Chúng ta

Nghe hay cãi cũng không bằng làm

Thứ hai, 7/11/2016 | 09:13 GMT+7

Chia sẻ trực tuyến với độc giả VnExpress về chủ đề khởi nghiệp của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khiến cộng đồng một lần nữa dậy sóng.

Các hot-Facebooker trong giới khởi nghiệp và truyền thông lại có dịp tranh luận, thể hiện quan điểm khi dẫn link các bài báo viết lại sự kiện chia sẻ trực tuyến. Nào là khởi nghiệp không phải là bán cà phê, bán phở hay khởi nghiệp khác lập nghiệp…

Cựu phóng viên Forbes kể chuyện về doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ ở Trà Vinh, người vốn được biết đến với các công ty thành công như American Dye Source, Inc ở Canada, Tập đoàn Mỹ Lan và gần đây là Rynans Agrifoods.

Trước đây, ông Thanh Mỹ nhất quyết cho rằng khởi nghiệp (start-up) là phải kiểu ngôi sao sáng ở Thung lũng Silicon chứ bán cà phê, bán phở, hay làm nông nghiệp không phải, bởi "không đột phá, không tạo ra giá trị tỷ đô, không...".

Dần dà, ông chủ của Mỹ Lan quen với khái niệm khởi nghiệp ở Việt Nam là làm nông nghiệp, bán phở hay kinh doanh cà phê. Ông tự nhận mình sống ở vùng nước lợ, tức là thích ứng với môi trường đang biến đổi và rút ra 4 tiêu chí của khởi nghiệp: Làm đúng những gì đang bị làm sai; Làm tốt hơn những gì đang tốt; Làm cho cái gì chưa có; và “Làm gì thì làm cũng phải xuất phát từ tâm, và để lại cho thế hệ mai sau". Ở tuổi 60, ông Mỹ lại chèo xuồng ra Cù lao Long Trị ở Trà Vinh để khởi nghiệp ở tuổi 60, bỏ lại sau lưng những thành công lừng lẫy.

Tựu chung, khởi nghiệp là đổi mới và sáng tạo. Và tiêu chí này không chỉ ở mảng công nghệ, mà có thể là sáng tạo về sản phẩm, mô hình kinh doanh.

Ví dụ về "Làm tốt hơn những gì đang tốt" khó ai qua được James Dyson, người tạo dựng một trong những công ty sáng tạo nhất thế giới (hãng Dyson của Anh) nhờ chiêu mộ những kỹ sư tài năng trẻ tuổi về vùng thôn dã thi vị nước Anh và cho họ cơ hội thất bại hàng trăm lần. Cách này giúp ông trở thành một trong những người giàu nhất nước Anh và cách mạng hoá nhiều sản phẩm từ máy hút bụi đến máy sấy tóc.

Vòng tròn bất tận của những lần thất bại cũng giúp tạo ra những sản phẩm mới mang tính cách mạng: Máy hút bụi không túi (5 năm, 5.127 mẫu thử), người máy 360 Eye (17 năm, hơn 1.000 mẫu thử) và máy sấy tóc Supersonic (4 năm, 600 mẫu thử). 58 sản phẩm của Dyson tạo ra doanh thu 2,4 tỷ đô la Mỹ trong năm ngoái và khoảng 340 triệu đô la Mỹ lợi nhuận.

Uber trong lĩnh vực xe hay Airbnb ở mảng nhà là điển hình của hai yếu tố mô hình kinh doanh (kinh tế chia sẻ) và công nghệ (technology).

Start-up hay đổi mới, sáng tạo, phải hướng đến mục tiêu có tốc độ tăng trưởng lớn về quy mô (scale) so với các công ty truyền thống. Có thể một đơn vị thành viên FPT nghiên cứu và cho ra đời một sản phẩm công nghệ, có đột phá về sáng tạo và mô hình kinh doanh nhưng FPT cũng không được gọi là start-up, và tiêu chí này để phân biệt một khởi nghiệp với tập đoàn lớn có đủ nguồn lực. FPT chỉ có thể là vườn ươm hay nhà đầu tư của khởi nghiệp.

Câu chuyện tranh luận khiến tôi nhớ đến cuốn sách "Zero to One" của tác giả Peter Thiel và Blake Masters. Sách có tên đầy đủ: "Zero to One: Notes on Startups, or How to Build the Future" (tạm dịch "Từ 0 đến 1: Những lưu ý khi khởi nghiệp hay Làm thế nào để xây dựng tương lai"). Tinh thần là khởi nghiệp trên con đường chưa ai chọn; và theo tác giả Peter Thiel (một nhà khởi nghiệp đồng thời cũng là một nhà đầu tư, ông sáng lập ra PayPal năm 1998, dẫn dắt công ty trong vai trò một CEO), cuốn sách đúc kết những bài học từ Thung lũng Silicon để lý giải tại sao và bằng cách nào những doanh nghiệp hàng đầu thế giới lại là các công ty giải quyết vấn đề theo cách mới chứ không phải các hãng cạnh tranh trên con đường đã có sẵn quá nhiều người qua lại.

Tôi không có ý định khởi nghiệp, chỉ đơn giản đọc sách bởi được một người bạn giới thiệu để phục vụ công việc; và thấy nó thú vị. Người đọc sẽ tìm thấy hầu hết câu trả lời xác đáng và logic cho những băn khoăn khi khởi nghiệp. Peter cũng ‘đánh tan’ những ảo mộng trong quá trình khởi nghiệp do truyền thông tạo ra, khiến người khởi nghiệp có những ước mơ hão huyền đẹp đẽ đến mức phi thực tế. Với Zero to One, người đọc sẽ bắt đầu học lại những bài học vô cùng căn bản, từ đầu. Tiêu đề cuốn sách là khái niệm từ 0 đến 1, một hành trình thực sự khó khăn, khó khăn hơn rất nhiều nếu từ 1 đến 10.

Nếu đang và sẽ khởi nghiệp, đọc "Zero to One" nên chậm rãi, kỹ lưỡng, liên tưởng đến mọi thứ trên chặng đường khởi nghiệp của mình vì đây sẽ là người bạn đồng hành dài lâu. Phần chia sẻ của anh Bình trong khoảng 90 phút chỉ như bài nói chuyện truyền cảm hứng cho những nhà khởi nghiệp hay những người đang có ý định bước vào cuộc đua.

Cuối cùng, start-up, khởi nghiệp, lập nghiệp, bán cà phê, bán phở… cũng chỉ là con chữ hay thuật ngữ. Đồng ý hay không cũng cần phải làm và thể hiện năng lực cá nhân. Tôi rất thích chia sẻ của anh Dzung Nguyễn, cựu nhân viên FPT Software, giờ là trưởng đại diện của CyberAgent Ventures tại Việt Nam và Thái Lan, quỹ đang đầu tư cho rất nhiều khởi nghiệp đình đám ở Việt Nam: “Khi quỹ quyết định rót vốn là họ đang đầu tư về con người nhiều hơn là ý tưởng. Chỉ cần người sáng lập dự án tin tưởng, kiên trì không từ bỏ thì khả năng nhận được đầu tư trong tầm tay”.

Nguyên Văn

Ý kiến

()