trên 2 chiếc giường nhỏ cho 10 con người và một em bé sắp chào đời. Tết không đào, không quất và cũng chẳng thấy bánh mứt đâu chỉ thấy lo toan sao cho lũ con đủ ăn đủ mặc mà cũng khó khăn quá.

Người phụ nữ lấy chồng sớm sinh được hai đứa con, người chồng nghiện ngập bán sạch gia sản. Cái nhà cũ nát bố mẹ để lại trơ vách, lở từng mảng và được lợp bằng mấy lớp vải mưa, vải bạt xin vội ở đâu để che mưa, che nắng.

Chồng chị vào trại cai nghiện rồi mất luôn trong đó. Một mình người phụ nữ với bàn tay chai sần làm thuê làm mướn, ai thuê gì cũng làm, từ phụ xây, rửa bát, quét dọn để nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Trong căn nhà nhỏ hẹp, ẩm thấp không có một tài sản gì quý giá, trên ban thờ chỉ có một nải chuối xanh. Chúng tôi ra về mà lòng vẫn mênh mang vì câu nói của chị: “Bé lớn học lớp 9 chứ học lên nữa chắc cũng chẳng có điều kiện nuôi ăn học”.

Và còn nữa, còn nhiều trường hợp khó khăn nữa ngay trong địa phương mình, ngay trong cuộc sống hiện đại quanh chúng tôi.

Một năm kết thúc, khi bộn bề cuộc sống tạm lắng xuống, khi người người nô nức đi sắm Tết, chúng tôi cùng chung tay mang những suất quà Tết, những món quà nhỏ tới những hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi mong rằng, một chút thôi, một sự sẻ chia nhỏ nhưng sẽ mang đến những niềm vui lớn khi xuân về.

Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Ý kiến

()