Chúng ta

Giúp con chọn nghề

Thứ bảy, 3/10/2015 | 12:13 GMT+7

Với đa số trường hợp đòi hỏi sự kiên nhẫn, trao đổi kỹ càng với con cái. Bố mẹ chỉ nên giúp chứ không nên quyết định thay cho đứa trẻ. Xét cho cùng, tương lai là của chúng, không phải của bố mẹ!

Hôm trước tôi có chia sẻ việc rủ gái nhỏ đi cà phê và trao đổi về nghề nghiệp, ngành học, chọn trường... Nhiều bạn quan tâm vì cũng có chung vấn đề. Thỉnh thoảng có bạn gặp trực tiếp để nó chuyện, trao đổi.

Các bố/mẹ có con học cấp 2, 3 đều rất quan tâm đến chuyện sau này con sẽ theo nghề gì? Học ngành nào, trường nào? Nếu có điều kiện thì còn phải suy nghĩ xem học trong nước hay đi du học? Nếu du học thì theo cách nào? Ở đâu?... Toàn những câu hỏi khó.

Bài này tập trung vào khía cạnh chọn nghề. Bởi đây là vấn đề quan trọng nhất và là căn cứ cơ bản cho các lựa chọn tiếp theo. Vậy phải chọn nghề như thế nào? Dựa trên những yếu tố gì? Theo tôi, các yếu tố sau là quan trọng nhất cho việc chọn nghề:

  • Sở thích, năng lực, điểm mạnh của đứa trẻ.
  • Điểm yếu, các yếu tố hạn chế (limiting factors).
  • Nhu cầu xã hội hiện tại và tương lai.
  • Điều kiện, truyền thống, hoàn cảnh gia đình.
  • Về điểm thứ nhất, điều quan trọng là bản thân bố mẹ phải tương đối khách quan và giúp cho đứa trẻ nhìn nhận khách quan về đam mê, sở thích, năng lực của bản thân. Tránh nhầm lẫn giữa thiên hướng thật sự với ý thích nhất thời hoặc mong muốn đơn thuần của bố mẹ.

    Nhược điểm và các yếu tố hạn chế

    Đây là vấn đề khó hơn và cũng khó hình dung hơn. Mỗi người đều có những điểm mạnh, điểm yếu do năng lực tự nhiên, di truyền, giáo dục hay môi trường xã hội tạo ra. Đã có những bài viết rất hay về vấn đề này.

    Nói một cách đơn giản thì những gì thuộc mục (1) nêu trên có thể ví như dung tích của một cái bình nước. Một cái bình to hơn không đảm bảo chứa được nhiều nước hơn (năng lực thực tế). Tại sao lại như vậy? Vấn đề là cái bình đó không hoàn hảo. Nó có những lỗ thủng và vì vậy nó chỉ chứa được lượng nước cao nhất là đến lỗ thủng thấp nhất. Nỗ lực đổ thêm nước vào bình là vô nghĩa.

    Hiểu điều này cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ mỗi ngành nghề trong xã hội đòi hỏi những phẩm chất khác nhau. Một đứa trẻ nhanh nhẹn, hoạt bát nhưng lại không cẩn thận, tỉ mỉ nếu chọn nghề nghiên cứu khoa học hay bác sĩ chẳng hạn thì khả năng lớn là bạn đã đục cái lỗ ngay gần đáy bình. Nhưng nếu chọn một nghề phù hợp hơn, cái lỗ thủng vẫn còn, nhưng nó ở đâu đó giữa hoặc phía trên của bình. Sẽ tốt hơn.

    Nhu cầu xã hội

    Xem xét nhu cầu xã hội để sau này có nhiều cơ hội hơn về việc làm, về khả năng ứng dụng những gì được học, cơ hội đuổi đam mê hoặc để phát huy năng lực của bản thân. Lưu ý là nhu cầu xã hội không đứng yên mà thay đổi theo những điều kiện knh tế, xã hội nói chung. Có những nhu cầu biến thiên rất nhanh, số khác lại tương đối ổn định. Không dễ dàng để đánh giá nhu cầu xã hội, để làm việc này nên nghiên cứu các số liệu thống kê, đánh giá của các chuyên gia, kinh nghiệm thực tế...

    Nghề phân tích tài chính nghe cực kỳ hấp dẫn và sang trọng. Điều này là rõ ràng. Tuy nhiên, đây là một nghề cạnh tranh khốc liệt, thay đổi bất thường và rất khắc nghiệt. Khi nền kinh tế trầm lắng, nghề này sẽ rất khó khăn. Kỹ sư nông nghiệp có thể nghe không hoành tráng, nhưng trong một đất nước có truyền thống nông nghiệp đang dần đánh giá đúng vai trò của nông nghiệp, đây là nghề có nhiều cơ hội.

    Điều kiện, truyền thống gia đình

    Điều chúng ta mong muốn là con cái sẽ tự lập và vững vàng trong cuộc sống chứ không dựa dẫm vào gia đình hay xã hội. Tất nhiên rồi. Nhưng điều đó không có nghĩa là những kinh nghiệm, hiểu biết, truyền thống hay quan hệ của gia đình là không quan trọng. Sự giúp đỡ đúng cách và lành mạnh không làm hại gì cho nỗ lực của đứa trẻ trái lại rất có ích, nhất là khi mới bắt đầ sự nghiệp. Đó nên là một yếu tố quan trọng khi định hướng nhưng không nên là yếu tố đầu tiên, càng không nên là yếu quyết định duy nhất.

    Những vấn đề nêu trên có thể rất dễ dàng trong những trường hợp đặc biệt (ví dụ: nếu con bạn có tài năng biểu lộ rõ ràng, hoặc có đam mê và năng khiếu đặc biệt). Với đa số trường hợp đòi hỏi sự kiên nhẫn, trao đổi kỹ càng với con cái. Bố mẹ chỉ nên giúp chứ không nên quyết định thay cho đứa trẻ. Xét cho cùng, tương lai là của chúng, không phải của bố mẹ.

    Khúc Trung Kiên

    Ý kiến

    ()