Chúng ta

Đám đông nào đáng sợ hơn

Thứ ba, 21/4/2015 | 14:39 GMT+7

Sáng mở mắt, báo chí 'đập vào mặt' vụ trèo rào trên công viên nước, dân tình thi nhau share báo, chế nhạo đầy mỉa mai những khoảng khắc khó đỡ của nhiều gia đình, nhiều chàng trai, cô gái bất chấp hiểm nguy vượt rào, trèo tường. Những lời chỉ trích khiếm nhã, hay xót thương kiểu: 'Vì sao mà...'.

Trước hết cần phải công nhận những hình ảnh trên công viên nước không đẹp chút nào. Bao nhiêu con người bỏ qua mọi hiểm nguy và rào cản để dùng bằng được hai từ "miễn phí". Xu hướng đám đông khiến người ta ào lên, "người ta trèo mình cũng trèo". Có thể trong những lúc ồn ào và nhốn nháo ấy, đám đông có mặt trong công viên nước cũng không kịp nghĩ xem mình nên làm gì, chỉ thấy bạn mình trong đó đành "trèo vào cho vui", chứ chẳng hề nghĩ đến việc gìn giữ hình ảnh. Không bàn đến những lý do khiến họ đủ dũng cảm vượt tường rào, bởi những hình ảnh mà truyền thông rầm rộ ngày qua đã bay đi xa hơn nhiều việc phân tích. Tôi chỉ giật mình vì một đám đông khác, cũng ồn ào chẳng kém.

Đám đông ấy ngồi sau máy tính, trong phòng máy lạnh, đọc báo - những người hoàn toàn đủ lý trí và tỉnh táo chứ không ào ào như đám đông hỗn độn ngoài kia. Đám đông ấy chế nhạo vài cô gái trèo tường như đặc công, rối rít share nhau bài báo về cô nàng "lộ hàng" ở công viên nước với ngôn từ còn kinh khủng hơn nhiều những pha băng tường và vượt rào rồi lại hỉ hả bảo nhau: "Xấu mặt  người Việt". Đá cứ ném rào rào như thể đám đông trong công viên nước không phải là người Việt, là "đồng bào" mình mà là đám... khỉ trên rừng vậy.  

Đám đông ngồi trước máy tính nói về việc "giữ gìn hình ảnh con gái Việt" trước những hành động xấu xí kia. Nhưng thay vì việc chia sẻ nó với góc độ đáng trách, đáng xem xét và rút kinh nghiệm quản lý, thì họ ào lên vùi dập đám đông kia. Cứ như thể họ không phải là người Việt, chẳng có chút liên quan nào với "cái đám ở công viên nước".

Lạ thay, khi những người không nói tiếng Việt chưa kịp lên tiếng kỳ thị hay phán xét thì chính người Việt khoe thêm một bộ mặt xấu xí chẳng kém. Những từ ngữ mĩ miều nhân danh gìn giữ văn hóa, hình ảnh quốc gia hay phụ nữ có hẳn là nhân văn?

Chỉ nghĩ, hai đám đông, một hiện diện trên internet bằng hình ảnh ấy và một ẩn mình sau máy tính có gì khác nhau không? Một bên là hành động xấu, còn một bên là thói quen xấu - thói quen kỳ thị cộng đồng. Đám đông nào đáng sợ hơn? Buồn hơn là chính đồng bào mình kỳ thị nhau, đay nghiến nhau, mạt sát nhau, chế nhạo nhau. "Đẹp khoe, xấu che", câu nói ấy có còn ý nghĩa?

Thái Thu Quyên

cleardot.gif

Ý kiến

()