Chúng ta

Máy bay rơi và câu chuyện truyền thông

Thứ ba, 31/3/2015 | 15:46 GMT+7

Chắc chưa khi nào các từ khóa như máy bay, mất tích, rơi, cháy, máy bay lao vào khu dân sinh, máy bay trật khỏi đường băng... trở nên hot, trở nên thu hút độc giả đến thế, bởi quan tâm thực sự hay chỉ bởi hiếu kỳ.

- Máy bay lại rơi à con?

- Vâng, máy bay Đức rơi trên đất Pháp bà ạ.

- Đấy, các con có đi đâu bằng máy bay là phải cận thận nghe chưa.

Chỉ là đoạn hội thoại thường nhật bên bữa cơm gia đình, bỗng nhiên lại khiến tôi suy nghĩ, về chiếc máy bay rơi và câu chuyện truyền thông.

Dạo gần đây, sau vụ mất tích của chiếc máy bay MH370, các kênh truyền thông ở Việt Nam, từ chính thống đến bên lề, từ lớn tới nhỏ, từ truyền hình đến cả…báo cải bẹ, đâu đâu cũng thấy sôi sục mỗi khi có vụ máy bay rơi. Đi đâu cũng nghe thấy những câu na ná như: dạo này máy bay rơi nhiều nhỉ, đi máy bay nguy hiểm thế, thậm chí có nhiều “thánh” phán rằng 2014 là năm hạn của ngành hàng không.

Cá nhân tôi cảm thấy chuyện này có vẻ đang đi xa dần. Vụ máy bay MH370 quả là một cú sốc lớn với toàn thế giới, gây ra nhiều đau thương mất mát, cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực nhất trong chiến dịch tìm kiếm, cho nên việc truyền thông liên tục, dày đặc và phủ kín hầu hết các kênh là chuyện đương nhiên và dễ hiểu. Tuy nhiên, vô tình nó cũng đã tạo nên “trào lưu truyền thông máy bay rơi” ở Việt Nam.

Chắc chưa khi nào các từ khóa như máy bay, mất tích, rơi, cháy, máy bay lao vào khu dân sinh, máy bay trật khỏi đường băng... lại trở nên hot, trở nên thu hút độc giả đến thế, bởi quan tâm thực sự hay chỉ bởi hiếu kỳ. Tôi tự hỏi, có thống kê nào cho thấy tỷ lệ tai nạn hàng không đang gia tăng đột biến trong 2 năm qua không? Hay là bởi truyền thông nhiều nên mới biết?

Vẫn hiểu một chiếc máy bay rơi là đi kèm với tổn thất không thể bù đắp về con người, là nỗi đau xót vô tận của người thân nạn nhân, là nỗi buồn của cộng đồng. Nhưng những máy bay gặp nạn ở những miền đất xa xôi, theo tôi, có lẽ đang không nhận được lợi ích nào từ việc truyền thông của các nước bạn cách hàng trăm nghìn km. Nhan nhản trên các kênh báo, kể cả truyền hình, là những tin tức cập nhật liên tục về việc máy bay đã rơi ở đâu, vì sao rơi, cháy thế nào, bao nhiêu người thiệt mạng... cực kỳ chi tiết, nhưng các thông tin liên quan nhất như bao nhiêu người Việt Nam có mặt trên chuyến bay thì hầu như ít được để ý và tuyệt nhiên không có thông tin về việc chúng ta có thể giúp gì cho họ. Thay vào đó, chỉ tạo nên nỗi hoang mang về độ an toàn khi đi máy bay, nghi ngờ chất lượng của những hãng hàng không “gặp nạn”, hay là những lời tiên tri “rùng rợn” về “con chim sắt trên bầu trời” mà một số “tờ báo” vin vào để câu view bạn đọc?

Thời thế giới phẳng, thông tin truyền thông là tất yếu, nhưng ở mức nào và nói ra sao lại là một câu chuyện khác. Bởi truyền thông đôi khi “phải” nói những thứ người ta muốn nghe nên nếu mình không liên quan trực tiếp và cũng không thể giúp gì cho những chiếc máy bay gặp nạn, tốt nhất hãy thôi bàn tán và đồn thổi quá nhiều về nó, chỉ dành sự cảm thông thực sự chẳng phải tốt hơn?

Mai Thanh Vân

Ý kiến

()