Chúng ta

Chuyến thiện nguyện thứ ba

Thứ tư, 25/3/2015 | 12:26 GMT+7

Mặc áo và trao hết quà cho các cháu, cô giáo phụ trách cảm ơn đoàn và nói to trước toàn trường: “Vậy là thứ Hai tới, trường mình sẽ có áo đồng phục để chào cờ rồi”. Tôi đã rất kiềm chế mà khóe mắt thấy cay cay.

Những em bé H’Mông

Với ánh nhìn trong vắt

Nụ cười tươi xóa giá trời lạnh ngắt

Đủ ấm lòng những vị khách xa xôi...

Đây là lần thứ ba liên tiếp FPT IS PFS có chuyến đi từ thiện đến các cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc. Và lần nào cũng đều đọng lại trong tôi những cảm xúc, trải nghiệm khó quên.

Cuộc sống thường nhật hối hả với hàng núi công việc từ đấu thầu, doanh số, lợi nhuận, quỹ thu nhập, claim của khách hàng, rồi đến tâm tư, nguyện vọng của anh em khiến tôi không lúc nào dứt ra được... Cuối cùng thì, ơn giời, tôi đã có thể lên đường! 

Xe khởi hành từ Keangnam từ 4h, di chuyển liên tục 10 giờ mới dừng chân nghỉ. Một kỷ lục đối với cá nhân tôi. Đứng dưới thác Bản Giốc, chợt nghĩ miên man. Tôi chỉ biết về thác Bản Giốc qua hình ảnh trên bản tin thời tiết của VTV. Hình như sau này, khi đã phân định biên giới thì người ta cũng đã bỏ hình ảnh đó trên tivi rồi. Thác rất đẹp, thật là một món quà quý của thiên nhiên ban tặng.

Một con suối, mỗi bên khai thác một bờ. Nhìn sang bên kia, thấy thật quy củ. Nhìn bên mình, tự nhiên chạnh lòng. Rồi tự an ủi, yên tâm đi, khi Việt Nam giàu rồi, bọn tôi sẽ làm hoành tráng hơn các bạn.

Tạm biệt Bản Giốc, cuộc hành trình lại tiếp tục đến gần 22h mới tới điểm hẹn. Đường miền núi quanh co, khúc khuỷu, cua tay áo liên tục. Cả đoàn say xe quá nửa. Chị em thì không nói làm gì, nhưng mấy cậu trai trẻ cùng đoàn thật thất vọng. Lúc mới lên xe, chém gió phần phật, cứ tưởng khỏe mạnh, hoành tráng lắm. Thằng nào cũng ra sức lấy điểm với em gái bộ phận truyền thông. Vậy mà lúc xuống xe người như tàu lá. Tôi thì chẳng vấn đề gì, nhìn chúng nó mà tự nhiên bật một nụ cười khẩy: “Bản lĩnh đàn ông là ở đây chứ đâu nữa”.

Trước đó hàng tháng, một số anh em đã bắt tay vào việc chuẩn bị cho chuyến đi. Kinh phí được góp từ tiền phạt vi phạm kỷ luật lao động (đi muộn, không check out, khai thiếu timesheet) và huy động từ lòng thiện nguyện của anh em. Lần này là phát quà cho gần 300 cháu học sinh Tiểu học Nà Mấu, xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Các thầy cô đã đợi đoàn gần 3 giờ. Ai cũng trẻ trung, cởi mở. Các cô giáo tuy không trang điểm như chị em ở FPT IS nhưng họ có nét gì đó thật đặc biệt, rất riêng. Sau cái bắt tay, sự ngại ngùng đã không còn. Rượu ngô rót ra, thơm nồng men lá, tất nhiên có quá nhiều lý do mà không thể chối từ. Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thấy rượu có vị ngọt. Mỗi chén rượu, một cái bắt tay. Hơi ấm như truyền cho nhau trong đêm lạnh nơi núi rừng. Bây giờ, khi ăn cỗ ở một số tỉnh miền Bắc, tôi cũng thấy người ta thường bắt tay nhau. Nhưng cứ thấy nặng về thủ tục hay sao ấy, chứ không đủ chân thành như vậy.

Cuộc giao lưu rồi cũng tàn lúc 1h30 sáng. Đi bộ về khách sạn trên con đường trong thị trấn, phố vắng lặng, bước thấp bước cao, sương sớm phả vào mặt, lòng lâng lâng khó tả. Có lúc thấy quá khích, suýt nữa hét lên. Thấy yêu khoảng thời gian được sống với lòng mình.

Sáng hôm sau, chúng tôi vào điểm trường cách chỗ nghỉ gần 10 km mà mất tới gần một giờ đi xe máy. Khoảng cách địa lý thế thôi mà khoảng cách giàu nghèo và văn hóa thì lớn vô cùng. Các thầy cô chỉ về nhà hoặc về thị trấn vào cuối tuần. Họ sống trong những căn phòng tập thể dựng tạm bằng tre, gỗ nghèo nàn mà không có điện. Hai lớp chung một phòng học, chia đôi thành hai dãy, một lớp thì thầy cô và bảng đen đầu này, một lớp thì đầu kia. Các cháu học sinh phần lớn là chân không dép, nhiều cháu chỉ mỗi chiếc áo mỏng, chân trần giữa đông lạnh giá. Cứ ngồi ở Hà Nội, thì trí tưởng tượng có phong phú đến mấy cũng không hình dung được cảnh này.

Khi đoàn đến trường, các cháu đã tập trung đông đủ. Những ánh mắt ngây thơ, pha chút rụt rè ban đầu đã nhường chỗ cho sự hồn nhiên, vui vẻ, thậm chí cuồng nhiệt khi được chơi các trò chơi do đoàn dẫn dắt.

Và rồi, phần quan trọng nhất đã đến. Sau màn chào hỏi, phát biểu của đoàn và trường, từng lớp một, từ nhỏ đến lớn, mỗi cháu đều được nhận quà. Bộ quà tặng có giá trị không lớn nhưng cũng đầy đủ gồm áo đồng phục, áo khoác, cặp sách, hộp bút, vở, bánh kẹo, dép xốp. Quà phát tận tay, áo được mặc cho từng cháu. Tôi cảm thấy rất rõ sự vui tươi, hồ hởi khi nhìn vào những đôi mắt trong veo của chúng.

Khi ở nhà, đoàn đặt mua áo cho các cháu theo lứa tuổi từng lớp. Nhưng lúc mặc áo, một vài cháu lớp 1 phải đổi áo của lớp 5 mới vừa do các cháu này theo tuổi thì phải là lớp 5, nhưng vẫn đang ở lại lớp 1. Đấy, đôi khi mình bỏ qua một số cái nhỏ nhưng hậu quả thì chưa biết chừng. Cũng may là có áo mà đổi được. Có thể sử dụng bài học này cho việc phân tích yêu cầu khi làm phần mềm nhỉ?

Mặc áo và trao hết quà cho các cháu, cô giáo phụ trách cảm ơn đoàn và nói to trước toàn trường: “Vậy là thứ Hai tới, trường mình sẽ có áo đồng phục để chào cờ rồi”. Tôi đã rất kiềm chế mà khóe mắt thấy cay cay.

Chuyến đi thành công tốt đẹp, các thành viên đoàn ai cũng vui. Vui vì đã được thay mặt anh em công ty góp phần làm được một việc có ích cho cộng đồng. Vui vì có được những trải nghiệm tuyệt vời.

Đất nước ngày càng phát triển, thì khoảng cách giàu nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần cũng ngày càng lớn. Dù gì thì tôi cũng ước một ngày nào đó, gần đây thôi, giống như ở Hà Nội bây giờ, các em học trên mọi miền của Tổ quốc, đều được đến trường trong ngày khai giảng với bộ đồng phục mới tinh, trên đôi chân giầy dép đầy đủ và chiếc cặp sách có nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh trên lưng.

Biết bao giờ nhỉ?

Trần Phong Lãm

Ý kiến

()