Chúng ta

Những người chờ sung rụng

Thứ sáu, 25/8/2017 | 15:30 GMT+7

Đi thi ai chả mong giành giải. Và bất kỳ cuộc bình chọn hay thi thố nào cũng có hơn thua. Chỉ khác nhau ở cách ứng xử với cuộc thi và tiếp nhận hơn thua.

Năm 2013, truyền thông đăng loạt thông tin về cú tái cử thành công của ngài thị trưởng 'tí hon' Robert "Bobby" Tufts khi chưa đầy 5 tuổi, thậm chí còn chưa đủ tuổi đến trường, tại thị trấn du lịch nhỏ Dorset (bang Minnesota, Mỹ).

Không phải ngẫu nhiên Bobby trở thành thị trưởng. Cậu đi vận động tranh cử khắp Dorset và đưa tấm thẻ tranh cử của mình đến mọi người. Một mặt của tấm thẻ là hình ảnh Bobby với mái tóc đen chải chuốt, mặc áo vest cùng một chiếc áo jacket. Mặt kia là một Bobby đang ngồi xích đu bên hiên nhà cùng cô bạn gái Sophie.

Tấm thẻ ghi dòng chữ "Tôi sẽ yêu thích việc làm thị trưởng nhiều như tôi yêu mến Sophie".

"Thằng bé thật tuyệt vời. Nó đang quảng bá cho thị trấn này. Tôi nghĩ nó đang làm một công việc tốt", Emma Tufts, 34 tuổi, mẹ của cậu bé nói. Báo chí Mỹ nhận định, khi thông tin về thị trưởng tí hon, Dorset được biết đến nhiều hơn. Thị trấn trở nên hấp dẫn nhiều vị khách.

Trước đó, câu chuyện về thị trưởng 18 tuổi Michael Sessions (bang Michigan, Mỹ) còn kịch tính hơn. Khi đủ tuổi đăng ký, danh sách đã được khóa sổ từ bốn tháng trước đó. Điều đó có nghĩa là muốn bầu cho Michael, cử tri phải nhớ tên cậu để tự tay điền vào phiếu bầu.

Chỉ có trong tay chưa đến 1.000 USD và một tháng để vận động tranh cử, những gì Michael làm được khiến nhiều người phải khâm phục. Với 700 USD kiếm từ công việc làm thêm mùa hè là bán bánh táo, Michael đã in poster và tờ rơi để phân phát đến từng hộ gia đình ở Hillsdale trước ngày bầu cử. Trong một tháng, cậu đã đến từng căn nhà, vào đến tận bếp để vận động cử tri bỏ phiếu cho mình trước ánh mắt hoài nghi ban đầu của mọi người.

Những nỗ lực của Michael cũng được đền bù xứng đáng. 670 trên tổng số 1.400 cử tri của thành phố có 8.400 dân đã quyết định chọn Michael Sessions cho chức vụ thị trưởng. Cậu giành chiến thắng sít sao với vỏn vẹn hai phiếu nhỉnh hơn đương kim thị trưởng Douglas Ingles.

Không riêng gì thị trưởng 'tí hon' Robert "Bobby" Tufts hay thị trưởng 18 tuổi Michael Sessions, Tổng thống Mỹ, Pháp hay Thủ tướng Anh đều thế. Họ phải tự mình vận động tranh cử bên cạnh ê kíp khổng lồ. Họ quen với việc PR bản thân và rèn luyện năng lực dẫn dắt ngay từ nhỏ.

Nhưng người Việt rất thiếu khả năng ấy. Họ quen với việc được người khác chỉ định, sắp xếp hơn. Từ bé chúng ta chờ thầy cô chủ nhiệm ‘chọn mặt gửi vàng’ cho các chức danh trong lớp.

2016, lần đầu tiên FPT tổ chức Under 35 - tìm kiếm gương mặt trẻ nổi bật. Là người hỗ trợ Ban tổ chức, tôi thấm thía câu chuyện PR bản thân và tinh thần trách nhiệm.

Năm ngoái tôi còn dùng Facebook, và trên trang cá nhân thường xuất hiện những link bình chọn do chính các ứng viên chia sẻ để kêu gọi bình chọn từ cộng đồng. Sự kiện vì thế tạo sự lan tỏa rộng rãi đúng như tiêu chí của Under 35.

Do phải cập nhật thông tin hậu trường, tôi cũng thường trao đổi qua chat hay email với các ứng viên. Một anh quản lý cấp trung nhà Phần mềm tiết lộ cách vận động: với đơn vị anh phụ trách (khoảng 100 người), nếu giành giải, anh sẽ mời một bữa hoành tráng, như cơ hội để kết nối anh em đơn vị. Chưa dừng lại, anh còn nhờ tất cả các kênh như bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí là hội đồng hương tại thành phố kêu gọi bình chọn. Để làm tin, anh chuyển rất nhiều email hay chụp màn hình các ‘hội kín’ đang kêu gọi bình chọn.

“Giải vinh dự cũng thích nhưng tôi muốn làm thương hiệu để tuyển dụng”, anh phân trần. “Nhờ Under 35 mà tôi có thể giới thiệu nhiều dự án hay ho hoặc cơ hội đi Mỹ mà đơn vị đang có để ‘câu người’. Tôi cũng muốn truyền cảm hứng đến anh em lập trình viên trẻ”. Dù thành tích chưa hoành tráng, nhưng nhờ số phiếu thuộc nhóm cao, anh trở thành 13 FPT Under 35.

“Khoảnh khắc đáng nhớ là cảm xúc tự hào khi đứng trên sân khấu Trung tâm Hội nghị Quốc gia nhận danh hiệu Under 35 từ Chủ tịch Tập đoàn trước vài nghìn người, trong đó có cả vợ - hậu phương vững chắc - khiến tôi yên tâm làm việc”, Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Vùng 1 (Hà Nội, FPT Telecom), người có chức vụ và level cao nhất trong nhóm 13 gương mặt nổi bật mùa đầu tiên, chia sẻ trong lễ trao giải ngày 13/9.

Năm nay là mùa thứ hai của sự kiện, một vài ứng viên cũng vận dụng cách xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua việc chia sẻ thông tin về cuộc thi và kêu gọi bình chọn. Tuy nhiên, một số người trao đổi với ý: “Under 35 thú vị đấy nhưng tôi thích các sếp và Ban tổ chức chọn cơ”. Họ từ chối khi cờ đến tay mình dù tất cả đã được chuẩn bị sẵn.

Số khác lại cho rằng, ‘dường như có vote ảo’. Ơn giời, các anh lại khéo lo bò trắng răng. Tất cả đều lưu trên hệ thống nên Ban tổ chức có thể dễ dàng nhận ra ai số ảo và ai số thật. Không có cuộc bỏ phiếu nào công bằng tuyệt đối, kể cả bầu tổng thống Mỹ.

Năm đầu tiên, khi Ban tổ chức gửi danh sách 13 gương mặt nổi bật để công bố, tôi giật mình khi một cái tên mà tôi cho rằng rất sáng giá bị rớt. Không chỉ nổi tiếng nhà F, anh còn được biết đến ngoài cộng đồng lớn. Xem lại, anh xếp thứ 14, chỉ cách người được vinh danh về chỉ số vote online. Khi tôi gửi link công bố và tiết lộ nguyên do, anh bảo biết vậy cố thêm 10 phiếu! Nhưng tất cả đã muộn.

Đừng chờ sung rụng khi cờ vẫn trong tay; và không ai làm biếng mà thành công cả!

Nguyên Văn

Ý kiến

()