Chúng ta

Cô giáo yêu nghề

Thứ bảy, 22/11/2014 | 10:00 GMT+7

Buổi trưa hôm ấy, tôi nghe thấy tiếng cô hốt hoảng khi đang chơi với lũ bạn ở gần nhà. Giờ nghĩ lại tôi cũng không nhớ rõ tiếng hốt hoảng đó, chỉ nhớ tôi đã chạy thật nhanh xuống bờ ao trước nhà cô.
Những người thầy quanh ta

Tôi xin kể ra đây câu chuyện về một cô giáo yêu nghề mà chắc hẳn trong thời nay ít người làm nghề giáo đủ nghị lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống như cô. Cô là hàng xóm gần nhà tôi. Ngày bé, tôi biết về cô qua những câu chuyện mọi người kể râm ran trong ngõ nhỏ. Họ kể rằng, cô hiền lành, giỏi giang nhưng mang kiếp hồng nhan, lận đận.

Năm tôi học lớp 4, tiếng xe kéo ầm ầm chạy qua ngõ kèm với tiếng xôn xao của bà con lối xóm. Nghe đâu chồng cô ham mê cờ bạc gây nợ nần chồng chất, đống gạch cũ cô mới mua, để khi nào dành dụm đủ tiền sẽ xây nhà, nay có người đến mang đi cùng với nhiều đồ đạc còn chút giá trị. Chỉ vài tiếng sau, căn nhà ngói lụp xụp đã trở nên ngổn ngang, bừa bãi. Trước bậc thềm là người phụ nữ dáng vẻ mệt mỏi, xác xơ, khuôn mặt như mất hồn vía. Những ngày sau, cô vẫn đến trường dạy học. Tôi nghe các anh chị khóa trên kể rằng cô dạy Toán rất giỏi và làm Văn rất hay. Cô có giọng thơ trong trẻo như tiếng chim hót.

Cuộc đời vốn dĩ nhiều bất công, phụ nữ ít nhiều được nhờ chồng, tiếc thay, cô chẳng được nhờ gì cả. Chồng cô hay say xỉn và ghen tuông. Mỗi lần say là một lần chửi bới, đập phá đồ đạc trong nhà. Mỗi lần ghen là một lần xô xát, hàng xóm thương cô lại chạy đến can ngăn. Một buổi sáng đẹp trời, cô dắt chiếc xe đạp cũ đi làm, phát hiện lốp xe bị cắt làm đôi. Không muốn nghỉ dạy, cô hớt hải dắt xe đi sửa cho kịp giờ lên lớp. Bác thợ sửa xe nhìn cái lốp xe một cách đầy ngao ngán. Bác nhỏ nhẹ hỏi han sự tình và mắt cô lại rưng rưng: “Nhà em nó cắt lốp xe đấy bác ạ. Chắc tại hôm qua em đi họp với các thầy cô ở huyện về muộn nên nhà em ghen”.

Thật may mắn, khi lên lớp 5, tôi được cô chủ nhiệm. Cô giáo của tôi khi đứng trên bục giảng là một con người hoàn toàn khác với hình ảnh tôi bắt gặp nơi ngõ nhỏ thân quen. Ở đây, cô đầy sức sống và sự nhiệt huyết. Ánh mắt cô khi giảng bài toát lên sự trong sáng vui tươi không gợn chút buồn rầu, suy nghĩ. Giọng nói cô lúc trầm lúc bổng, khơi gợi hào hứng của những đứa trẻ non nớt, thơ ngây. Chúng chăm chú nhìn cô, đứa nào cũng học hành siêng năng và tiến bộ hơn. Năm ấy, lớp tôi là tập thể lớp tiên tiến xuất sắc của trường.

Tôi yêu những câu văn sâu lắng và ngọt ngào của cô, yêu giọng đọc truyền cảm, gieo vào tâm hồn tôi những cảm xúc tươi đẹp. Dù có được nghe bao nhiêu văn thơ, bao nhiêu ca từ, tôi cũng không thể cảm thụ được sự tròn vành như thế. Tôi say mê viết. Tôi có niềm tin. Niềm tin ấy nhen nhóm từ khi tôi bắt gặp nụ cười tỏa nắng cùng cái nhìn trìu mến của cô. Những bài văn tôi viết, cô đều đọc tuyên dương trước lớp và giữ lại cẩn thận trong một chiếc túi nhựa vuông, màu trong suốt. Trong đó có một số bài văn của các bạn được cô khen.

Buổi trưa hôm ấy, tôi nghe thấy tiếng cô hốt hoảng khi đang chơi với lũ bạn ở gần nhà. Giờ nghĩ lại tôi cũng không nhớ rõ tiếng hốt hoảng đó, chỉ nhớ tôi đã chạy thật nhanh xuống bờ ao trước nhà cô. Lúc này, chồng cô đã bỏ đi. Cô đang lội dưới ao, run rẩy và hớt hải vớt những quyển sách, tờ giấy trên mặt nước ngập đến ngang bụng. “Vân lội gần bờ vớt cho cô nhanh lên, bài kiểm tra của các em đấy! Nhanh lên không nhòe hết chữ em ơi!” - giọng cô run run, sốt sắng. Cô giáo của tôi nét mặt căng thẳng đầy lo lắng cho đến khi lên bờ, cô nở nụ cười thở phào nhẹ nhõm, trên tay cô là một tờ giấy “phê đúp” - “May quá! Bài văn của em vẫn còn, chữ không bị nhòe lắm, vẫn đọc được tốt. Cô định giữ lại để làm bài văn mẫu cho các khóa sau”… Không hiểu sao lúc ấy nước mắt tôi ở đâu cứ trào ra liên tục, không ngớt. Vì tôi thương cô quá, vì cảm động bởi sự chân thành của một nhà giáo, vì niềm tự hào trong tôi hay tôi đang run run vì lạnh. Tôi cũng không biết nữa…

Ngày qua ngày, cô giáo hàng xóm của tôi vẫn đến lớp cho tới hôm nay. Một tay cô kiếm tiền nuôi cả gia đình với đồng lương sư phạm. Những lúc rảnh, cô tranh thủ việc đồng áng. Hai đứa con của cô đều vào đại học, rất ngoan ngoãn và thương cô. Kinh tế gia đình cô cũng khá lên nhiều vì năm nào cô cũng đạt giáo viên xuất sắc của huyện, của tỉnh. Mừng thay, chồng cô giờ biết điều hơn trước và biết phụ giúp cô những việc trong gia đình. Xóm làng ai nấy đều khen cô giáo của tôi giỏi việc nước đảm việc nhà, gia đình êm ấm hòa thuận.

Giờ đây, xã hội chúng ta đã đẩy mạnh và phát triển giáo dục hơn xưa. Ngành giáo dục có những chính sách quan tâm và hỗ trợ giáo viên với mong muốn lấy đạo học làm gốc. Tuy nhiên, vẫn có sự khắt khe trong tuyển chọn giáo viên và còn tiêu cực thi cử ở nhiều nơi. Bạn bè tôi có người làm nghề sư phạm, có người vừa ra trường sắp vào nghề sư phạm . Họ vẫn thường kêu ca với tôi rằng nghề này nghèo lắm, lương dạy hợp đồng ít ỏi, thi biên chế giáo viên nhiều bon chen, cạnh tranh, áp lực chỉ muốn nghỉ việc. Tôi đem câu chuyện của cô kể với họ bằng sự say sưa, đôi mắt xa xăm hồi tưởng về những ngày tháng học trò tươi đẹp. Đâu đây có dư vị của ngày Nhà giáo năm ấy…

“Có những bài ca nghe rạo rực lòng người

Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em người giáo viên nhân dân

Tâm hồn em tươi mát xanh như tán lá bàng

Trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ”

Nghề giáo cần lắm một trái tim yêu nghề, cần lắm niềm say mê và tinh thần đầy nhiệt huyết!

Đỗ Vân

Ý kiến

()