Chúng ta

Người Đức dạy con như thế nào

Thứ ba, 9/12/2014 | 09:00 GMT+7

Cách đây ba năm, tôi được trải nghiệm một thử thách lạ khi nhận làm hướng dẫn viên cho một gia đình người Đức. Nhiệm vụ của tôi là giới thiệu và giúp đỡ họ làm quen với môi trường sống ở Việt Nam. Trái với ý nghĩ trước đây của tôi về một người Đức lạnh lùng, tôi hoàn toàn khâm phục họ bởi sự tự lập và trách nhiệm, được hình thành từ tinh thần “kỷ luật thép”.

Người Đức đã dạy cho tôi rằng: Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có những tố chất đặc biệt và hoàn toàn khác nhau, nên cần được chăm sóc và phát triển theo hướng hoàn toàn riêng biệt. Do đó, nếu một đứa trẻ Đức có tỏ ra thông minh, vượt trội hơn bạn bè cùng trang lứa, ba mẹ chúng cũng không thể hiện sự tự hào ra mặt (dù thực tâm họ vẫn rất thích thú). Ngược lại, nếu đứa trẻ có nhỡ may chậm tiến so với chúng bạn, thì các bà mẹ cũng không bao giờ mắng mỏ, so sánh khiến cho con họ tủi thân và nhụt chí.

Trong khi các ông bố, bà mẹ Việt thường có xu hướng nâng niu, chiều chuộng con mình và không để chúng “phải sờ tay vào bất cứ việc gì” chỉ đơn giản vì “chúng còn bé” và cần được bảo vệ an toàn thì các bậc phụ huynh Đức dạy con mình tinh thần tự lập từ khi vừa học mẫu giáo. Đối với những gia đình người Đức, không bao giờ là quá sớm và họ tranh thủ dạy con tinh thần tự lập mọi lúc có thể.

Điển hình nhất cho việc tự lập này là trong khi các bà mẹ Việt phải chạy theo và van nài đến thúc ép trẻ mỗi khi đến giờ ăn thì bà mẹ Đức lại tập cho đứa trẻ ý thức ngồi vào bàn ăn khi đến bữa, và phải đợi đủ người trong gia đình rồi mới được ăn. Do đó, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy đứa trẻ Đức một tuổi đã có thể tự xúc ăn. Dĩ nhiên, ban đầu có thể xúc vào mũi, vào trán, nhưng rồi cuối cùng cũng phải vào mồm… Và khi trẻ học được việc tự lập trong ăn uống, thì cũng có nghĩa là chúng đã học được hai bài học lớn về giá trị tinh thần, đó là kiên trì, hành động, và quan trọng là đừng tuyệt vọng.

Người Đức cũng dạy cho con mình sự thích thú và ham học hỏi những điều mới lạ. Thay vì luôn tự tay làm tất cả mọi việc từ nấu cơm đến giặt quần áo, các bà mẹ Đức thường rủ con mình làm cùng. Trẻ em thường học rất nhanh và nhớ cũng rất lâu, do đó chỉ cần một vài lần là bé đã thuộc và có thể làm được. Tự tay mình làm được một việc luôn đem đến cho trẻ sự thích thú và mong muốn được học hỏi thêm những điều mới.

Dạy con tự giác là vậy nhưng người Đức không hề ép con mình trong khuôn khổ, mọi quy tắc đều được thực hiện trong sự thoải mái. Cha mẹ Đức không đặt áp lực thành công cho con cái mình và không yêu cầu con mình phải hướng đến một mục tiêu nhất định theo ý muốn của họ. Tất cả những gì họ muốn dạy cho con cái mình chỉ gói gọn trong một câu: “Hãy phấn đấu để không trở thành một người bỏ đi”. Năm tháng lớn lên, cậu bé Đức thưở nào vẫn khắc ghi lời dặn ấy và luôn phấn đấu bằng một tinh thần quật khởi.

Đồng thời, mỗi khi muốn động viên tinh thần của đứa trẻ, bà mẹ Đức không bao giờ có một lời khen “chung chung”. Bởi theo họ, sự hời hợt trong khen ngợi sẽ khiến trẻ ảo tưởng về năng lực bản thân, nguy hiểm hơn, còn có thể khiến trẻ có cảm giác bị lừa dối. Vì vậy, mẹ Đức thường tập trung khuyến khích một điểm mạnh rõ ràng của trẻ. Từ đó giúp bé phát huy được đúng điểm mạnh và luôn mang trong mình một tinh thần lạc quan.

Trong xã hội hiện nay, thi thoảng chúng ta lại bắt gặp một bài báo than phiền về việc những cử nhân ra trường không có việc làm, hay những người đã và đang làm việc lại không dám vươn cao vì sợ thất bại. Sự thật là đằng sau mỗi thành công luôn là một thái độ và tư duy đúng đắn, cùng tinh thần độc lập, kiên định. Hiểu được giá trị và sức mạnh của tinh thần giúp chúng ta ý thức được cách vượt qua nỗi sợ hãi, thiếu tự tin và đem lại 50% thành công. Đó cũng chính là bài học đầu tiên mà người Đức dạy con mình.

Minh Quân

Ý kiến

()