Chúng ta

Người thầy lớn

Thứ sáu, 21/11/2014 | 16:00 GMT+7

Tháng 11. Chúng tôi, những đứa trò nhỏ vô tư, sau khi đã sắp lịch đi thăm đủ các thầy cô, dành chút thời gian tới thăm bác.

Trời đã qua thu, lạnh hơn và cũng qua mùa cúc vàng - thứ hoa mà bác thích nhất. Líu ríu bước vào căn nhà nhỏ quen thuộc, đứng trước những bức tranh treo, hít cái mùi nhẹ thật nhẹ của dầu nóng người già, vẫn luôn cảm thấy mình lại bé lại như xưa, như khi chúng tôi chỉ là những đứa trẻ 11-12 tuổi.

Ngày ấy, chúng tôi học ở Câu lạc bộ Văn học Cung thiếu nhi. Bác – nhà thơ thiếu nhi có cái tên thì dữ mà tính nết thì thật hiền, tuần nào cũng dành cho chúng tôi một buổi chia sẻ về văn học. Còn chúng tôi, lũ trẻ tập tành viết lách cho vui và mang những bài thơ, mẩu chuyện ngô nghê tới cho bác đọc. Bác chậm rãi đọc hết, nói chỗ này chưa được, chỗ kia nên sửa, đôi lúc lại bất ngờ khen ngợi trước một ý tưởng lạ.

Ngày ấy, căn nhà nhỏ của bác như một chốn ấm cúng thật đặc biệt mà tuần nào tôi cũng đạp xe lên chơi. Nghe bác nói chuyện, xem những bức tranh, ngắm những chậu lan và bể cá. Mấy đứa còn trẻ con, đâu biết rằng bác sức khỏe yếu không nói được nhiều, bác lại vui vì chúng tôi đến, cứ muốn trò chuyện mãi. Cứ vậy cho tới lúc người nhà phải đi ra nhắc bác vào nghỉ.

“Các cháu có viết gì mới không, cho bác xem?” - bác vẫn luôn hỏi thế. Lũ chúng tôi lén nhìn nhau rồi bẽn lẽn lắc đầu. Vẫn cứ xem viết lách là chuyện vui vui, đâu có đứa nào theo đuổi để sống và thở với nó. “Thế các cháu có chuyện gì vui nào, kể cho bác nghe?” - Mấy đứa lại ngồi nghĩ mãi mà chẳng có chuyện gì hay. Thế là toàn kể những câu chuyện trẻ con. Nhà cháu vừa có một con mèo, tháng vừa rồi nhà cháu đi biển... Bác cười, mắt lấp lánh.

5 năm, 10 năm... như một thói quen, những đứa trò nhỏ lớn dần, xa rời dần những vần thơ, mẩu truyện trẻ con, mỗi đứa một hướng đi, nhưng vẫn cứ hẹn nhau thi thoảng ghé qua thăm bác, chuyện trò.

Thực lòng, có nhiều điều, rất nhiều điều bác nói giờ tôi không còn nhớ. Nhưng có một điều chắc chắn, những gì bác chia sẻ đã thấm vào hồn tôi một cách tự nhiên, mộc mạc, trở thành một phần tâm hồn của tôi, hình thành nên tính cách và ảnh hưởng tới cách sống của tôi. Hoặc có thể, bác đã khơi gợi để đánh thức những phần trong trẻo sẵn có đó trong tôi đi theo cách mà nó nên đi, vượt qua được những khuôn mẫu, quy chuẩn thường có, mặc kệ cho trong mắt ai mình có kỳ lạ, khác người. Chỉ cần nó tốt, nó thiện, thế là đủ.

Bây giờ, đã đi nhiều hơn, đọc cũng nhiều hơn, có nhiều chuyện để kể hơn với bác. Cũng đã nghĩ nhiều hơn, hiểu và không hiểu cũng nhiều hơn, để thực sự muốn hỏi, với mong chờ được nghe, để thấm thía, để suy ngẫm và để nương tựa.

Mỗi viết lách thì vẫn dở dang. Đã lâu rồi tôi luôn muốn viết một cái gì đó dành cho bác, vậy mà không viết được. Trước người thầy lớn, hình như lúc nào cũng thấy mình bé nhỏ, vụng về.

Lại tháng 11, có thể sớm, có thể muộn, chúng tôi vẫn tới thăm bác trong những ngày này. Bây giờ mùa nào cũng có hoa cúc. Giữa nghĩa trang bát ngát, những đóa cúc vàng bác yêu thích bừng nở, như những đốm nắng ấm áp trong cái se se lạnh đầu đông. Nhẹ nhàng cúi xuống đặt hoa, lòng thanh thản lạ kỳ.

Trước bác, tôi vẫn cứ là người học trò bé nhỏ ngày nào. Tôi vẫn kể với bác rất nhiều điều. Cháu đã sống như thế này... cháu đã yêu thương người này... cháu đã đi tới những nơi này... cháu đã lựa chọn điều này... Tôi tin bác vẫn lắng nghe mình, với tâm hồn ngây thơ, với trái tim từng trải.

Bích Vân

Ý kiến

()