Chúng ta

Cứ đi rồi sẽ thành đường

Thứ ba, 3/1/2017 | 10:16 GMT+7

Ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM, chuyện tắc đường không còn lạ. Chính Bí thư Thành ủy Hà Nội đã phải thốt lên "thảm họa giao thông đến gần mà không biết làm thế nào".

Trong suốt cả năm qua, trên mạng xã hội, các diễn đàn và báo chí, tranh luận giữa việc hạn chế xe máy, hạn chế ô tô, hạn chế phương tiện cá nhân với việc phát triển giao thông công cộng: tăng cường xe buýt, thử nghiệm xe buýt nhanh (BRT), xây dựng đường sắt trên cao, metro... trở nên hết sức nóng bỏng và dường như nhóm bảo vệ phương tiện giao thông cá nhân, phê phán việc quy hoạch đô thị yếu kém, xây nhiều nhà cao tầng nội đô, qui hoạch, quản lý, điều hành giao thông yếu kém đang thắng thế.

Thế nhưng, có một thực tế là cả Hà Nội và TP HCM, tình trạng tắc đường ngày càng nặng nề hơn, bất chấp những nỗ lực làm cầu vượt, làm hầm chui, mở thêm đường mới, mở rộng đường cũ, làm đường trên cao của ngành giao thông.

Nếu hệ thống metro, đường sắt trên cao không nhanh chóng đưa vào hoạt động và hệ thống xe buýt, xe buýt BRT không phát triển mạnh mẽ, việc người dân Hà Nội, TP HCM mỗi ngày mất 90 phút đến 120 phút để đi từ nhà đến cơ quan và cũng mất 90 phút đến 120 phút nữa để đi từ cơ quan về nhà chắc chắn không còn xa nữa.

Khi mà mỗi ngày mỗi người dân mất từ 3h đến 4h cho việc đi làm hằng ngày, tôi e rằng những bạn đang tranh luận mạnh mẽ nhất để bảo vệ phương tiện cá nhân, bảo vệ xe máy chắc cũng sẽ không còn đủ thời gian, không còn đủ sức khoẻ để tranh luận, để bảo vệ dùng xe máy đi lại trong nội đô nữa.

Các bạn hãy tưởng tượng: nếu đi tàu điện trên cao từ Yên Nghĩa đến Cát Linh mất 25 phút, còn đi xe máy mất 90-120 phút; đi metro từ Nhổn - Cầu Diễn đến Ga Hà Nội mất 20 phút, còn đi xe máy mât 85-120 phút; đi metro từ Suối Tiên đi chợ Bến Thành mất 30 phút, còn đi xe máy tiêu tốn 90-120 phút; đi metro từ An Sương về chợ Bến Thành chỉ 25 phút, còn đi xe máy mất 80-120 phút... thì khi ấy bạn sẽ chọn phương tiện nào?

Như nhà văn Lỗ Tấn đã nói: "Trên thế giới xưa kia làm gì có đường, người ta đi mãi rồi cũng thành đường", thế nên giải pháp tốt nhất về giao thông ở Hà Nội và TP HCM, theo tôi gồm: 

1. Tuyệt đối không xây thêm bất cứ toà chung cư cao tầng nào trong nội đô. Hướng tới đô thị văn minh theo mô hình các nước tiên tiến: nội đô chỉ dùng cho văn phòng làm việc, siêu thị, nhà hàng khách sạn, còn nhà ở, bệnh viện, trường đại học, nhà máy, xí nghiệp chuyển ra ngoại ô.

2. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các tuyến đường sắt đô thị (đường sắt trên cao và metro). Ưu tiên nguồn vốn để hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị;

3. Phát triển mạnh mẽ hệ thống xe buýt nội đô, tăng số lượng xe buýt, mở rộng thêm nhiều tuyến xe buýt. Nâng cao chất lượng xe buýt;

4Cương quyết duy trì và nhân rộng hệ thống xe buýt BRT, phạt nặng những ai đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt BRT;

5. Dẹp bỏ quán cóc, buôn bán, lấn chiếm vỉa hè. Trả lại sự thông thoáng vỉa hè cho người đi bộ và cuối cùng là tuyên truyền, giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tập dần thói quyen đi bộ, coi đi bộ vừa tốt cho sức khoẻ, vừa giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo các cấp cần tin rằng: "cứ đi rồi sẽ thành đường", cứ làm tốt các công việc 1 đến 4, cương quyết duy trì luật lệ giao thông, làm sao để đi xe buýt, đi metro, đi tàu đường sắt nhanh gấp 3-4 lần đi xe máy thì chắc chắn người dân Hà Nội, TP HCM sẽ dần thay đổi thói quen đi xe máy, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn xe máy trong nội đô.

Hãy thực hiện bằng được phương châm: "cứ đi rồi sẽ thành đường", đừng để tình trạng: "có đường rồi mà đi mãi vẫn không thành". Không thể nào để tình trạng giao thông ở Hà Nội, TP HCM mãi mãi là "kỳ quan của thế giới" như hiện nay.

Cá nhân tôi và kể cả Chủ tịch FPT Trương Gia Bình mỗi khi sang Nhật công tác gần như chỉ đi metro, không đi ô tô.

Đỗ Cao Bảo

Ý kiến

()