Chúng ta

Chuyện sa thải

Thứ bảy, 19/12/2015 | 09:59 GMT+7

Sáng nay đọc tin thấy HLV người Bồ Đồ Nha Jose Mourinho chính thức bị CLB Chelsea sa thải, lòng cảm thấy buồn và chợt nghiệm ra nhiều điều.

Mourinho sa thải có người ủng hộ, kẻ phản đối. Cả hai ý kiến đều có lý lẽ. Còn tôi giữ quan điểm: Nếu giải pháp này thực sự đưa Chelsea trở lại mạch chiến thắng thì nó xứng đáng được các ông chủ đưa ra ở thời điểm này. Bất chấp tài năng của HLV Mourinho là không thể bàn cãi. Bởi trong bóng đá hiện đại, kết quả là cái giá trị nhất, đặc biệt đối với những đội bóng giàu có như Chelsea. 

Bóng đá hiện đại rất khắc nghiệt dành cho tất cả HLV. Có những trường hợp bị sa thải khiến người hâm mộ bất ngờ, thậm chí cầu thủ không hay biết. Điển hình cũng tại CLB Chelsea, HLV người Italia Carlo Ancelotti có mùa giải đầu tiên dù rất thành công nhưng mùa thứ 2 đã bị sa thải ngay trong đường hầm sau thất bại 0-1 trước Everton. Hay HLV Vladica Petrovic bị CLB FK Drina Zvornick, Bosnia sa thải qua Facebook...

Rõ ràng, HLV không phải là người chịu hoàn toàn trách nhiệm với những kết quả tệ hại của đội bóng. Nó đến từ nhiều yếu tố khác nhau như chính sách chuyển nhượng, thái độ thi đấu, phong độ của cầu thủ, và thậm chí không có tiếng nói chung với ông chủ đội bóng... Nhưng nhìn chung, HLV luôn trở thành trung tâm của mọi chỉ trích và lãnh mọi trách nhiệm một khi đội bóng không đạt kết quả tốt. Nhiều HLV đã phải chấp nhận từ chức trước khi có lệnh "trảm" từ Ban lãnh đạo đội bóng.

Từ chuyện sa thải trong bóng đá, ta có thể suy rộng ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở một số thống kê, lượng nhân viên trong các công ty nước ngoài bị sa thải cao hơn Việt Nam hoặc từ chức cũng cao hơn. Họ luôn có quan điểm theo kiểu "Cái gì không thể làm tốt thì hãy để người khác đứng lên làm". “Từ chức và sa thải” có thể tạo ra bàn đạp để một tập thể đi lên.

Minh chứng ở Nhật, lãnh đạo cần làm việc hết sức nhưng không thấy hiệu quả thì vẫn phải tự từ chức, giải tán để nhường chỗ cho người khác thay thế. Một người đứng đầu chỉ cần nói không hợp lý cũng phải từ chức vì cảm thấy xấu hổ. Lãnh đạo một quốc gia phải biết nói xin lỗi người dân công khai về những việc chưa làm tốt. Trong một doanh nghiệp hay tập đoàn tập đoàn cũng vậy, lãnh đạo phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo, không bị chi phối tình cảm. 

Ở Việt Nam chúng ta thường thấy khái niệm “tự kiểm điểm”, “ tự khiển trách”... mà theo cách nói truyền thống là hình thức ngụy biện, hình thức. Một khi người ta không còn nỗi lo mất chức vụ hoặc lợi ích thì người ta cũng khó thay đổi sai lầm.

Chuyện Mourinho bị sa thải đã gợi mở nhiều vấn đề, bởi ông rất tài năng và được kiểm chứng ở nhiều CLB hàng đầu thế giới. Nhưng dù giỏi cách mấy thì cũng có lúc thành công, cũng có lúc thất bại. Sai thải vẫn là sa thải. Quyết định này rõ ràng có lợi cho cả cá nhân chiến lược gia người Bồ và CLB Chelsea.

Nguyễn Tấn Việt

Ý kiến

()