Chúng ta

Miền Trung có tằn tiện?

Thứ hai, 12/10/2015 | 07:59 GMT+7

Một món ăn bình dân cũng theo hoàn cảnh mà không có công thức chung. Nó là khái niệm của ký ức. Miền Trung có lẽ cũng thế. 

Hôm nay tôi tình cờ đọc một bài báo có miêu tả đại khái bản sắc vùng miền kiểu: Miền Tây chân chất, Sài Gòn phóng khoáng… còn Miền Trung tằn tiện. Nhưng có lẻ khúc ruột miền Trung “đặc sản” vẫn còn nhiều thứ để bàn mà ở đó khó tìm thấy được mẫu số chung như nhiều người vẫn nghỉ.

Thời còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi vẫn thường tâm đắc một đoạn thơ miêu tả người con gái miền Trung như sau:

Em nhớ giữ tính tình người Trung nhé

Nhớ hững hờ nhưng tranh đấu nội tâm

Nhớ vui tươi nhưng đau khổ âm thầm

Nhớ kín đáo đoan trang mà lãng mạn

Nói đến miền Trung, nhiều người ngay lập tức liên tưởng tới những vùng quê nghèo thường xuyên chịu cảnh nắng khô hạn mùa hè, mưa to và gió lớn vào mùa đông. Tôi là người sinh ra và lớn lên ở đây nên không khó bắt gặp những cảnh tượng kiểu nước ngập tận nóc nhà, cụ già thì ngồi chèo queo nhìn ra biển nước. Một số em bé mất cả cha lẫn mẹ, ngồi co cụm trong một góc và khóc nức nở. Thậm chí heo, bò, trâu, gà bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn.

Nhưng khi đề cập đến người miền Trung với những người bạn, tôi luôn có niềm tự hào riêng. Với con gái mang đầy đủ nét đẹp người phụ nữ Việt Nam, chịu thương chịu khó, chung thủy hết mực. Con trai lại thật thà, chất phác và chịu khó. Tôi cũng tự hào về tinh thần đoàn kết và nghĩa tình làng xóm. Điển hình đám tang của người miền Trung lúc nào cũng đông đúc người, nào là tới phụ dọn dẹp, căng bạt, dựng trại, đào huyệt, khiêng quan, liệm… Theo quan niệm, điều đó tạo phúc đức cho bản thân và giúp đỡ người trong lúc tang gia bối rối.

Tôi có quen một ông anh từng có khoảng thời gian sinh sống gần 10 năm tại Hà Nội. Nhân dịp chuyến về quê, tôi hỏi đại ý về con người và văn hóa nơi mảnh đất đầu tàu của Việt Nam thì nhận được lời giải đáp: Hà Nội thực tế không có bản sắc gì cả nhưng đấy chính là Hà Nội, một Hà Nội vô ngã. Tôi liền hỏi thêm, vậy anh thích gì nhất ở Hà Nội? Người đàn ông liền đáp: Hà Nội đa sắc màu, đa tính cách. Ở đây có thanh lịch; xô bồ và bon chen; lãng mạn và cả sự xấu xí.

Nói thế để thấy rằng, Hà Nội và miền Trung vẫn có những tính cách đối lập do nhiều yếu tố tạo thành. Vậy Hà Nội cũng giống như Sài Gòn và miền Trung là không có một mẫu số chung để nhận định. Đó là bởi nó phụ thuộc vào ký ức và trải nghiệm của từng người. Một món ăn bình dân cũng theo hoàn cảnh mà không có công thức chung. Nó là khái niệm của ký ức. Miền Trung có lẽ cũng thế. Ngay bản thân tôi cũng quan niệm dựa trên những ký ức vốn đi sâu vào tâm trí cũng như cách sinh hoạt đời thường.

Quay lại bài thơ miêu trả người con gái miền Trung ở trên, ta thấy có sự đối lập: Hững hờ - tranh đấu, vui - khổ tâm, kín đáo - lãng mạn. Miền Trung là vậy, bao đau khổ mà chưa một lần kêu than, ngay cả cảnh sắc thiên nhiên cũng vẫn cứ đẹp đến nao lòng trong chính sự nghiệt ngã của khí hậu. Thế nên cả nước Việt vẫn luôn hướng về mảnh đất này với tên gọi trìu mến - "miền Trung ruột thịt” thay vì “miền Trung tằn tiện”.

Nguyễn Tấn Việt

Ý kiến

()