Chúng ta

Đứng đường xin việc sao phải nhục

Thứ năm, 20/8/2015 | 08:16 GMT+7

Ứng viên thể hiện mong muốn có việc làm, dù là ở các trang chuyên săn đầu người, dán ở trung tâm việc làm, đăng trên Facebook… hay thậm chí cầm bảng đứng lề đường, về cơ bản đều giống nhau.

Mấy hôm nay dân tình xôn xao với bức ảnh một thanh niên cầm bảng ghi hoàn cảnh của mình rồi đứng ngoài đường với mong muốn kiếm được việc làm. Nhân vật là một cử nhân loay hoay chưa tìm được việc làm trong khi mới sinh con nên gặp khó khăn trong cuộc sống. Việc làm ấy mong ước được sự chú ý ngõ hầu có kế sinh nhai và mua sữa cho con. Nhiều người chê, và thậm chí có hẳn một bài báo cho rằng hành động đó là "nhục". 

Khoan đề cập chuyện có con sớm và trình bày thông tin trên bảng chưa thật chuyên nghiệp, tôi muốn nói về cách làm. Trừ số ít trường hợp đặc biệt, đa phần người làm công đều trải qua cửa ải tìm việc. Có thể bạn đăng hồ sơ của mình trên Linkedin, Vietnamwork, Careerbuilder… gửi thẳng đến nhà tuyển dụng hay nộp vào các trung tâm việc làm để họ dán lên bảng. Sau khi trải qua chặng đường khó khăn tìm việc, hết cách, nhân vật kia đành viết lên tờ giấy và tự mình làm bảng trưng ngoài đường.

Với tôi, hành động này là bình thường bởi mỗi người đều có lý do và câu chuyện của riêng mình. Chợt nhớ, trước đây Facebook cũng rộ lên phong trào "Hãy thuê tôi trong 1h đi, tôi sẽ làm bất cứ điều gì bạn muốn" hay gần gũi hơn là các nhóm, cả kín lẫn mở, trên Facebook hay các trang chuyên về việc làm cũng có rất nhiều bạn tự đăng hồ sơ ứng tuyển của mình lên và nói mình cần việc... Chuyện này đâu khác nhân vật kia. Có chăng chỉ là online và offline. Không lẽ hành động online là "sang" hơn và có quyền chê bai, phê phán người khác. Hay bạn muốn ai cũng phải cầm hàng xấp hồ sơ, đi qua từng công ty này, nhà máy nọ để nộp chứ không được giới thiệu bản thân ở những nơi công động hay chốn đông người. 

Quay lại chuyện nhân vật. Tìm hiểu sâu hơn, trước đây, anh này sử dụng tiền của bố mẹ trang trải cho học hành nhưng lại vướng vào chuyện vợ con sớm, chưa biết cách lo toan cho cuộc sống rồi đi làm cũng không coi trọng công việc… Và hậu quả là rơi vào cảnh “đứng đường”.

Nếu là bạn, bạn có dám làm vậy không hay tiếp tục trường kỳ tìm cơ hội qua các kênh khác. Với tôi, khoảnh khắc gạt bỏ sĩ diện để ra đường và cầm tấm bảng xin việc, nhân vật đã là một con người khác. Khi ấy, trách nhiệm của một người cha sẽ mách bảo nhân vật phải biết trân quý những cơ hội. 

Dường như chúng ta đang dễ dãi với bản thân nhưng lại quá khắt khe với người khác. Nhiều người luôn mạnh miệng phê phán các thói xấu của người Việt, nhưng nhìn lại một số trong đó tôi lại thấy họ cũng có những thói xấu không khác là bao, thậm chí còn hơn. 

>> Xu hướng 'mặc kệ nó' và rác trên mạng xã hội

Nguyên Văn

Ý kiến

()