Chúng ta

'Ghép tranh' toàn cầu

Thứ hai, 30/3/2015 | 16:11 GMT+7

Người ta đã biết sử dụng Google Docs trước khi khái niệm 'Điện toán đám mây' được thế giới nói đến một cách ồ ạt. Người ta đã biết giao dịch với nhau qua Internet trước khi có khái niệm 'Thương mại điện tử'. Toàn cầu hóa cũng vậy, như một dòng chảy âm ỉ, vốn đã chạy trong các ngóc ngách của đời sống con người. 

Thế giới nói đến thuật ngữ này từ những năm 50 và nó chính thức được sử dụng rộng rãi từ những năm 90 của thế kỷ 20. Cho tới nay, nó đã trở thành một cuộc cách mạng, một xu hướng tất yếu không thể cưỡng lại. Những quốc gia không bắt kịp sẽ trở nên tụt hậu và bị cô lập bởi một mối liên kết khổng lồ đa quốc gia.

Cho đến thời điểm này, so với các doanh nghiệp Việt Nam, FPT đang đi đầu về câu chuyện toàn cầu. Sự nghiệp đó đã bắt đầu từ những năm 1989, khi FPT lần đầu tiên đặt quan hệ với nhiều hãng máy tính tên tuổi để phân phối tại thị trường Việt Nam.

Trải qua hàng loạt liên minh thương mại, rồi việc đặt trụ sở FPT tại các nước: Campuchia, Lào, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Singapore… FPT đang trên đà tiến ra thế giới thay vì toàn cầu theo một chiều - nhập khẩu và gia công.

Chặng đường ấy đã được trải nền móng vững chắc và sẵn sàng cho những “trận đánh lớn”. Tuy nhiên, có một thứ mà cho tới thời điểm này, nếu không gấp rút chuẩn bị, FPT sẽ lại ở trong trạng thái tấm áo quá rộng, thân thể quá gầy. Đó chính là nguồn nhân lực phục vụ mục đích toàn cầu.

Ở FPT Telecom một thời gian, tôi hiểu sâu sắc một điều rằng, “điểm sáng” để mọi người ngưỡng mộ thì có thể đến từ một vài ngôi sao. Nhưng muốn cả đoàn quân tới đích đúng tiến độ và thành công vững bền thì cần sự đồng nhất về cả động lực và năng lực.

Câu chuyện mà FPT Telecom đã làm tại Việt Nam không quá nhiều khác biệt về “khuôn” so với câu chuyện FPT toàn cầu hóa. Những “chiến sĩ” đi mở đất cho FPT Telecom cũng phải trải qua những giai đoạn “mò mẫm” tìm quan hệ, lọ mọ, lân la để nắm được văn hóa vùng miền. Bởi 59 tỉnh thành, từ cơ quan chủ quản đến các doanh nghiệp địa phương, người dân, thói quen sử dụng đều rất khác nhau. Một sản phẩm khi có thể thích ứng với bằng ấy sự khác biệt thì con người phải đủ độ linh hoạt và nhanh nhạy với bối cảnh, thị trường. Đó chính là cái làm nên tư chất cho câu chuyện toàn cầu. FPT Telecom cũng đã đi những bước táo bạo sang Campuchia, Lào và gần đây là Myanmar. Vì vậy, đơn vị có một năng lực thích ứng rất phù hợp để tiến những bước tiếp theo một cách vững chãi trên con đường toàn cầu hóa.

Toàn cầu hóa thực ra đã ngấm ngầm chảy trong “huyết mạch” FPT từ lâu, chỉ là khi gọi tên nó thì với một số người vẫn còn thấy khá xa so với cơm áo gạo tiền mà họ vẫn luẩn quẩn mỗi ngày. Bởi phần của họ chỉ là một miếng ghép trong cả bức tranh tổng thể toàn cầu của tập đoàn.

Cũng giống như câu chuyện mà Dale Carnegie đã nói trong Đắc Nhân Tâm, nói với ai thì hãy nói về mối quan tâm của họ, về lợi ích của họ. Nên chăng, toàn cầu hóa cũng giống như một cuộc chơi xếp hình và ta hãy vẽ kỹ hơn cho mỗi khu vực, mỗi đơn vị thành viên mảng màu của họ, để họ dễ dàng xếp được một phần trong bức tranh chung. Hoặc giả, ta cho họ những cây cọ màu để họ tự vẽ bức tranh của mình và ta chỉ điều chỉnh cho những bức tranh nhỏ ấy, khi lắp ghép vào tổng thể sẽ thành một kiệt tác. Cá nhân tôi nhìn thấy phần của mình trong một “mảng ghép”, với vai trò của một người làm đào tạo, một giảng viên đã tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc giảng dạy bằng trải nghiệm, hay nói cách khác là sử dụng Học thuyết Kiến tạo trong việc thay đổi tư duy. Khi tôi cùng mọi người tư duy, tìm kiếm những câu trả lời về toàn cầu hóa, đó cũng là lúc tôi học được nhiều nhất về nó. Và chắc hẳn chẳng gì tuyệt hơn khi các quốc gia xóa nhòa đi ranh giới địa lý, chỉ còn lại sự học hỏi về văn hóa, trí tuệ. Một ngày nào đó, con của những người FPT xuất chúng có thể sẽ được đào tạo ở Do Thái và ngược lại, tại sao không?

Trần Thuỳ Linh

Ý kiến

()