Chúng ta

Có thực mới vực được đạo

Thứ sáu, 11/11/2011 | 14:30 GMT+7

Tôi và một nhóm bạn cứ mải miết tranh luận về nghĩa của “thực” và “đạo”. Thế rồi, câu chuyện ấy lại xoay chiều sang quan hệ giữa người với người, rồi tới việc giữ người của các công ty.

Có người hiểu “thực” là ăn, “đạo” là đường. Họ kết luận rằng: “Có ăn thì mới có sức khỏe đi đến đích được”. Cũng có người cho rằng “đạo” là đạo lý, là những điều to tát, thiêng liêng, mang tính lý tưởng. Vậy là, muốn làm được những việc lớn, trước hết phải có sức khỏe...

Những người suy tưởng nhiều hơn thì lại “dịch” thành: “Có thực tế, có trải nghiệm thì mới khiến người ta tin được, chứ không thể dựa vào việc hô hào, trong khi không quan tâm gì tới lợi ích của người nghe”. Bỗ bã, mỉa mai, nhưng thực tế nhất, có lẽ là cách hiểu: “Hãy cho người ta một chút lợi lộc thì người ta mới theo mình".

Mọi cách hiểu ấy, tựu chung lại đều nói rằng, phải có một điểm tựa để làm gì đó, tin vào cái gì đó hay đi theo ai đó.

Trở lại với câu chuyện giữa người với người. Xã hội ngày nay xuất hiện ngày càng nhiều những người nói giỏi tới mức “con kiến cũng phải bò ra”. Nhưng người đời cũng thấm nhuần câu: “Đừng nghe anh ta nói, hãy nhìn anh ta làm”. Bởi vậy, những chiêu “nổ” ấy cũng chẳng mấy tác dụng.

Tôi đặc biệt dị ứng với những người mắc “bệnh” hứa. Họ cứ mang lời hứa ấy đến “tặng” cho hết người này đến người khác. Kết quả là không ai nhận được gì cả. Từ đó, không chỉ những “nạn nhân”, mà cả những người khác cũng sẽ được nghe những câu chuyện cổ tích bắt đầu bằng chữ “hứa” này. Hậu quả thì ai cũng biết, người ta sẽ nghe và quên ngay những lời người này nói.

Người vào FPT, đa phần không vì lương. Điều thu hút họ là một môi trường năng động, sáng tạo, làm việc thoải mái, không phải sợ hay khép nép, nghi lễ với sếp. Những thứ liên quan tới thăng tiến nhanh, văn hóa, đãi ngộ phi vật chất… là những điều thật mới mẻ và cuốn hút với họ.

Nhưng chỉ một thời gian thôi, khi họ còn trẻ. Chứ khi họ phải lo lắng cho gia đình hoặc khi đã lành nghề tới mức các đơn vị khác thi nhau mời gọi với mức lương có thể gấp 2, gấp 3 ở đây, thì việc ở lại với những giá trị vô hình, quả thật khó.

Để có mức lương so sánh tốt, dễ thu hút nhân tài, đã có nhiều giải pháp được đưa ra. Nhưng bản chất vẫn là bình mới , rượu cũ. Tổng thu nhập của họ vẫn không đổi. Trước đây, tin đồn về thưởng tại FPT là điều thu hút không ít người bên ngoài quan tâm. Nhiều người hăm hở nộp đơn vào làm việc, chấp nhận mức lương tháng thấp, cũng chỉ vì cái “cục” thưởng to tướng vào cuối năm ấy. Giờ thì đó lại không còn là thế mạnh nữa rồi.

FPT đang phải đối mặt với việc hút được người mới mà khó giữ người cũ. Chẳng còn cách nào khác là chứng minh bằng thực tế đãi ngộ với anh em, để họ tin rằng lợi ích của họ gắn chặt với lợi ích của FPT.

Gần đây, việc kêu gọi tinh thần xung phong, tinh thần “máu là xong” lại được đẩy mạnh. Nhưng hình như, tất cả điều đó mới chỉ là một nửa. Bởi những người xung phong sẽ được đánh giá cao, được tôn vinh, những giá trị đầy tính… tinh thần. Vậy nên, những người tham gia vào “phi vụ” này, một là người trẻ tuổi, máu chiến, hai là người đã qua cái ngưỡng “cơm áo gạo tiền”, tháp nhu cầu của họ nâng tới tầm được sự tôn trọng.

Có ít cánh tay xung phong, không thể chỉ trách cứ anh em không nhiệt huyết, mà lãnh đạo còn cần hiểu tâm tình của chính anh em nữa. Nếu họ chưa lo xong những nhu cầu căn bản nhất cho gia đình, làm sao họ dồn tâm huyết cho việc khác được.

Bởi vậy, muốn anh em làm hết tâm, thì các cấp quản lý cần “để tâm” vào cuộc sống và lợi ích của họ. Những điều đó phải được anh em cảm nhận và cảm kích, khi ấy mới có được những phản hồi tích cực từ họ. Suy cho cùng, đúng là “có thực mới vực được đạo”.

Thùy Linh

 

Ý kiến

()