Chúng ta

Hãy thực sự coi công sở như ngôi nhà thứ hai

Thứ hai, 9/5/2016 | 17:19 GMT+7

Mỗi cá nhân cần đề cao trách nhiệm chung tay giữ gìn vệ sinh chung để môi trường công sở thực sự là của tập thể chứ không phải của riêng ai. 

Mỗi sáng, chúng ta rời khỏi căn nhà yêu thương của mình để đến công ty làm việc. Và chúng ta luôn coi công ty như ngôi nhà thứ hai của mình bởi nó chiếm tới 1/3 thời gian trong ngày của mỗi người. Ở đây, chúng ta có những người đồng nghiệp, có công việc của mình và là môi trường sinh hoạt chung của cả một tập thể. Thế nhưng, không ít người trong chúng ta vẫn coi nhẹ hoặc chưa đặt trách nhiệm của bản thân vào tập thể đó. 

Tôi có gần 3 năm làm việc tại tòa nhà FPT Tân Thuận, TP HCM, nên không ít lần chứng kiến những bức xúc của nhân viên bảo vệ hay tạp vụ ở đây. Đầu tiên là việc gửi xe. Nhà xe có 3 tầng nhưng đôi khi vẫn bị quá tải bởi lượng xe máy ra/vào hằng ngày quá lớn. Điều này khiến đội ngũ bảo vệ tòa nhà phải tập trung cao độ vào mỗi buổi sáng. Điều đáng nói là không ít người vẫn có thói quen đẩy trách nhiệm sắp xếp xe ở các tầng cho nhân viên bảo vệ. Thay vì dành chút thời gian sắp xếp gọn gàng những chiếc xe đến trước rồi sau đó đưa xe của mình vào thì họ nghiễm nhiên để xe ở khoảng trống bên cạnh. Do đó, nhân viên bảo vệ, dù khá khó chịu về điều này, phải lặng lẽ xếp lại những chiếc xe để dành thêm diện tích cho những người đến sau.

Rồi chuyện đi thang máy. Cả tòa nhà có tổng số 4 thang máy bố trí ở hai cửa ra vào, trong đó có một thang chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa. Mỗi buổi sáng, khu vực thang máy luôn chật kín người, đặc biệt là thời điểm 8h30 đến 9h. Nhưng không ít người trẻ làm việc ở tầng 2, thậm chí là tầng 1 vẫn "kiên nhẫn" bấm nút gọi thang và chờ đợi thay vì leo thang bộ. 

Điều khiến tôi hãi hùng nhất chính là nhà vệ sinh. Mỗi lần vào nhà vệ sinh nam, tôi thường phải chứng kiến cảnh "người đi, chất thải ở lại" ở rất nhiều buồng đại tiện. Rồi nước, giấy, tàn thuốc rơi rớt xuống sàn, gây nên sự khó chịu cho những người khác. Trong khi, mỗi phòng đều gắn một bảng lớn quy định những điều về giữ gìn vệ sinh chung. Mới đây, Ban quản lý tòa nhà tiếp tục dán thêm lời nhắc nhở lên hộp đựng giấy, thế nhưng mọi thứ cũng không có gì thay đổi. Tôi mang sự bất bình này trao đổi với một chị tạp vụ ở tầng 4, chị chỉ cười hiền và phân trần: "Bọn chị chứng kiến tình trạng ấy hằng ngày rồi nên chỉ còn cách dọn dẹp thường xuyên hơn". 

Chúng ta đang sống trong môi trường tập thể. Mọi người có thể hăng say lao động để đạt được những thành tích nổi trội cùng đồng nghiệp của mình. Hãy thử làm một phép liên tưởng, ý thức và trách nhiệm của mỗi người trong những việc nhỏ còn chưa tốt thì liệu những việc lớn có làm tốt hơn không? Liệu chúng ta có bao giờ nhìn lại kết quả sau quá trình thực hiện để rà soát kỹ lưỡng hay chỉ làm cho xong "nhiệm vụ" rồi phó mặc cho những người khác có trách nhiệm kiểm tra, khắc phục?. Thiết nghĩ, mỗi cá nhân cần đề cao trách nhiệm từ những điều nhỏ nhặt và chung tay giữ gìn vệ sinh chung để môi trường công sở thực sự là của tập thể chứ không phải của riêng ai. Hãy để hình ảnh đẹp đẽ về người lao động tri thức trong mắt những nhân viên bảo vệ, lao công. Hãy thực sự coi công sở như ngôi nhà thứ hai đúng nghĩa của mình chứ không chỉ là nơi qua đường. 

Hà Dương

Ý kiến

()