Chúng ta

Khoảng lặng phía sau người thương binh

Chủ nhật, 24/4/2016 | 09:21 GMT+7

Sống trên đời ai cũng có những lúc gặm nhấm nỗi cô đơn. Đối với những người thương binh, đằng sau họ còn là những khoảng trống mênh mông.

Cũng đã một thời gian rồi tôi mới trở lại Long Hải và thong dong ngắm nhìn khung cảnh. Người lái xe chở tôi ngang trung tâm điều dưỡng thương binh khiến những câu chuyện của ngày còn là một sinh viên báo chí tái hiện rõ rệt trong ký ức tôi. Về những người thương binh chịu nhiều bất hạnh sau chiến tranh và sống cuộc đời lẻ bóng đằng sau những khung cửa sắt.

Đập vào mắt là khung cảnh thiên nhiên chan hòa và thanh tĩnh. Nó thanh tĩnh đến mức khiến người ta cảm giác có chút gì đó không ổn lắm. Các thương binh được cấp dưỡng và chăm sóc chu đáo với sự tận tình của những nhân viên trong trung tâm. Nhưng dường như, không, có lẽ chắc chắn, bao nhiêu đó không bao giờ đủ để có thể lấp đầy những khoảng lặng quá khứ đã đeo bám và để lại trong họ quá nhiều nỗi đau mà thời gian chỉ như cơn gió phủi nhẹ lên vai rồi lặng lẽ trôi đi. 

Một buổi sáng trong vắt có thể cảm nhận được mùi biển mằn mặn tràn vào từng hơi thở, nắng bắt đầu lên cho một ngày mới đầy năng lượng. Buổi sáng đẹp trời đó tại trung tâm điều dưỡng thương binh Long Hải vẫn lặng lẽ và chất chứa nhiều ưu tư như bao ngày đã trôi qua nhiều năm tại đây. Tôi nhẹ nhàng đi qua từng căn hộ giống hệt nhau của các thương binh được cấp ngay trong phần đất của trung tâm. Chỉ nghe rõ được tiếng tivi, tiếng của những chú gà hòa quyện vào tiếng chó sủa. Và cả tiếng người ì ạch, là tiếng của các nhân viên làm việc tại đây.

Khung cửa sổ hiện ra từ xa, ngay đó là người thương binh đang cầm chặt mấy khung sắt để nâng người lên xuống tập thể dục. Tuyệt nhiên chỉ có một hình ảnh như vậy mà giây phút đó nước mắt tôi đã chực trào. Tôi biết mình chẳng thể nào hiểu hết nỗi đau của người đàn ông này. Tôi chỉ có thể cảm nhận được sự cô đơn trong hành động yếu ớt và ánh mắt xa xăm của ông. Một người vợ dịu dàng, những đứa con thơ, niềm hạnh phúc bình thường với bao người mà hình như quá đỗi xa lạ với ông. Ông chỉ làm bạn với chiếc xe lăn và sự cô đơn.

Đến khu vực này cái dễ thấy nhất là những chiếc xe lăn. Đến căn hộ nào cũng thấy xe lăn. Có một điều ám ảnh là cứ hễ đi qua mỗi căn hộ là lại thấy những chiếc xe lăn quay lưng lại như giấu giếm và trốn tránh điều gì đó. Có thể là vì những con người xa lạ, có thể là vì những khơi gợi và moi móc mà họ từng phải chịu bởi những cá nhân nào đó. Có thể là vì sự cô đơn đã khiến họ thu mình, hoặc có thể là vì những lý do khác. Hành động đó đã mở ra cho tôi một chút gì đó những khoảng lặng bao la trong cuộc sống người thương binh.

Còn khu điều trị thương binh tâm thần thì lúc nào cũng náo nhiệt người qua lại. Thoạt nhìn có thể không thấy sự cô đơn trong những hành động và câu nói của họ. Nhiều người thậm chí rất hoạt bát và sôi nổi.

Như thương binh Nguyễn Văn Khả, ông hào hứng kể cho tôi nghe liền mạch về cuộc đời ông. Rằng ông học tới lớp 12 thì nghỉ rồi đi lính, không may bị trúng bom cùng đồng đội và chỉ tay vào các vết sẹo trên cơ thể để dẫn chứng. Ông kể quá khứ từng yêu một người con gái nhưng cuối cùng người ta đã lấy chồng. Mắt ông thể hiện sự tiếc nuối. Hỏi bác sĩ mới hay ông là người tỉnh táo và sôi nổi nhất ở khu thương binh tâm thần. Nhưng dĩ nhiên là những câu chuyện của ông không phải cái gì cũng đúng.

Thương binh Đỗ Văn Tích vỗ tay hào hứng khi nghe thương binh Nguyễn Văn Khả hát. Khi trò chuyện, ông nói có vẻ ngắt quãng nhưng lúc nào cũng trong tâm trạng vui vẻ. Có một người thương binh khác mà trong lúc cuốn vào câu chuyện của ông tôi quên mất việc hỏi tên. Ông toát ra một vẻ trí thức khó tưởng. Ông bàn đến chuyện học hành, việc học đại học, những vấn đề hơi cao xa một chút. Có thể những điều ông nói không đúng, có thể nó ở quá khứ đã lùi quá sâu rồi, nhưng nó khẳng định ông là một chiến sĩ đầy trí thức của ngày xưa.

Rất nhiều câu chuyện trong khuôn viên không quá rộng lớn của khu thương binh tâm thần. Đương nhiên không phải chỉ toàn là những câu chuyện vui. Duy có điều đọng lại sâu nhất trong tôi, đó là ánh mắt của những thương binh này. Họ thường nhìn tôi rất lâu khi trò chuyện. Có người khá tỉnh táo như ông Khải, ông Tích, có thể nói huyên thuyên hàng giờ. Song câu chuyện của họ cứ như một cái máy được lập trình sẵn, chỉ cần bấm nút là máy hoạt động y như được cài đặt. Ánh mắt họ có chú ý đến tôi nhưng dường như không phải có một mục đích nào đó, thể hiện một tâm trạng hay điều gì đó. Có một số thương binh khác, họ không trả lời, chỉ nhìn tôi thật lâu rồi chớp mắt bỏ đi. Cái nhìn vô hồn của họ khiến tôi bị ám ảnh. Nó cô đơn kinh khủng!

Những vòng quay của chiếc xe lăn và những ánh mắt vô hồn vẫn cứ ngày ngày quay vòng. Người thương binh dù là bị thương tật bao nhiêu, dù đầu óc có còn tỉnh táo hay không, có người thì lạc quan vui vẻ, có người thì ủ rũ chán chường. Nhưng sống trên đời ai cũng vậy. Ai cũng có những lúc gặm nhắm nỗi cô đơn. Đối với những người thương binh ở đó, đằng sau họ còn là những khoảng trống mênh mông.

Trương Yến Nhi

Ý kiến

()