Chúng ta

Hội nghị Truyền thông và Tổ chức học tập

Thứ bảy, 12/12/2015 | 08:55 GMT+7

FPT vừa tổ chức Hội nghị Truyền thông, thu hút khoảng 200 người với hơn 10 tham luận. Phản hồi cho thấy mọi người đều thấy bổ ích và thích thú, công tác tổ chức cũng nhanh gọn và không tốn kém, vậy tại sao những sự kiện kiểu này lại ít xảy ra ở FPT?

Nếu để ý, bạn sẽ thấy FPT không thiếu các hội nghị, nhưng toàn liên quan đến kinh doanh: chiến lược, kế hoạch, lãnh đạo... Đôi khi cũng có hội nghị về công nghệ hay chất lượng, nhưng là để nêu ra và giải quyết các vấn đề của công ty, thành ra như kiểu bảo vệ kế hoạch và giao nhiệm vụ. Cho nên vẫn không có chỗ để những đồng nghiệp cùng ngành - bất kể là truyền thông, nhân sự hay hành chính - đến để chia sẻ về những thứ mình vẫn làm hằng ngày, những thứ rất bình thường, tự nhiên, nhưng theo Hermann Hesse, “một khi được nói ra, mọi thứ đều thay đổi đi ít nhiều”, vì chúng đã trở thành tri thức mới cho cả người nói lẫn người nghe.

Tổ chức học tập là nơi tri thức được tạo ra, sử dụng và trao đổi giữa các cá nhân, nhóm, toàn bộ tổ chức và cả bên ngoài, được mô tả bằng mô hình SECI của Nonaka. Theo đó, tri thức được chia thành hai loại: ẩn và hiện. Tri thức ẩn nằm trong đầu các cá nhân, tri thức hiện được viết thành tư liệu. Trong quá trình tương tác, tri thức sẽ chuyển hóa giữa hai trạng thái, và chạy từ người này sang người khác, nhóm này sang nhóm khác. Chuyển động càng nhiều và nhanh thì tri thức càng được tạo ra và sử dụng nhiều.

Để tri thức chuyển động, cần có môi trường, trong lý thuyết của Nonaka được gọi là “Ba”. “Ba” có thể thực hoặc ảo (online), có mục tiêu, ranh giới và tự tổ chức. Mục tiêu giúp câu chuyện không đi lan man, ranh giới tạo ra sự tin cậy (ví dụ toàn người quen nên chia sẻ cởi mở), và không cần ai quản lý. Hội nghị Truyền thông vừa rồi chính là một “Ba” điển hình. Người tham gia được tập trung vào chuyên môn, ở trong một tâm thế học tập, chứ không bị gò vào một nhiệm vụ gì đó cần giải quyết. Họ tự tìm cho mình thứ gì đó thú vị để nghe, để hỏi, chứ không ngồi làm việc riêng giết thời gian vì bắt buộc có mặt.

Tại Hội nghị, diễn giả đến từ Viettel chia sẻ văn hóa công ty mình. Theo đó, Viettel yêu cầu cán bộ không chỉ làm được, mà sau đó phải viết ra được, rồi nói cho người khác được. Có câu “cách học tốt nhất là đi dạy” - người trình bày chính là người học được nhiều nhất. Do đó, các hội nghị nên chú ý sao cho có nhiều người trình bày nhất, miễn là đúng chủ đề. Chỉ cần một vài keynote tại hội trường, còn thì chia thành các phòng để “ai muốn cũng được nói”, giống như Educamp của Đại học FPT và FCU.

Những sự kiện tương tự từng được tổ chức cách đây vài năm ở FPT, nhưng được một đôi lần là ngừng. Hy vọng Ban Truyền thông FPT sẽ duy trì được hội nghị này hằng năm. Và hy vọng các ngành dọc, các đơn vị khác cũng tổ chức để cùng biến FPT thành tổ chức học tập, vì nghiên cứu cho thấy, nhân viên học được nhiều nhất chính là qua những loại hình học tập phi chính thức (informal) kiểu này, chứ không phải trong lớp.

Phan Phương Đạt

Ý kiến

()