Chúng ta

Đừng trách oan giáo sư, tiến sĩ

Thứ năm, 17/11/2016 | 09:09 GMT+7

Tôi cho rằng đừng đổ oan cho các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu không chế tạo ra máy bay, xe bọc thép, máy móc nông nghiệp khi mà ông trời đã không trao cho họ sứ mệnh ấy hay họ sinh ra đã không có tố chất của nhà chế tạo, nên họ không có đam mê, khát vọng chế tạo.

Tối hôm kia, tôi có may mắn được ngồi ăn tối, đàm đạo với anh Trần Quốc Hải, một nhân vật mà cách đây 12 năm báo chí đã có loạt bài "hai lúa chế tạo máy bay" và cách đây 2 năm là loạt bài "hai lúa chế tạo xe tăng, xe bọc thép" cho Campuchia. Cả buổi tối vừa ăn chúng tôi vừa trò chuyện. Anh cứ thật thà kể lại những câu chuyện xung quanh việc chế tạo máy bay trực thăng, khôi phục xe tăng, chế tạo xe bọc thép cho quân đội Hoàng gia Campuchia, chế tạo máy móc nông nghiệp.

Năm 2003, anh Hải bắt đầu chế tạo máy bay trực thăng, hai chiếc máy bay do anh chế tạo dựa trên nguyên lý tối ưu hoá máy bay Mỹ và máy bay Liên Xô đã được các tướng lĩnh quân sự, các nhà khoa học Việt Nam xem xét thử nghiệm. Công việc chế tạo máy bay trực thăng chỉ dừng ở thử nghiệm và không được phép cất cánh với kết luận "thiết kế không đúng nguyên lý và không thể an toàn khi cất cánh".

Tuy nhiên, việc chế tạo máy bay bằng phương pháp thủ công đã được nhiều tổ chức khoa học trên thế giới quan tâm, họ đã liên hệ và đưa chiếc trực thăng của anh Hải đi chu du, triển lãm ở Mỹ, Đức, Australia, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Tại Australia, chiếc máy bay trực thăng của anh Hải đã được chọn là một trong ba thiết kế triển vọng, cùng với thiết kế của một người Australia và một người Trung Quốc.

Sự khác biệt là trong khi Việt Nam không công nhận đây là máy bay trực thăng thì tất cả các nước mà anh tham gia triển lãm đều công nhận là máy bay trực thăng và cả hai chiếc mang đi triển lãm đã được Mỹ và Hàn Quốc mua với giá vài trăm nghìn USD một chiếc. Chưa hết, hiện nay chính phủ Hoàng gia Campuchia đang hỗ trợ một phần kinh phí để anh sản xuất máy bay trực thăng và hứa sẽ tạo điều kiện cho anh bay thử nghiệm trên bầu trời Campuchia.

Ở Campuchia có nhiều xe bọc thép cũ do Liên Xô sản xuất bị hư hỏng hoàn toàn không thể sử dụng được, đã có nhiều kỹ sư, chuyên gia nước ngoài chịu bó tay. Anh Hải đã đưa ra phương án cải tiến động cơ cũ bằng động cơ chạy dầu Diesel hiện đại, hai cha con anh đã thiết kế, làm động cơ, lắp hệ thống điện, cải tiến các tính năng: tác chiến năng động, ít tiêu hao năng lượng, di chuyển nhanh...

Chiếc xe bọc thép cải tiến đã có thể vận hành với 25 lít dầu diesel/100km (so với trước đây là 45 lít), tác xạ nhanh hơn, hỏa lực mạnh hơn so với trước, vòng xoay súng có thể bắn ở cự ly gần hơn so với 150m của xe cũ, tháp pháo tự động. Trong thời gian ngắn hai cha con anh Hải đã sửa chữa, khôi phục hàng chục xe bọc thép cho quân đội hoàng gia Campuchia.

Chưa hết, anh còn thiết kế, chế tạo mới hoàn toàn chiếc xe bọc thép với hơn 1.000 chi tiết, giá súng có tính năng vòng quay tay súng có thể bắn ở khoảng cách gần 7m (so với xe cũ là 150m), tháp pháo tự động và hỗ trợ quay tay, trang bị thêm hỏa lực hai bên xe, chống được đạn 7 ly 2, 12 ly 7, B40 (ở khoảng cách trên 50m), đặc biệt là tính năng lính ngồi trên nóc xe chui xuống khoang xe nhanh khi chạy vào rừng. Trước đó tướng 4* Campuchia đã từng xé bỏ vứt vào sọt rác một bản vẽ thiết kế xe bọc ghép của kỹ sư Thái Lan, còn chiếc xe bọc thép của anh Hải sau thử nghiệm thành công đã được quân đội Hoàng gia Campuchia chế tạo hàng loạt.

Không chỉ được chính phủ hoàng gia Campuchia thưởng huân chương Đại tướng quân, anh Hải còn được Canada mời sang hợp tác sản xuất xe quân sự. Tôi cảm phục và vui khi anh nói "nếu như 15-20 năm trước tôi sẽ nhận lời sang Canada, nhưng bây giờ thì không vì tôi đang có rất nhiều việc phải làm ở Việt Nam trong đó có việc chế tạo máy móc Nông nghiệp",

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của bà con nông dân, anh Hải đã thiết kế, chế tạo nhiều máy móc nông nghiệp như máy vận chuyển nông sản dưới ruộng lầy, máy phun thuốc trừ sâu, máy làm cỏ, máy bón phân, máy kéo 2 tầng, máy thu hoạch mía...

Anh Hải đặc biệt tâm đắc với chiếc máy đa năng: trồng, vun luống, làm cỏ, bỏ phân, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch khoai mì (sắn) với nhiều tính năng vượt trội với các máy tương tự của Thái Lan, Brasil. Trong khi máy của Thái Lan chỉ có chức năng trồng và chỉ trồng được một luống đồng thời thì máy của anh có 7 chức năng và trồng được 2 luống đồng thời với tốc độ trồng nhanh hơn.

Chiếc máy đa năng trồng, chăm bón, thu hoạch khoai mì của anh đã được sử dụng thực tế với diện tích lên đến hàng trăm ha cho năng xuất 100 tấn/ha, cao gấp 4 lần năng xuất bình thường, riêng ở Laos, Campuchia đã cho thu hoạch 2-3 vụ.

Trong bữa ăn, nhiều lần anh trăn trở giá như anh được Chính phủ và các cơ quan quản lý Việt Nam tin tưởng, ủng hộ như chính phủ Hoàng gia Campuchia, như ông thống đốc bang của Australia, như nhiều tổ chức ở Mỹ, Canada, Bỉ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... thì chắc chắn anh còn làm được nhiều việc lớn hơn nữa cho người dân, cho đất nước Việt Nam.

Một đôi lần Hải nói, anh tin vào tâm linh, bởi tại sao sứ mệnh chế tạo máy bay, xe tăng, máy móc nông nghiệp lại không trao cho các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học hay một con người nào đó ở Hà Nội, TP HCM hay các thành phố lớn mà lại trao cho anh, một người chỉ tốt nghiệp đại học thể dục thể thao, sống ở mãi vùng quê Tân Châu, Tây Ninh.

Tôi cho rằng, anh sinh ra đã có tố chất của "nhà chế tạo", đúng như một chuyên gia Australia đã chỉnh một chuyên gia Việt kiều Australia khi gọi anh là "nông dân": "Đừng gọi anh ấy là nông dân, nông dân không chế tạo được cái cuốc, còn anh ấy đã chế tạo ra máy bay, anh ấy là nhà sáng chế, anh ấy giỏi hơn anh".

Giống như Henry Ford, Thomas Edison, những người chưa tốt nghiệp phổ thông nhưng lại là những nhà phát minh, sáng chế vĩ đại, anh Hải sinh ra đã có tố chất của nhà chế tạo máy, anh có đam mê, có khát khao chế tạo máy bay, xe bọc thép, xe quân sự, máy móc nông nghiệp. Hơn nữa, anh có tính thực tiễn, thực tế, quan tâm đến hiệu quả, đến tính ứng dụng máy móc vào cuộc sống, nhờ thế mà anh đã chế tạo được máy bay trực thăng, xe bọc thép, máy móc nông nghiệp...

Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ sinh ra không có tố chất của nhà chế tạo, họ thiếu đam mê khát vọng chế tạo, lại thiếu và xa rời thực tế, thế nên đừng yêu cầu hay kỳ vọng họ chế tạo ra máy móc như anh, bởi ngay ở nước Mỹ cũng vậy, việc chế tạo ra bóng đèn, máy quay đĩa, máy chiếu phim, máy ghi âm cũng được trao cho Edison; việc chế tạo ra ô tô giá rẻ, động cơ ô tô V8 cũng được trao cho Ford.

Xã hội Việt Nam coi trọng bằng cấp, thiếu tính thực tiễn. Khi mà cả xã hội, từ báo chí, người dân vẫn gọi anh Hải là hai lúa, là nông dân, không ai công nhận anh là "nhà chế tạo" như người Mỹ, người Australia, thì sau này, một vài người trong số họ lên vị trí quản lý, vị trí lãnh đạo họ tiếp tục coi anh là nông dân, là hai lúa, không ai coi anh là nhà chế tạo thì cũng là lẽ đương nhiên.

Vì thế, tôi cho rằng đừng đổ oan cho các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu không chế tạo ra máy bay, xe bọc thép, máy móc nông nghiệp khi mà ông trời đã không trao cho họ sứ mệnh ấy (như suy nghĩ của anh Hải) hay họ sinh ra đã không có tố chất của nhà chế tạo, nên họ không có đam mê, khát vọng chế tạo ra máy bay, xe bọc thép, máy móc nông nghiệp (như nhận thức của tôi).

Vấn đề quan trọng nhất của chúng ta bây giờ là công nhận anh Hải là một nhà chế tạo, cổ vũ, động viên, hỗ trợ anh tiếp tục chế tạo ra nhiều máy móc hơn nữa, đặc biệt là làm sao các máy móc nông nghiệp và phương thức sản xuất khoai mì của anh được nhân rộng ra toàn quốc.

Đỗ Cao Bảo

Ý kiến

()