Chúng ta

Điểm số có là gì?

Thứ hai, 30/3/2015 | 17:21 GMT+7

Việc học là một quá trình, trải qua nhiều giai đoạn. Và để đánh giá quá trình đó, người học có học tốt hay không tốt, đạt hay không đạt, các giáo viên sẽ dùng những công cụ đo mà một trong số ấy là dùng thang điểm.

Công cụ đánh giá này không sai, nhưng nó sẽ phát sinh ra nhiều bất cập và tiêu cực. Ngày bé đi học, tôi vẫn nhớ như in cảm giác làm bài đúng mà vẫn không được điểm tối đa chỉ vì lý do - không làm đúng theo cách của cô. Bố mẹ biết chuyện, chỉ động viên: “Không sao đâu con ạ, quan trọng là kiến thức mình thu được”. Và tôi vẫn là đứa cứng đầu, nhất định không chịu đi học thêm ở lớp của cô giáo để được điểm cao như các bạn, mà đi học thêm thầy ở ngoài trường để học được nhiều hơn.

Đến các thế hệ mầm non sau này, tôi thấy các em đi học cực quá. Ai đời, mới học mẫu giáo mà đã phải đi học đủ thứ trên đời, từ văn võ, vẽ vời đến đàn ca sáo nhị, cái gì các cô cũng đưa các cháu cầm về đưa bố mẹ đăng ký cho con đi học. Nếu không đi học thì cô không thích, phải ở trong lớp một mình (các bạn khác đi học hết rồi còn đâu), không được phiếu bé ngoan…

Đến khi học phổ thông thì ôi thôi nhiều thứ phải học. Nhưng xét cho cùng, bố mẹ cho con học nhiều cũng chỉ vì để bố mẹ mát lòng mát dạ khi thấy con được điểm cao, mà  đôi khi quên mất một điều con mình đang học để lấy kiến thức chứ không phải là những điểm số lóa mắt. Những đứa trẻ đang ở tuổi ăn, tuổi lớn mà ngoài đi học chính, phải học thêm gần như tất cả các môn (chắc chỉ trừ nhạc họa và thể dục). Ngày học mười mấy tiếng, chả còn đâu thời gian mà chơi với giải trí. Các đề thi càng ngày càng ra những thể loại oái oăm mà chính một thầy làm trong ngành giáo dục phải thừa nhận: “Học sinh giỏi bây giờ không phải là có tư duy tốt mà là nhớ được nhiều dạng bài hơn”.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo thông tư 30 về việc bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, ngay lập tức đã gây ra những luồng dư luận trái chiều. Có ý kiến không đồng tình vì nếu bỏ điểm đi thì đánh giá học sinh bằng gì? Mà không đánh giá thì sao biết em nào giỏi, em nào yếu để bồi dưỡng thêm? Điều khá thú vị là phần đông những người phản đối là các thầy cô giáo. Và tất nhiên, nhóm người ủng hộ thông tư này là các bậc phụ huynh. Vì không còn điểm số thì họ sẽ không phải “tự nguyện” viết đơn đăng ký cho con đi học nữa. Vừa tiết kiệm được kha khá chi phí trong thời buổi khó khăn, mà con em họ sẽ lại có tuổi thơ.

Theo quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ dự thảo này của Bộ. Từ bao lâu nay, chúng ta vẫn dùng điểm số như một công cụ đánh giá kết quả học tập nhưng không có nghĩa công cụ này là duy nhất. Nếu chỉ dùng một công cụ thì chắc chắn sẽ có tiêu cực vào tay một số “lợi ích nhóm” khi nhóm này có khả năng cho điểm cao hay thấp. Thực tế, khi chúng ta đi làm, chúng ta đi xin việc, những bài kiểm tra chỉ có tác dụng hỗ trợ thêm vào quyết định cuối cùng. Có nghĩa là, vẫn sẽ có những công cụ đánh giá khác, có thể hiệu quả hơn.

Chị gái tôi ở Canada có kể chuyện: Trường học ở bên đó của 2 đứa con chị ấy, cô giáo không chấm điểm mà chỉ đánh giá có qua hay không qua. Không qua thì phải học lại, chừng nào qua thì được lên lớp. Nhưng học sinh nào giỏi hay yếu, cô giáo vẫn có thể biết được vì giáo viên sẽ có nhiệm vụ theo dõi học sinh trong suốt cả quá trình học. Nói cách khác, giáo dục bên đó đánh giá kết quả thực dựa trên một quá trình chứ không phải chỉ dựa vào kết quả của bài kiểm tra. Điểm số nếu có cũng không phải để xếp hạng.

Quay lại câu chuyện giáo dục của Việt Nam, có lẽ, nếu như không thay đổi hay cải tiến công cụ đánh giá hiện tại thì học sinh tiểu học vẫn phải đeo balo nặng trĩu sách vở trên vai, học sinh phổ thông vẫn phải chạy “sô” đi học từ sáng đến tối mịt. Còn các ông bố bà mẹ, tuy miệng động viên con không cần phải học quá sức lấy điểm cao, kiến thức mới là quan trọng nhưng vẫn chạy khắp nơi mọi chốn, tìm những lớp học danh tiếng để xin học cho con. Vì “điểm không là gì nhưng cũng… là gì”.

Bùi Minh Tuấn

Ý kiến

()