Chúng ta

Nhân hiệu đánh chết Thương hiệu

Thứ năm, 15/12/2016 | 11:03 GMT+7

Ai cũng biết thương hiệu là gì. Đó là các nhãn hàng nhan nhản quanh ta, từ được thần tượng như iPhone đến bị gièm pha như Chinsu. Từ đắt lòi mắt như Hermes đến rẻ thối như Omo. 

Thời đại công nghiệp, nói ta bị bao vây bởi các thương hiệu cũng không ngoa. Nhưng trước khi có thương hiệu ra đời, người ta sống như thế nào? Nào là đeo bị cói mua ở dì Ba đầu chợ, ăn nước mắm bà Tư, đi học thầy Năm, chữa bệnh cô Sáu, hầu đồng ông Bảy…

Tóm lại, đó là thời của Nhân hiệu.

Vậy thời nay nhân hiệu có còn tồn tại không? Trương Gia Bình? Steve Jobs? Phạm Nhật Vượng? Lại Văn Sâm? Nhưng nếu đặt những tên tuổi trên bên cạnh những thương hiệu do họ tạo ra, dễ dàng thấy sự yếu thế.

100% tin rằng không có Lại Văn Sâm, VTV3 vẫn sống khỏe; Ít hơn một chút tin rằng không có Trương Gia Bình, FPT vẫn tồn tại và ít hơn chút nữa cho rằng, Vingroup sẽ vẫn còn. Thực tế là, sau khi Steve Jobs mất đi, iPhone vẫn tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới.

Tóm lại, đây là thời của Thương hiệu. Trừ một vài trường hợp khi nhân dân ùn ùn đi chữa bệnh cô Sáu, ông Bảy, và lập tức bị gán cho những mỹ từ như “ngu muội, lầm than”.

Vì sao vậy, đơn giản là vì chúng ta sống dưới ảo giác của các phương tiện thông tin đại chúng. Còn các Thương hiệu nuôi thông tin đại chúng bằng những số tiền khủng khiếp. Nhân hiệu không đủ tiền. Just it - Cứ thử đi!

Cho đến khi có tia sáng le lói: Nguyễn Hà Đông. Cho đến khi quả bom Donald Trump nổ.

Chuyên đọc BBC và CNN, tôi, cũng như đa số mọi người, đều đọc các phát biểu của ông này như một thứ giải trí.

Một ngày, sau khi đăng một status Donald đang ôm eo mấy hotgirl. Một người bạn trên Facebook - giáo sư ngôn ngữ học tại Mỹ - đã comment: Hóa ra anh Nam cũng bị truyền thông Mỹ tẩy não.

Tôi đã đọc lại tất cả các bài nói của Donald. Bạn Lâm Hiền Anh mang đến cho tôi một cuốn sách của Nhã Nam "Nước Mỹ què quặt". Tôi chợt hiểu, đây là không phải là một nhân vật mua vui. Đây đích thị là một Nhân hiệu, một lang vườn tài năng, đang dần dần xuất chiêu trong một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức đánh lại các phương tiện thông tin đại chúng.

Tôi đã mong rằng Donald sẽ thắng, và thực tế đã xảy ra như vậy. Đây là chiến thắng hoành tráng của Nhân hiệu trước thông tin đại chúng do các Thương hiệu nuôi dưỡng.

Chỉ bằng cách nói toẹt ra sự thật bằng những ngôn ngữ đời thường nhất, bỏ qua mọi quy luật của thông tin đại chúng “tròn trịa”, “đẹp đẽ”, “quảng cáo tốt nhất là không nói về đối tượng”… Cung kính không bằng “làm thử”.

FUNiX là một thương hiệu mà chưa ai thèm biết đến. Sau bao năm chinh chiến, tôi có là một tí “nhân hiệu”, thử đem ra dùng. Thay vì viết báo, tôi bắt đầu huỵch toẹt trên Facebook, đợi có ngày thông tin đại chúng sẽ “tự nguyện” nhắc lại.

Tất nhiên trình còi nên phải kiên trì. Cuối cùng cũng thu được một chút thành tựu nhờ status “hỏi ngu” lọt vào mắt xanh của VnExpress.

Nên có thể nói rằng Cách mạng số đang là Cơ hội để cho từng cá nhân chúng ta, mài chút nhân hiệu của mình mà mưu việc lớn. 

>> Hỏi ngu để trưởng thành

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()