Chúng ta

Mong các em thành những măng non có ích cho đời

Thứ bảy, 8/11/2014 | 09:00 GMT+7

Tuổi thơ của trẻ con đều giống nhau. Các em cũng như bao trẻ em khác, cũng thích được chơi, được nói, được học - những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng đó là cả một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao. 

Xuất thân là người miền Bắc, nhưng tôi đã sinh sống tại Sài Gòn được 25 năm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi mới biết có một ngôi trường nhỏ bé nằm ngay trung tâm quận 1 - giữa lòng thành phố nhộn nhịp sôi động như thế này. Ngôi trường đơn sơ với cái sân trường không đủ chỗ để xe, vài bóng cây xanh không đủ làm mát cho các em khi ra chơi. Ngôi trường mà tôi nhắc đến có tên là Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật thính giác - Hy vọng I ở số 1 Công xã Paris, quận 1, TP HCM.

Sáng ngày 23/10, tôi có hẹn cùng các đồng nghiệp trong công ty có mặt tại đây để tặng quà cho các bé bị khiếm khuyết về thính giác. Trong lúc chờ đợi các thành viên trong đoàn, tôi tranh thủ quan sát không gian xung quanh. Cảm xúc đầu tiên xuất hiện trong đầu là câu hỏi: “Đây có phải là ngôi trường?” nếu như không ai nói cho tôi biết. Bởi theo ký ức và kỷ niệm thời học sinh trước đây, tôi cứ nghĩ trường học là phải lớn lắm, nào là sân thật to, những hàng cây phượng thật đẹp, thầy cô mặc áo dài rất nghiêm túc…

Nhưng ngược lại, ngôi trường mà tôi thấy sao lại đơn giản đến thế, cái sân be bé chỉ đủ cho một nhóm các em nhỏ chơi đá cầu với nhau. Chỉ có khoảng 10 thầy cô giáo, ăn mặc rất giản dị, và điều quan trọng là nhìn cách mà các em chơi với nhau khiến đôi mắt tôi dừng lại và tập trung kỹ hơn. Vì không nói được nên các em đều ra hiệu bằng các động tác, cử chỉ và hồn nhiên cười với nhau khiến tôi cảm thấy chạnh lòng.

Rồi các bạn tình nguyện viên cũng đã đến, thủ tục với nhà trường cũng vừa hoàn tất. Tôi chợt nghe thấy tiếng động của các bé từ trên lầu đang đi chuyển xuống sân trường - nơi mà cả đoàn chúng tôi đang đợi các em. Các em tập trung và ổn định theo sự hướng dẫn của cô hiệu trưởng một cách răm rắp. Điều ngạc nhiên là tôi không thể hiểu được sao các em có thể nghe giỏi đến thế.

Qua tìm hiểu trong một vài phút, tôi biết được đó là do thói quen, các em quan sát khẩu hình và động tác của người nói để làm theo và dần dần mỗi khi thấy lời nói, hành động đó là các em biết phải làm gì. Có em tai đeo máy trợ thính, có em thì không. Thực sự chiếc máy trợ thính chỉ bắt được tiếng động hỗ trợ thêm cho các em chứ không phải làm cho các em nghe được, điều mà tôi từng hiểu sai trước đây.

Trường ở đây nhận đủ các bé ở những độ tuổi khác nhau từ lớp mầm non đến cấp 2. Các em được phân chia theo trình độ học vấn. Tùy theo khả năng, có em 13 tuổi được xếp học lớp 4 và cũng có em 27 tuổi học lớp 8. Các em được phân công giới thiệu về bản thân như tên gì, mấy tuổi theo sự hướng dẫn của cô hiệu trưởng.

Thật thương khi nghe các em vừa ra hiệu bằng đôi bàn tay, miệng vừa nói để tôi có thể dễ dàng nhận ra. Có những em nói rất rõ ràng, nhưng cũng có em nói không nghe được gì. Buồn hơn khi có những em rất sáng láng, xinh xắn nhưng lại bị khiếm khuyết như vậy. Mặc dù miệng cười nói vui vẻ với các em nhưng trong thâm tâm tôi luôn đặt câu hỏi, nếu như con mình hoặc người thân nhà mình bị trường hợp này không biết sẽ ra sao?

Tôi được anh Nguyễn Tiến Danh, cán bộ Trách nhiệm xã hội FPT, giới thiệu với các em về tên của mình. Sau đó, các em ghi nhớ bằng cách đặt lại cho tôi một ký hiệu đặc biệt. Vì tên Lê nên chữ cái L rất dễ diễn tả, cứ căng thẳng 2 ngón tay cái và ngón trỏ là có chữ L, đưa tay sát lên trán và kéo từ trái sang phải. Tôi cảm thấy rất vui và như được các em đặt lại cho mình một tên mới vậy.

Sau 30 phút làm quen, anh Danh hướng dẫn cho các em chơi một số trò đơn giản. Các em rất hào hứng tham gia mà không ngần ngại. Đặc biệt, các em rất ngoan ngoãn. Chợt thấy, tuổi thơ của trẻ con đều giống nhau và các em cũng như bao trẻ em khác, cũng thích được chơi, được nói, được học - những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng đó là cả một niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao.

Lần lượt các em tham gia hai phần thi thổi bong bóng và cột tóc cho các bạn nam. Nhìn các em vừa chơi vừa cười mà tôi thấy tim mình ấm lại. Tôi hòa cùng, giúp đỡ các em cột tóc thật nhanh để mau mau nhận quà. Biết rằng em nào cũng có quà nhưng tôi vẫn muốn được giúp các em hết lòng như vậy.

Bất giác, tôi chợt nhìn thấy một bé trai chừng 5-6 tuổi, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, nhưng ánh mắt ngơ ngác. Tôi liền đến gần mới biết là em vừa khiếm thính vừa khiếm thị nhẹ. Hỏi tên thì em nói mà tôi không tài nào hiểu được, cô hiệu trưởng chỉ cho tôi đưa tay ra cho bé viết. Bé viết rõ từng chữ nhưng tôi vẫn dịch sai. Tên bé là Quân, tôi nói là Quan. Càng thấy thương em hơn, tôi còn kịp chụp với em một tấm ảnh kỷ niệm.

Ngoài trời nắng cũng lên cao và càng lúc càng nóng bức, nhìn cảnh các em ngồi bệt dưới sân trường chúng tôi không chịu nổi. Cả đoàn thỏa thuận trao quà nhanh chóng cho 105 em của trường. Mỗi em nhận được hai phần quà - bao gồm phô mai và rau câu của Công ty Deleys tài trợ. Các em đều tỏ ra rất vui và không quên gửi những lời cảm ơn chân thành cũng như những lời chúc tốt đẹp đến chúng tôi. Các em mong sẽ được gặp lại các thành viên trong đoàn để được vui chơi và nhận quà.

Chia tay, các em lên lớp tiếp tục với những bài giảng, những con số. Còn chúng tôi sắp xếp ra về nhưng cứ ấn tượng mãi với những khuôn mặt thơ ngây, bé bỏng kia. Thầm nguyện và cầu mong cho các em có được một tương lai tốt đẹp, trở thành những măng non có ích cho đời.

Nguyễn Thị Thanh Lê

Ý kiến

()