Chúng ta

Hết Tết thì làm gì?

Thứ sáu, 8/2/2019 | 09:11 GMT+7

Câu hỏi nghe chừng ngớ ngẩn và quá cũ vào mỗi dịp kết thúc những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán vì ai cũng nghĩ mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Nhưng liệu tất cả chúng ta có làm đúng như vậy không?

Sau thời gian dài nghỉ tết, mọi công việc đều trở lại quỹ đạo vốn có của nó. Trẻ em đi học, người lớn đi làm. Thế nhưng hiệu suất công việc sau mấy ngày Tết dường như lại giống với mấy ngày trước Tết: uể oải, lờ đờ, mất tập trung. Bởi nhiều người thường vin vào cớ “tháng Giêng là tháng ăn chơi…”, sao phải làm vội?

Sở dĩ người Việt có quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi” bởi xưa kia trong cơ cấu nghề nghiệp nước ta, nông dân là bộ phận chiếm đa số. Đặc điểm của nghề nông là công việc theo thời vụ. Và theo cơ cấu mùa vụ, tháng Giêng còn tương đối nhàn rỗi do vụ chiêm xuân đã cấy xong chưa cần phải chăm sóc nhiều. Chính vì điều này mà các lễ hội cũng được tổ chức suốt tháng Giêng.

Đặc thù này đã quy định luôn nhịp hoạt động sinh học của con người từ thế hệ này sang thế hệ khác để lại như một thứ gene di truyền, thấm vào mỗi người thành tập tính khó thay đổi. Tuy nhiên, từ một thói quen trong cuộc sống đến nay quan niệm này đã trở thành một thói quen xấu trong xã hội hiện đại.

Trong nghề nông, người dân quan niệm chậm một chút hay nhanh hơn một chút cũng không sao. Từ nếp nghĩ đó đã gây ra hệ lụy khiến con người thiếu tính chuyên nghiệp trong lao động sản xuất. Với tư tưởng đã ăn sâu từ nhiều đời nay nên không ít cán bộ, công chức tự cho mình cái quyền sao nhãng công việc sau Tết. Các cơ quan mở cửa làm việc nhưng không khí tết vẫn còn thấp thoáng. Người đi làm để gặp nhau, tụ tập chúc Tết.

Xét về góc độ kinh tế, nghỉ Tết dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động của quốc gia. Các số liệu thống kê về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước ta đều cho thấy một quy luật đáng quan tâm đó là tăng trưởng GDP trong quý 1 luôn thuộc vào hàng thấp nhất trong bốn quý. Chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được vì khi nghỉ quá dài ngày sẽ làm hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị trì trệ theo kiểu  “đầu năm thong thả, cuối năm vội vã”.

Trước và sau khi nghỉ công việc cũng có phần chậm trễ, thiếu tập trung vì người ta còn mải vui, chúc tụng nhau nhân dịp tất niên, tân niên. Việc chậm quay lại guồng hoạt động như thường lệ có thể khiến nhà nước và doanh nghiệp lỡ những hợp đồng kinh tế từ các đối tác vì hầu hết các nước trên thế giới (trừ khu vực Á Đông) đều không nghỉ tết Nguyên Đán như chúng ta.

Số liệu thống kê cho thấy: Năng suất lao động của Việt Nam đang bị xếp vào nhóm thấp nhất châu Á. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bình quân mỗi lao động Việt Nam năm 2016 làm ra 9.894 USD, so với con số tương ứng của Singapore là 131.300 USD, Malaysia 46.200 USD, Thái Lan 17.200 USD, Indonesia 13.500 USD, Philippines 7.600 USD (số liệu năm 2017). Trong khu vực ASEAN, hiện tại năng suất lao động Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và xấp xỉ với Lào. Năng suất lao động trong thời gian bình thường đã thấp và lại càng thấp hơn trong thời gian nghỉ tết.

Rất khó để chúng ta nghỉ Tết theo thông lệ của đa số các nước trên thế giới, nhưng điều có thể làm là bố trí thời gian nghỉ Tết hợp lý và cần phải thay đổi thái độ làm việc: chỉ được phép ngưng làm việc trong những ngày nghỉ chính thức chứ không được phép mang tâm thế này vào trước và sau ngày nghỉ.

Hết Tết thì hãy lại làm việc bình thường. Vui chơi cả tháng thì chỉ có nghèo mà thôi.

Trần Vũ

Ý kiến

()