Chúng ta

Không có con đường nào khác ngoài kiên định

Thứ tư, 14/12/2016 | 14:58 GMT+7

Trong suốt thời gian vừa qua đi cùng anh Trương Gia Bình gặp lãnh đạo của các tập đoàn rất lớn trên thế giới, tôi phát hiện ra rằng bí quyết thành công của họ cũng không có gì phức tạp, đó là họ kiên định và quyết tâm với mục tiêu đã đặt ra.

Bốn năm 7 tháng trước, tôi nhận nhiệm vụ tại FPT Software. Lúc đấy, FPT Software sau khoảng thời gian phát triển rất tốt thì chững lại. Mất mấy năm không phát triển. Lúc bấy giờ, Ban lãnh đạo FPT áp dụng môn bóng đá, nghĩa là không liên quan gì đến cầu thủ giỏi hay kém mà thay luôn ban huấn luyện. Khi đấy, tôi và anh Nguyễn Thành Lâm (nguyên TGĐ FPT Software) được giao nhiệm vụ dẫn dắt FPT Software. Nhiều khi cũng là nhờ “xuân tay”, tức là thay huấn luyện viên thì đổi vận và nhờ vậy đến cuối năm nay, chúng ta có được 10.000 nhân viên. Đối với tôi, đó là con số quan trọng, bởi 10.000 tương đương với một sư đoàn quân đội. 

Tôi nhớ ngày 13/10/2011, tôi nhận nhiệm vụ từ anh Nguyễn Thành Nam (nguyên Chủ tịch FPT Software). Anh Nam có nói với tôi 3 điều. Thứ nhất, làm lãnh đạo thì ít khi chúng ta làm điều gì đó mới mẻ ngay từ đầu, nên việc đầu tiên cần làm là phải biết kế thừa. Thứ hai, phải có sự thay đổi, bởi nếu không thay đổi thì việc gì phải thay người mới. Điều thứ ba cũng là việc khó nhất: Phải đổi mới. Phần lớn tất cả lãnh đạo làm được hai điều đầu, nhưng ít ai làm được điều thứ ba. Sau gần 5 năm làm việc ở FPT Software, tôi suy nghĩ “thực sự mình khác anh Thành Nam ở điều gì?”và tôi cũng nghĩ tiếp rằng “người thay tôi thì sẽ phải khác tôi ở chỗ nào?”. Mặc dù công việc rất bận rộn nhưng tôi vẫn phải lên Đà Lạt sớm 2 ngày. Chỉ để ngẫm nghĩ.

Trong suốt thời gian vừa qua, đi cùng anh Trương Gia Bình gặp lãnh đạo của các tập đoàn rất lớn trên thế giới, tôi phát hiện ra rằng bí quyết thành công của họ cũng không có gì phức tạp, đó là họ kiên định và quyết tâm với mục tiêu đã đặt ra. Với FPT Software, tôi nghĩ rằng, con đường của chúng ta đã rõ ràng, vấn đề chỉ còn là chúng ta phải kiên định với con đường đó. Trong số chúng ta, có rất nhiều người, mặc dù về trình độ là rất giỏi nhưng không đủ kiên định để làm điều ấy. Vì vậy, để làm được lãnh đạo ở FPT Software thì phải “máu” và có khao khát thay đổi.

Cách đây 5 tháng, tôi được nghe bài phát biểu của Mark Zuckerberg và có cơ hội trao đổi với anh ta bên lề hội thảo. Có những điều mà tôi không tin anh ta nghĩ ra, bởi vì Mark còn rất trẻ. Nhưng thôi, vẫn phải tin. Anh ấy nói rằng: Phân biệt giàu nghèo trước đây là có ăn và không có ăn. Còn bây giờ, phân biệt giàu nghèo là có kết nối và không có kết nối. Thế nhưng sắp tới, sự phân biệt đó sẽ trở thành người giàu thì kết nối với tốc độ cao hơn và ngược lại. Tuy nhiên, điều thứ hai mà Mark nói ra mới khiến tôi giật mình. Mark chia sẻ, trên thế giới chỉ có 47% số người được kết nối Internet, nghĩa là 53% còn lại, khoảng 3,5 tỷ người, không có kết nối này. Mark muốn dùng tiền của công ty và của bản thân mình để tạo ra một sự kết nối trên toàn cầu.

Anh ta nghĩ ra phải sử dụng máy bay không người lái bay ở độ cao 20 km, chạy bằng năng lượng mặt trời để kết nối Internet. Khi gặp rào cản liên quan đến chủ quyền không gian của các quốc gia, giải pháp là sử dụng vệ tinh. Hóa ra chỉ cần 36 cái vệ tinh, mỗi chiếc trị giá 200 triệu USD, tức là với khoảng 7 tỷ USD, Mark có thể kết nối Internet toàn cầu. Mark nói: “Tôi sẵn sàng bỏ ra 7 tỷ USD để làm điều đó”. Tất nhiên là để vận hành 36 chiếc vệ tinh như vậy cũng không phải đơn giản bởi nó còn liên quan đến băng thông và sự chống đối từ tất cả hãng viễn thông trên thế giới. Đó là ví dụ thứ nhất tôi muốn đưa ra để thấy: Có những điều đã tưởng như là đương nhiên thì vẫn có những con người như Mark muốn thay đổi. 

"Với FPT Software, tôi nghĩ rằng, con đường của chúng ta đã rõ ràng, vấn đề chỉ còn là chúng ta phải kiên định với con đường đó. Trong số chúng ta, có rất nhiều người, mặc dù về trình độ là rất giỏi nhưng không đủ kiên định để làm điều ấy. Vì vậy, để làm được lãnh đạo ở FPT Software thì phải “máu” và có khao khát thay đổi".

Ví dụ thứ hai tôi muốn nói tới là câu chuyện khi dịch từ “Máu” của FPT Software sang tiếng Anh. Anh em không biết phải dùng từ gì cho sát nghĩa. Cuối cùng, chúng ta sử dụng một từ của Steve Jobs là “HUNGRY”. Anh Thành Nam từng nói rằng, chúng ta là “một bầy chó sói đói”. Có đói khát, vất vả chúng ta mới có động lực để vươn lên. Nếu công ty chững lại không phát triển được cũng có nghĩa là trong số các lãnh đạo của FPT Software, dường như có người cảm thấy no đủ rồi. Mặc dù chúng ta luôn nói là chưa đủ, chưa hoàn thành mục tiêu, nhưng hiện nay đã có rất nhiều biểu hiện của sự thỏa mãn, sự hài lòng với thực tại. Các lãnh đạo cao cấp của FPT Software phải làm sao để anh em ở dưới luôn ghi nhớ keyword (từ khóa) này của FPT Software - “HUNGRY”.

Con đường của FPT Software là phải trở thành công ty biểu tượng của Việt Nam trên sân chơi toàn cầu. Trách nhiệm của các lãnh đạo FPT Software là phải thực hiện bằng được giấc mơ đó. 

Trong chuyến thăm Infosys vừa rồi, tôi được gặp ông Murthy (người sáng lập Infosys) đang đi với cả đại gia đình. Murthy là một tỷ phú nhưng luôn chỉ đi máy bay hạng economy. Trong cuốn sách "A Better India, A Better World" tôi đã được đọc, tôi rút ra một điều về ông Murthy, đó là ông ta không quan tâm đến việc mình là tỷ phú mà chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để trở thành niềm tự hào của đất nước Ấn Độ, làm sao để Infosys và Ấn Độ có thể trở thành biểu tượng của những gì tốt đẹp trên thế giới. Tới lúc này, có thể nói rằng Murthy đã làm được điều đó. Các bạn hãy nhớ, mọi thứ của chúng ta đang áp dụng từ xây dựng budget, hay mô hình campus như hiện nay đều là học tập và làm theo những điều Infosys đã làm rất thành công. Vậy cậu hỏi đặt ra là những người lãnh đạo của FPT Software cần phải làm gì trong những năm tới?.

Tôi nhớ lần sang Pháp cùng anh Trương Gia Bình. Tôi vốn không thích tới Pháp vì cảm thấy dân Pháp đối xử với mình đúng theo kiểu thực dân. Ngày đầu tiên gặp khách hàng, anh Bình nói về chủ đề Digital Transformation. Nói được vài câu, bên kia đã nói rằng không cần nói nữa, ông cứ gọi mấy người tới, tôi sẽ nói cho ông biết là tôi cần việc gì.

Sau khi anh Bình ra khỏi phòng họp, lần đầu tiên tôi thấy anh Bình bức xúc đến như vậy. Sang tới ngày thứ hai, chúng tôi tới Toulouse làm việc với hãng hàng không lớn của thế giới và thực sự là choáng ngợp. Doanh thu của họ một năm là 200 tỷ USD, nghĩa là gấp đôi cả Boeing. Khi vào phòng họp thấy đội bạn rất hùng hậu, giám đốc về Digital Transformation… đủ cả. Bản thân anh Bình cũng còn cảm thấy có chút bối rối. Cách đây 2 năm chúng ta có gửi hồ sơ để làm partner của họ nhưng sau khi chúng ta gửi đi thì họ im lặng, không có phản hồi. Có lẽ trong suy nghĩ của họ lúc đó, FPT Software là loại không đủ “tầm” chơi cùng. Tình cảnh cũng không khác gì một công ty máy tính ở Mù Cang Chải về gặp FPT Software xin làm partner (đối tác) vậy. Tuy nhiên, khi anh Bình nói tới “Digital Transformation” thì đội bạn thực sự ngạc nhiên. Họ nói rằng chiếc máy bay cũng giống như một chiếc máy tính biết bay, các thiết bị IoT khắp nơi trên máy bay... Ví dụ này cho thấy ngay cả công ty 200 tỷ USD thực ra cũng rất “gần gũi” với chúng ta. 

"Con đường của FPT Software là phải trở thành công ty biểu tượng của Việt Nam trên sân chơi toàn cầu. Trách nhiệm của các lãnh đạo FPT Software là phải thực hiện bằng được giấc mơ đó". 

Vậy ngoài việc hướng đến mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu và 30.000 người vào năm 2020, làm chủ công nghệ mới… thì FPT Software chúng ta còn phải làm gì? 

Tôi đã được gặp những người được coi là giàu nhất Việt Nam, những công ty lớn nhất Việt Nam kể cả tư nhân và nhà nước… và sau tất cả, có một điều tôi rút ra là so với các công ty Việt Nam, FPT Software là công ty có cơ hội rất lớn để trở thành một công ty toàn cầu.

Tôi thực sự bị ám ảnh bởi câu chuyện của ông Murthy. Tôi mong muốn FPT Software thực sự sẽ trở thành một thành tựu biểu tượng của Việt Nam. Chúng ta có cơ hội đó và phải nắm lấy nó. Chỉ có FPT Software mới sẵn sàng sang Mỹ, sang Nhật, sang Đức, đến những nước giàu nhất thế giới, phát triển nhất thế giới để tìm kiếm chỗ đứng. Anh Trương Gia Bình và tôi khi đi nói chuyện với các khách hàng ở các nước khác đều có thể tự hào nói rằng FPT Software là đối tác của những công ty hàng đầu thế giới như GE chẳng hạn. Họ hỏi rằng chúng ta làm với GE phải không? Không! Chúng tôi là đối tác với GE. Câu trả lời cho thấy địa vị của chúng ta đã khác hẳn. 

Điều thứ hai tôi muốn chia sẻ là sự khác biệt của các lãnh đạo FPT Software với phần còn lại. Đó là trách nhiệm. 

Đã nhiều lần tôi nói với các bạn, đặc biệt là ban lãnh đạo “Đối với lãnh đạo, cái gì cũng có thể từ bỏ, nhưng không được từ bỏ trách nhiệm” bởi có hàng ngàn người đang trông đợi vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của FPT Software. Vậy trách nhiệm ở đây là gì? 

Trách nhiệm ở đây không phải là chỉ nói hay kiên định về mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020 mà Phải làm được. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẵn sàng làm việc 12h, 14h, 16h một ngày, sẵn sàng làm cả thứ bảy, chủ nhật trong rất rất nhiều năm tới. Thật lòng nếu ai không thể chia sẻ được mục tiêu này thì tốt nhất là nên sang công ty khác làm việc bởi trong những năm tới, FPT Software sẽ làm việc cả ngày cả đêm, thậm chí cả ngày nghỉ để biến mục tiêu của mình thành hiện thực. Điều đó trước hết là trách nhiệm của các cán bộ lãnh đạo, quản lý FPT Software. Hãy bỏ qua tất cả những con số, bỏ qua cả những khó chịu vì nhiều việc, trách nhiệm của chúng ta là biến FPT Software trở thành biểu tượng của Việt Nam trên toàn cầu. 

Bình thường tôi thích nói chuyện ăn chơi, chuyện bán hàng hơn là nói chuyện lý tưởng hay mục tiêu xa xôi. Tôi đã cân nhắc và tham khảo cả Ban giám đốc FPT Software rằng liệu tôi có nên nói câu chuyện lý tưởng này không? Nhưng quả thực, nếu tôi không chia sẻ với các bạn, những lãnh đạo của FPT Software thì tôi nói câu chuyện này với ai? Tôi cho rằng, trong nhiều năm tới, FPT Software có cơ hội để phát triển liên tục và đến được mục tiêu đã đề ra là 1 tỷ USD. Nhưng ở đây tôi muốn nói, phải làm sao để xây dựng FPT Software trở thành biểu tượng của đất nước này, và những người có mặt trong căn phòng này phải có trách nhiệm biến điều đó thành sự thật.

"Tôi vẫn muốn nhắc lại, mục tiêu trong ngắn hạn của chúng ta là 1 tỷ USD, và 10.000 người, nhưng khát vọng lâu dài là phải biến FPT Software trở thành biểu tượng của Việt Nam". 

Ở FPT Software từ ngày thành lập tới nay có một bí quyết thành công là khi đã giao việc gì cho ai thì người đó sẽ được nắm trong tay rất nhiều quyền lực. Thậm chí khi có thất bại, chúng ta từng quay ra đặt câu hỏi rằng tại sao lại giao nhiều quyền lực vào tay người đó đến vậy. Nhưng đó là truyền thống của FPT Software.

Điều đó có nghĩa là ở bất kỳ vị trí nào, tính ownership (sở hữu) của chúng ta rất là cao. Mỗi người đều là doanh nhân ở trong một công ty và có nhiều quyền hạn. Lịch sử của FPT Software đã chứng minh điều đó có lý. Trách nhiệm của chúng ta là phải làm sao hệ thống của mình tiếp tục để hỗ trợ cho cơ chế này. Chúng ta có thể đặt ra rất nhiều quy định phân quyền, rất nhiều luật lệ nhưng phải làm thế nào để đề cao tinh thần ownership của từng người. Điều này khó. Tinh thần được lan tỏa trong vài ngàn người thì dễ, nhưng 10.000, thậm chí 30.000 người là khó. Tuy nhiên, tôi tin rằng chúng ta làm được điều đó. Trong quá khứ, chúng ta từng nhận nhiều dự án dù chẳng biết tí gì, chỉ đơn giản “máu” là làm, như truyền thống của FPT Software nhưng rồi vẫn vượt qua và trưởng thành hơn. Chừng nào tôi còn làm lãnh đạo FPT Software, tôi còn tiếp tục xây dựng tinh thần ownership ở trong FPT Software theo hướng như vậy. 

Tôi vẫn muốn nhắc lại, mục tiêu trong ngắn hạn của chúng ta là 1 tỷ USD, và 10.000 người, nhưng khát vọng lâu dài đó là phải biến FPT Software trở thành biểu tượng của Việt Nam. 

Tôi tin rằng nhiều người trong số các lãnh đạo của FPT Software sẽ truyền được ngọn lửa ấy cho anh em. Hiện tại, trong đầu tôi luôn có 3 từ. Đầu tiên là “Devoted” - Tận tâm, tận lực. Chưa cần biết mình có thể hoàn thành được công việc khách hàng giao cho hay không nhưng luôn phải tận tâm, tận lực. Thứ hai là “Ownership” và từ thứ ba, là một từ tôi học từ anh Trương Gia Bình “Obsessed” - Ám ảnh từ khách hàng. Tôi đi đâu, làm gì cũng luôn nghĩ về khách hàng. Kể cả khi thấy ở nước mình có chỗ nào hay, chỗ nào đẹp tôi lại nghĩ đến chuyện: “Hay mình dẫn khách hàng tới đây”. Chính xác là ám ảnh khách hàng. 

Kết luận lại, trách nhiệm của chúng ta gói gọn trong hai việc là đưa FPT Software trở thành niềm tự hào của Việt Nam và trách nhiệm biến điều đó thành sự thật.

>> FPT Software chiếm 10% tổng nhân lực ngành phần mềm

Hoàng Nam Tiến

Ý kiến

()