Chúng ta

Làm chủ bản thân trước khi làm chủ người khác

Thứ năm, 22/8/2013 | 09:01 GMT+7

Tôi tin chắc rằng, chúng ta không thể tự do tài chính, không thể có cuộc sống tốt đẹp nếu không học hỏi và nỗ lực vươn đến cách cư xử hoàn hảo trong từng hành động nhỏ. Chính suy nghĩ và cách ứng xử nhân văn của bạn sẽ tạo nên sự khác biệt trong số phận của mỗi người.
> ‘Thỏi nam châm’ đoạt giải Chim vàng

Nền kinh tế thế giới đang rơi vào giai đọan khó khăn khiến người dân nhiều nơi sống trong túng thiếu và đầy lo lắng. Mỗi ngày đọc báo, tôi lại thấy các tin về thị trường kinh doanh thật đáng quan ngại: “Nhật Bản đứng trước nguy cơ suy thoái”, “Doanh nghiệp Myanmar gặp khó trên sân nhà” và ngay cả nền kinh tế lớn như Trung Quốc cũng tăng trưởng chậm dần. Gần đây, chủ đề “giá điện tăng” tại Việt Nam trở nên nóng hổi và được xem như là gánh nặng cho các doanh nghiệp và người dân.

Tôi trộm nghĩ, một khi các chính sách tiền tệ không kìm hãm được sự lạm phát thì người làm chủ cũng vất vả chứ huống chi là người nghèo. Trong quý I, cả nước có hơn 15.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới nhưng có tới 15.283 doanh nghiệp phá sản (www.kinhtevadubao.com.vn). Thế thì làm chủ hẳn không đơn giản! Nhắc đến khái niệm làm chủ, tôi chợt nhớ đến Kim tứ đồ của Robert Kiyosaki.

Dựa vào Kim tứ đồ, nhiều nhà diễn giả đã mở lớp dạy cách làm giàu, học làm chủ... Họ cho rằng nếu bạn ở góc thứ nhất của Kim tứ đồ - là những người làm công ăn lương thì bạn đang đánh đổi sức khỏe, thời gian và hạnh phúc của mình để nhận lương cố định hàng tháng từ ông chủ.

d

Kim tứ đồ của Robert Kiyosaki.

Với quan điểm ấy, các nhà diễn giả khuyên bạn nên làm chủ như tự làm công cho chính mình (góc thứ hai), làm chủ hệ thống và duy trì hệ thống sản sinh lợi nhuận (góc thứ ba), nếu có tiền thì làm nhà đầu tư vào cổ phiếu hay bất động sản (góc cuối cùng). Nhiều bạn trẻ tham gia lớp học trên ra về với ham muốn mãnh liệt được làm chủ, khát khao được đổi đời. Nhưng tôi thì mang một tâm trạng khác, có vẻ như những khái niệm đao to búa lớn “tự do tài chính”, “con đường thành công nhanh và dễ” mà tôi được truyền đạt không thuyết phục tôi lắm!

Thế nào là tự do tài chính? Tôi hiểu đơn giản là mình mua những gì mình thích mà không phải lo nghĩ đến khả năng chi trả. Vậy có nhất thiết phải làm chủ thì bạn mới được tự do tài chính không? Tôi biết nhiều anh chị làm công ăn lương mà sống rất thoải mái. Tôi cũng biết nhiều người làm chủ mà sống rất vất vả, phải gồng mình trả lãi vay ngân hàng hằng tháng. Có những doanh nhân vì dành quá nhiều thời gian cho công việc và quan hệ ngoại giao mà bỏ mặc vợ con chờ cơm. Họ đâu biết rằng gia đình nhỏ là nơi ấm êm bình yên nhất để tìm về lại đang nảy sinh mâu thuẫn khi vợ ngoại tình và con nghiện ngập.

Thực tế cho thấy không hẳn cứ làm chủ là bạn giàu có và hạnh phúc. Có mấy ai thành đạt, hạnh phúc và có tầm ảnh hưởng đến công chúng như Bill Gates? Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh khốc liệt hiện nay, làm chủ và duy trì doanh nghiệp phát sinh doanh thu đều đặn không hề dễ dàng.

Lại nói về thị trường lao động, nếu ai cũng mong được làm chủ thì ai sẽ làm nhân viên? Ở một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, văn hóa “biết trên biết dưới” dần biến mất, nhiều nhân viên thiếu tôn trọng trong khi ông chủ tạo việc làm và trả lương cho mình. Họ không nghĩ làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc mà hay nghĩ phải lương cao thì mới làm tốt. Suy nghĩ đó chẳng giúp phát triển bản thân mà còn hạ thấp giá trị lao động của chính bạn.

Tôi cho rằng mỗi người sinh ra đều có vị trí và vai trò riêng. Có người khó thành công ở vai trò làm sếp nhưng lại vô cùng vinh quang ở vai trò làm nhân viên, và ngược lại. Điều cốt lõi là làm tốt vai trò của bạn ở mỗi thời điểm, rồi hãy nghĩ đến chuyện bước tiếp một vị trí mới xa hơn.

Thiết nghĩ bất cứ cái gì trên cuộc đời này đều có giá của nó. Quan trọng nhất là có sở thích ra sao, định vị mình như thế nào và phấn đấu đến đâu để cảm thấy hạnh phúc với những gì bạn có. Tất nhiên, sở thích hay định vị giá trị của bạn bỗng thay đổi ở mỗi khoảng thời gian khác nhau trong cuộc sống, nhờ vào các trải nghiệm. Chính những thăng trầm, va vấp từng tiếp xúc trong quá khứ sẽ giúp bạn thay đổi cách nhìn về vạn vật xung quanh, tìm được mục đích sống để học cách vươn lên và chấp nhận. Lúc ấy, tự do tài chính hay không phụ thuộc vào cảm nhận của chính bạn và cách mà bạn lèo lái cuộc đời mình.

Nếu bạn không đủ kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết để vượt qua những thách thức của cuộc sống thì dù bạn có vốn lớn để gây dựng sự nghiệp, tôi e là hơi vội vàng. Đồng ý rằng thất bại là mẹ thành công nhưng có ai muốn mình thất bại mãi mãi? Người giỏi thật sự không phải là người thông minh, cũng chẳng phải là người có năng lực mà là người dùng nghị lực để đạt được điều mình muốn.

Do vậy, bạn phải biết mình muốn gì và làm gì mà bạn cảm thấy cuộc sống có ích, hạnh phúc chứ không nhất thiết phải làm chủ mới được. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn cần làm chủ bản thân trước khi làm chủ người khác. Tôi tin chắc chắn rằng chúng ta không thể tự do tài chính, không thể có cuộc sống tốt đẹp nếu chúng ta không học hỏi, không nỗ lực vươn đến cách cư xử hoàn hảo trong từng hành động nhỏ. Chính suy nghĩ và cách ứng xử nhân văn của bạn sẽ tạo nên sự khác biệt trong số phận của mỗi người.

Thanh Huyền

Ý kiến

()