Chúng ta

Nên giúp đỡ bà con vùng lũ miền Trung thế nào

Thứ tư, 2/11/2016 | 17:03 GMT+7

19/20 hộ ở thôn Tân Thượng, Quảng Bình, đồng ý nộp lại để chia cho cả thôn. Kết quả này đã phản ánh bà con sống thật sự vì tình làng, nghĩa xóm, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cùng chung tay vượt qua thiên tai, hoạn nạn. Và điều đó cũng gợi mở cách giúp đỡ.

Khúc ruột miền Trung là nơi chịu thiệt thòi nhất cả nước, không chỉ trong chiến tranh mà cả ở thời bình. Bão cũng miền Trung, hạn hán cũng miền Trung, cá chết vì độc tố cũng miền Trung, lũ lụt cũng miền Trung, chưa kể gió Lào, cát trắng năm này qua năm khác đã thành đặc sản, thành thương hiệu của miền Trung.

Người dân miền Trung lam lũ, cần cù, chịu thương, chịu khó, thế nhưng họ mới chỉ vừa kịp tích lũy được chút tài sản đáng giá thì lũ lụt lại cuốn trôi đi công sức của bao người; đau thương, mất mát này vừa qua đi thì đau thương, mất mát khác lại ập đến. Chính vì vậy mà "sự cằn cỗi" và "khắc khổ" đã thành thương hiệu, thành đặc sản của miền Trung.

Đã bao lần câu "thương quá miền Trung ơi" tràn ngập trên Facebook, trên các diễn đàn mạng. Năm nào các đoàn cứu trợ cũng quyên góp, từng đoàn, từng đoàn, từ Nam đến Bắc, cùng những chuyến xe cứu trợ nối đuôi nhau vào miền Trung.

Thế nhưng một thực tế là thiên tai quá khốc liệt, thiệt hại thì vô cùng lớn, tấm lòng hảo tâm, tình thương của bà con cả nước cũng chỉ đến được 10% đến 15% những gia đình cần được cứu trợ. Những nhà hảo tâm thì mất niềm tin vào chính quyền, sợ họ ăn bớt, cắt xén, nên hầu hết đều muốn tài trợ trực tiếp đến tận tay bà con. Thế là họ bỏ qua chính quyền tìm mọi cách để ra được danh sách các nhà khó khăn nhất và tài trợ trực tiếp. Đoàn thì dựa vào những người quen làm việc ở miền Bắc, miền Nam quê ở miền Trung cung cấp, đoàn thì dựa vào các thầy cô giáo, đoàn thì dựa vào các ông trưởng thôn.

Do thời gian cấp bách lại thiếu thông tin nên có tình trạng bất hợp lý là có nhà khó khăn nhận được 2-3 lần tài trợ của hai, ba đoàn khác nhau, nhà khó khăn ít hơn chút xíu thôi lại không nhận được chút tài trợ nào; nhà thiệt hại nhiều hơn lại nhận được tài trợ ít hơn nhà thiệt hại ít. Thế là sự so sánh, sự tị nạnh đã xảy ra, tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ.

Các ông trưởng thôn đứng trước tình trạng khó xử: Các nhà có tên trong danh sách thì biết ơn và quý mến, nhà không có tên thì thắc mắc, giận dỗi, thậm chí thù ghét. Vì muốn việc tài trợ hợp lý hơn, vì muốn giữ tình làng nghĩa xóm, muốn duy trì sự thương yêu, đùm bọc, chung tay vượt qua khó khăn, hoạn nạn của bà con trong thôn ông đã thống nhất là "cứ có một đoàn tài trợ đến, tài trợ bao nhiêu suất thì ông đưa ra danh sách số người tương ứng, đại diện ra nhận, sau khi đoàn về thì thu lại để trưởng thôn phân chia lại cho cả thôn". Có lẽ cách làm này đã tồn tại từ lâu, không ngờ lần này có một vài hộ thắc mắc, đến tai phóng viên thế là cơn bão chỉ trích, lên án, chửi bới tràn ngập Facebook, diễn đàn mạng.

Ngày 27/10 vừa qua, thôn Tân Thượng (Quảng Hải, Ba Đồn, Quảng Bình) đã họp 20 hộ được tài trợ đợt vừa rồi để lấy ý kiến về việc họ có muốn giữ số tiền tài trợ của các nhà hảo tâm cho riêng gia đình mình hay họ đồng ý nộp vào quỹ chung rồi chia lại cho cả thôn. Kết quả là 19/20 hộ đồng ý nộp lại để chia cho cả thôn.

Kết quả này đã phản ánh bà con sống thật sự vì tình làng, nghĩa xóm, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cùng chung tay vượt qua thiên tai, hoạn nạn.

Vì vậy, tôi cho rằng các đợt thiên tai, lũ lụt sau, các nhà tài trợ hoặc làm như MC Phan Anh phát quà, tiền trực tiếp cho người dân, nếu đủ lực cứu trợ 100% hộ dân trong thôn, nếu không đủ thì tốt nhất hãy đặt niềm tin vào các ông trưởng thôn cộng thêm 3-5 đại diện của bà con (lấy ngẫu nhiên) để giám sát.

Đã có lòng hảo tâm thì cũng nên bớt thêm chút thời gian giám sát để tấm lòng của mình không chỉ đến đúng địa chỉ mà còn góp phần giữ tình làng, nghĩa xóm, giữ tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, đừng để có tình trạng như một gia đình ở thôn Tân Thượng, một mình đứng đơn độc đối nghịch với toàn bộ 400 hộ trong thôn.

Đỗ Cao Bảo

Ý kiến

()