Chúng ta

Cuộc chiến truyền thông quanh Amazon

Thứ ba, 18/8/2015 | 10:49 GMT+7

Trong truyền thông 2.0, những gì nhân viên nói sẽ có sức nặng hơn những gì công ty phát ngôn. 

Hôm 16/8, tờ New York Times đăng một bài dài với tiêu đề "Inside Amazon: Wrestling Big Ideas in a Bruising Workplace". Thông qua việc phỏng vấn nhiều cựu nhân viên Amazon (có tên, có ảnh, có trích dẫn đầy đủ), các tác giả mô tả Amazon như một tổ chức rất khắc nghiệt đối với nhân viên, sức ép vô cùng lớn, quan hệ đồng nghiệp u ám, thậm chí thù nghịch.

Ví dụ công ty có một hệ thống tên là Anytime Feedback để nhân viên nói xấu, tố cáo nhau, hay công nhân bốc xếp kho vận phải làm việc dưới cái nóng 100 độ F (khoảng 38°C) và có xe cứu thương chờ sẵn ở ngoài để ai gục ngã thì chở đi. Việc tuyển thêm người cũng vô cùng ngặt nghèo, và được một cựu quản lý mô tả là để tuyển thêm một người thì phải "lôi một thằng ra cuối bể dìm chết". Tóm lại, một môi trường rất thách thức và khốc liệt đến tàn bạo.

Bài báo đã có hơn 3.400 bình luận (tôi không thấy thống kê số lượt xem nhưng chắc phải hàng triệu), lướt qua, đa số lên án Amazon. Có người bình luận rằng đọc xong bài báo đã hủy tất cả dịch vụ đang có với Amazon. Không rõ công ty thiệt hại thế nào sau bài này.

Ngay sau khi bài báo của New York Times xuất hiện, một nhân viên của Amazon viết trên LinkedIn bài phản bác lại. Bài có tên: An Amazonian's response to "Inside Amazon: Wrestling Big Ideas in a Bruising Workplace". Bài này phản đối nhiều cáo buộc của bài trước, cũng đưa ra nhiều sự kiện và số liệu từ bên trong công ty. Tác giả tuyên bố tất cả là quan điểm cá nhân chứ không phải của công ty, và cũng không ai xui hay bắt viết. Bài này tiết lộ một số chi tiết thú vị của Amazon, không rõ có vi phạm gì chuyện bảo mật hay không (ví dụ đoạn về Orientation - tầm nhìn).

Bài trên LinkedIn, đến 22h30 theo giờ Hà Nội ngày 17/8, có hơn 100.000 lượt xem, hơn 566 lượt like và 112 bình luận, lướt qua comment đa phần ủng hộ tác giả và Amazon.

Chưa rõ câu chuyện có tiếp tục hay không.

Trong truyền thông 2.0, những gì nhân viên nói sẽ có sức nặng hơn những gì công ty phát ngôn. Nếu công ty có nhiều nhân viên sẵn sàng lên tiếng bảo vệ cho tổ chức của mình dễ tạo được niềm tin cho cả khách hàng lẫn lực lượng lao động tiềm năng.

>> Xu hướng 'mặc kệ nó' và rác trên mạng xã hội

Phan Phương Đạt

Ý kiến

()