Chúng ta

Nên lấy vài thứ ngoài những tấm ảnh

Thứ bảy, 25/6/2016 | 09:08 GMT+7

Nếu đứa trẻ vào rừng mà chỉ lấy “những bức ảnh đẹp” như trong các tấm biển thường thấy thì đúng là chán thật. Đừng mong rủ nó đi lần nữa.

Ở các khu rừng, ta hay thấy tấm biển: "Không lấy gì ngoài những bức ảnh đẹp. Không để lại gì ngoài những dấu chân". Khẩu hiệu này được coi là mẫu mực trong việc bảo vệ rừng, nhưng có phải như vậy không? Trong bài Let Kids Run Wild in the Woods (tạm dịch: Hãy để tụi trẻ làm loạn trong rừng, của Emma Marris), tác giả đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi người hái một bông hoa? Có lẽ họ sẽ quan tâm hơn đến thiên nhiên?

Đó là câu chuyện về Browning, một anh gác rừng (ranger). Mỗi khi có trẻ con đến rừng và lấy gì đó, ngắt hoa chẳng hạn, anh sẽ hỏi chúng: “Cháu vừa ngắt hoa đúng không? Như thế không đẹp. Cháu thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra nếu ai cũng ngắt hoa?” với ý rằng nếu làm vậy thì thiên nhiên sẽ chẳng còn.

Cho đến một hôm, anh thấy một cậu bé nhặt ít đá cuội, thứ cuội mà họ mua về rải bên đường. Đồng nghiệp của anh cũng hỏi cậu bé tương tự, và anh thấy nỗi thất vọng trong mắt cậu bé. “Thay vì niềm vui khi nghĩ về rừng với kỷ niệm nho nhỏ, nay cậu bé sẽ nghĩ đến rừng quốc gia như là nơi gặp chuyện rắc rối”.

Chuyện đó khiến Browning suy nghĩ, “điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi đứa trẻ ngắt một bông hoa hay một hòn đá?” Liệu rừng quốc gia sẽ trở nên hoang địa? Trừ phi đó là những loài hoa quý hiếm hay gì đó tương tự, việc làm trên không gây ảnh hưởng gì.

Bọn trẻ không chỉ bị cấm thu lượm đồ lưu niệm. Chúng còn bị buộc phải đi theo đường cho trước, không trèo cây, không đào hố, không khuân đá, thậm chí không được hét to. Thế mà cũng gọi là đi chơi hay trải nghiệm sao?

Tất nhiên có những loài cây cần bảo vệ, có những lối đi nguy hiểm cần cấm, nhưng trong mỗi khu rừng đều có thể có khu vực dành cho trẻ con, để chúng có thể “làm loạn”. Những khu vực như thế rất phổ biến ở Bắc Âu, bọn trẻ có thể trèo cây, chạy lung tung, thu thập mẫu sinh vật... Các khu vực như vậy không hề bị tàn phá, thiên nhiên có thể “chấp nhận” được chuyện này. Được giao lưu thực sự với thiên nhiên như vậy, bọn trẻ có khả năng yêu và bảo vệ thiên nhiên nhiều hơn khi lớn lên.

Trong một khu như thế, Browning thấy một cậu bé 12 tuổi dùng dao chặt các cành cây nhỏ để làm giáo, rồi xây chiến lũy và chơi trò ném đá. Anh hỏi cậu ta liệu cậu có đâm dao vào gốc cây, cậu bé hốt hoảng “Không! Nó sẽ làm cây bị thương, cũng giống như làm cháu bị thương vậy!” “Đó chính là ý thức mà chúng ta muốn dạy trẻ con!”, Browning kêu lên. “Không phải bằng cấm đoán tẻ nhạt, không bằng những khẩu hiệu kêu gọi xả thân kiểu “không để lại gì…”, mà bằng mối tương quan tích cực với thiên nhiên, bằng sự cảm thông với những thực thể sống”.

Đó là một kiểu ý thức tốt hơn, một cách tốt hơn để giáo dục tụi trẻ thành những người lớn quan tâm chăm sóc thiên nhiên. Chính những người lớn như Browning cũng đã có tuổi thơ sống giữa thiên nhiên như vậy.

Nếu đứa trẻ vào rừng mà chỉ lấy “những bức ảnh đẹp” như trong tấm biển trên kia thì đúng là chán thật. Đừng mong rủ nó đi lần nữa.

Phan Phương Đạt

Ý kiến

()