Chúng ta

Chuyến tàu giáo dục

Thứ sáu, 15/12/2017 | 09:28 GMT+7

Sinh viên Việt Nam luôn được đánh giá là những người tràn đầy nghị lực và có khả năng nhất Đông Nam Á.

Công tác trong lĩnh vực tuyển sinh, một trong những câu hỏi tôi thường đặt ra cho học sinh khi giao lưu trực tiếp là liệu các em có thực sự hiểu sự khác nhau giữa học sinh và sinh viên là gì hay không? Đều là người đi học thì hai khái niệm đó khác nhau điều gì?

Đáp lại tôi thường là 100% ánh nhìn ngơ ngác, rụt rè. Trong những ánh mắt đó, một phần học sinh thực sự không biết câu trả lời, một phần thì biết câu trả lời nhưng không dám phát biểu, vì… sợ sai.

Thiếu sót lớn nhất giáo dục hiện nay không phải là thiếu hụt tiến sĩ, thạc sĩ hay giáo trình quốc tế; mà là thiếu mô hình dạy có độ chuyển, với mục đích trang bị cho một học sinh có thể sẵn sàng trở thành một sinh viên ngay từ ghế phổ thông, chuyển dần học sinh từ người học bị động sang người học chủ động, trở thành sinh viên ngay từ sớm.

Sinh viên Việt luôn được đánh giá là những người tràn đầy nghị lực và có khả năng nhất Đông Nam Á. Nhưng vị thế của Việt Nam lại luôn trì trệ, bởi giáo dục Việt vẫn kẹt trong tư duy cũ kỹ với cái mác tìm kiếm cải cách vốn đang ngày càng xa vời. Sự hiện diện và đóng góp đa dạng của giới trẻ đang dần lớn mạnh hơn bao giờ hết đối với sự phát triển nhưng vẫn còn tương đối mờ nhạt giữa khu vực và ít được đánh giá đúng với giá trị mà nó mang lại.

Giới trẻ cần được định hướng đúng và được tạo cơ hội để trở thành yếu tố có nội lực hùng hậu nhất để có thể tạo ra đột phá trong nỗ lực hiện đại hóaViệt Nam.

Học sinh, sinh viên hay giới trẻ nói chung, đa số bị tước đi cơ hội đóng góp và phát triển tiềm năng bởi tư duy giáo dục kiềm hãm sự tự tin mà chính nền giáo dục cũng không nhận thức được. Cơ hội không chỉ dành cho một bộ phận trong tư duy “trường điểm”, mà cần được làm cho lan tỏa rộng rải, trở thành một xu thế, một thói quen, một yếu tố mặc định, một yếu tố “must” trong giáo dục hiện đại.

Có lẽ chúng ta đã trễ chuyến trên con tàu xu thế phát triển đáng ra chúng ta có thể ở trên từ lâu như cách Singapore đã định hướng để họ có thể ở điểm đến như hiện tại. Chuyến tàu tiếp theo đang đến, và người ta đồn rằng nó mang tên 4.0. Truyền thông, doanh nghiệp, từ người dân đến lãnh đạo đang mãi nhắc về chuyến tàu lung linh ấy. Xem xem liệu chúng ta có trễ chuyến lần nữa không.

Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay ko, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không”, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải đặt ra một điểm đến cho sự phát triển của đất nước, mà là đặt ra một định hướng cho sự phát triển đó. Và trên con đường như vậy cần sự góp mặt của tất cả, không có sự trì hoãn, không có sự kiềm hãm, và thứ văn hóa không dám làm, chụp giật, ăn xổi, an nhàn vốn không dễ khắc phục khi đã ăn sâu vào cả một thế hệ vốn vẫn đang ảnh hưởng lên cố gắng thay đổi của đất nước, cần được xóa bỏ.

Giới trẻ Việt Nam đã sẵn sàng rồi, họ chỉ cần một cú hích mang tính chính thức nữa thôi.

>> Phổ cập sáng tạo

Nguyễn Duy Linh

Ý kiến

()