Chúng ta

Làm khác để làm tốt hơn

Chủ nhật, 4/12/2016 | 09:05 GMT+7

Khi ĐH FPT ra đời cách đây đúng 10 năm, những nhà sáng lập đã đề ra một phương châm hoạt động “làm khác để làm tốt”. Và quả thật, họ đã làm nhiều việc rất khác. 

Kiểm soát là một trong những hoạt động quan trọng trong ISO 9001. Hoạt động này cũng tương tự như thanh tra nội bộ ở các tổ chức công. Giáo dục đại học vẫn do khu vực công chiếm đa số. Vì vậy, các quy chế, quy định của nhà nước thường vẫn quen dùng các thuật ngữ của các tổ chức công. Cụ thể, với hoạt động thanh tra, kiểm soát, quy định hiện hành bắt buộc các cơ sở giáo dục đại học phải có một đơn vị chức năng mang tên thanh tra. 

Nghịch lý bắt đầu xuất hiện khi một đại học tư không thành lập bộ phận thanh tra theo quy định (bởi đây đã là một phần của hoạt động ISO 9001 của họ). Một cuộc tranh luận gay gắt đã diễn ra giữa cơ quan kiểm định chất lượng đại học của nhà nước với trường đại học tư kể trên. Kết quả cuối cùng, trường đại học tư kia đành phải nhượng bộ.

Câu chuyện trên đây chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện mà chúng ta có thể dễ dàng kể ra khi nói về độ vênh giữa quản lý nhà nước với thực tiễn hoạt động; giữa các chuẩn mực truyền thống với những giá trị mới được hình thành trong giáo dục đại học nước ta hiện nay. Lời giải cho câu chuyện trên thực tế là khá đơn giản, bởi sự khác nhau, gần như chỉ ở tên gọi: kiểm soát hay thanh tra. Rất nhiều câu chuyện “vênh” khác, thậm chí là đã tạo nên những mâu thuẫn lớn, không thể tìm ra lời giải. 

Khi ĐH FPT ra đời cách đây đúng 10 năm, những nhà sáng lập đã đề ra một phương châm hoạt động “làm khác để làm tốt”. Và quả thật, họ đã làm nhiều việc rất khác. Trong khi khái niệm chung là đào tạo một năm 2 học kỳ, thì ĐH FPT tổ chức 3 kỳ/năm. Tin rằng sinh viên cần phải tiếp xúc với doanh nghiệp nhiều hơn, ĐH FPT bắt buộc sinh viên phải có một kỳ thực tập. Tại đại học này, ngay từ 2007, sinh viên đã phải học Vovinam, học đàn dân tộc, học kỹ năng tranh biện ... những thứ mà phải sau đó 2,3 năm mới bắt đầu phổ biến trong cả nước với tên gọi “kỹ năng mềm”. 

Trong những cái làm khác của ĐH FPT, cái người viết đánh giá cao nhất lại là việc họ dám thu học phí cao. Cho đến 2006, các đại học ngoài công lập ở Việt Nam chủ yếu vẫn học tập mô hình của đại học công; về học phí, có thể các đại học ngoài công lập thu cao hơn học phí đại học công, nhưng vẫn chưa đủ để bù so với mức hỗ trợ nhà nước. ĐH FPT làm khác, tại thời điểm 2007, mức học phí của đại học này là gần 20 triệu/kỳ (gấp khoảng 20 lần con số tương ứng của đại học công). Chỉ khi có đủ nguồn lực thì mới tạo ra chất lượng - nguyên tắc phổ biến trong kinh tế, nhưng dường như lại rất mới với giáo dục, đã được ĐH FPT áp dụng thành công.

Một lần, tình cờ tôi vào website của một đại học của Australia. Ngay trang nhất là dòng quảng cáo về chương trình thạc sĩ báo chí với 3 lựa chọn: 2 năm dành cho người chưa có kinh nghiệm đi làm; 1,5 năm với người có khoảng một năm kinh nghiệm đi làm và một năm với người có 2 năm kinh nghiệm đi làm trở lên. Như vậy, sinh viên ở chương trình này sẽ được miễn học một số môn, tuỳ theo kinh nghiệm đi làm thực tế. Một điều không tưởng nếu áp dụng ở Việt Nam. Và nó làm tôi nhớ lại sự kiện ĐH Quốc Gia Hà Nội cách đây khoảng 5 năm, bị kết luận sai phạm chỉ vì không bắt sinh viên làm khoá luận tốt nghiệp (mặc dù chương trình đó đã được mua hoàn toàn từ đối tác nước ngoài). 

Gần đây, trên truyền thông, chúng ta hay nghe đến thuật ngữ: “Chính phủ kiến tạo”. Với giáo dục đại học, thì có lẽ thuật ngữ đó nên được đổi thành “Bộ giáo dục kiến tạo”. Kiến tạo ở đây được hiểu là cơ chế, chính sách giáo dục, làm sao khuyến khích được nhiều đại học dám làm khác (thậm chí làm liều) để làm tốt, để đem lại thêm nhiều giá trị hơn cho sinh viên và xã hội. Và quan trọng hơn, yếu tố kiến tạo đó còn phải được thể hiện ở khía cạnh, làm sao có thể đảm bảo cho người dám thử làm khác không bị “thanh tra”, không bị kết tội như trường hợp ĐH Quốc Gia Hà Nội kể trên. 

Cùng với thời gian, những cái được coi là khác của ngày hôm qua giờ có khi cũng đã trở nên rất bình thường của ngày hôm nay. Nếu như cách đây 10 năm, gần như chỉ có ĐH FPT dám làm khác, thì ngày nay, có thể tìm ra rất nhiều trường đại học khác trong cả nước cũng chọn cách không đi theo lối mòn. Đúng dịp 2011 vừa qua, Đại học Nguyễn Tất Thành trở thành đại học thứ 3 ở Việt Nam (sau ĐH FPT và ĐH Tôn Đức Thắng) được đánh giá 3 sao (trên tối đa 5 sao) theo chuẩn QS stars. Hoặc từ 2014, Đại học Bách Khoa TP HCM trở thành đại học đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn ABET với 2 chương trình khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính. Các ví dụ tương tự về làm khác khác có thể kể đến như Đại học Hoa Sen (5 chương trình đạt chuẩn ACBSP), ĐH Duy Tân, ĐH Thủ Dầu Một (là thành viên của tổ chức CDIO - chuyên về phát triển chương trình), hoặc ĐH Tôn Đức Thắng (dám công bố tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư riêng).... Và nếu nhìn kỹ, rất nhiều cái khác kể trên rất giản dị lại là việc áp dụng triệt để và nhất quán các chuẩn quốc tế, các cách đã có. 

Thế nào là làm khác với đại học hoá ra lại rất sẵn có. Chỉ có điều các đại học có dám làm hay không và Bộ giáo dục có dám “kiến tạo” hay không.

Phạm Hiệp

Ý kiến

()