Chúng ta

May và không may

Thứ tư, 11/6/2014 | 09:17 GMT+7

Ngành sư phạm đã không thu hút được những sinh viên giỏi, ngoại trừ một số ít người tâm huyết từ bé, đôi khi cũng vì quá ấn tượng và muốn noi gương thầy, bất chấp sự vất vả của nghề cũng như sự can ngăn chân thành của chính thầy giáo mình.

Năm năm rồi, nhóm học sinh cấp hai chuyên Toán Trưng Vương khóa 1982-1985 mới lại rủ nhau đến thăm thầy Chiến. Chuyện trò một hồi, quay ra bàn về chất lượng giáo dục xưa - nay. Thầy bảo, bây giờ giáo viên giỏi vẫn có nhưng ít, ngày xưa các em được học nhiều thầy cô giỏi ở tất cả các môn học. Thầy được gọi là "người cuối cùng của thế hệ vàng" và cũng đã nghỉ hưu năm ngoái, tuy nhiên vẫn kín lịch dạy ở nhà.

- Vì sao bây giờ lại ít thầy cô giỏi hơn ạ?

- Thì đấy, các em có thể coi là "lớp váng" của lứa mình, có em nào đi dạy phổ thông không? Trong 30 năm dạy học, tôi chưa thấy học sinh nào của mình quay về dạy phổ thông cả.

Chợt nghĩ, rất nhiều thầy cô dạy mình xuất thân trong gia đình trí thức tiểu tư sản, thông minh, giỏi giang và có "vấn đề về lý lịch". Chắc có người đã chọn nghề sư phạm từ đầu, nhưng cũng có nhiều người đi học sư phạm và sau này dạy học phổ thông vì đã không được chọn ngành khác với cơ hội bay nhảy lớn hơn, thu nhập cao hơn. Thế là sự không may của thế hệ các thầy cô đã tạo nên sự may mắn cho những đứa như mình, để thời học sinh được học nhiều người giỏi. Sau này, khi lứa bọn mình đi thi đại học, thì thường xuyên nghe những câu:

- Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa, tránh xa Sư phạm.

- Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm.

- Ăn như sư, ở như phạm.

Ngành sư phạm đã không thu hút được những sinh viên giỏi, ngoại trừ một số ít người tâm huyết từ bé, đôi khi cũng vì quá ấn tượng và muốn noi gương thầy, bất chấp sự vất vả của nghề cũng như sự can ngăn chân thành của chính thầy giáo mình.

Lại nghĩ, vậy may mắn của mình có thể là sự không may cho thế hệ tiếp theo, khi sự thành đạt không giúp ích gì nhiều trong việc giáo dục lớp trẻ.

Phan Phương Đạt

Ý kiến

()