Chúng ta

Chuyện ngủ trưa và 'mâu thuẫn giả'

Thứ sáu, 13/6/2014 | 12:28 GMT+7

Đọc các bài viết về việc cấm ngủ trưa, thấy hứng thú muốn bàn một số điểm. Khi có tình huống mâu thuẫn, chúng ta cảm thấy bế tắc. Lời giải thường là phải hy sinh một bên, hoặc chọn phương án thỏa hiệp, mỗi bên chịu một ít.
> FPT IS ơi, ngày ấy còn đâu! / FPT chuyên nghiệp trong mắt ai?

Đọc các bài viết về việc cấm ngủ trưa, thấy hứng thú muốn bàn một số điểm. Đại khái có 4 lý do được nêu ra cho việc cấm ngủ trưa:

1. Khách hàng bị sốc vì cảnh ngủ trưa.

2. Ngủ trưa không tái tạo sức lao động.

3. Người ngủ trưa tắt đèn làm ảnh hưởng người khác.

4. Nếu ngủ trưa ở Việt Nam thì sẽ mang văn hóa ngủ trưa ra nước ngoài làm ảnh hưởng xấu.

Với lý do thứ hai, các luận điểm được đưa ra không thuyết phục. Khi nói “nếu bạn tin rằng ngủ trưa để tái tạo sức lao động thì hãy chứng minh cho tôi thấy những người ngủ trưa có năng suất lao động cao hơn những người không ngủ trưa” thì cũng giống như “nếu bạn tin rằng đeo kính nhìn rõ hơn thì hãy chứng minh người đeo kính mắt tinh hơn người không đeo kính”. Nếu so sánh thì phải so sánh năng suất của cùng một người, khi có ngủ và khi không ngủ. Nói chung câu chuyện “ngủ trưa có ích hay không?” là việc khoa học chưa chứng minh được. Công ty có thể cấm ngủ trưa hay bất kỳ việc gì khác, nhưng không phải vì lý do “vô ích”. Thiếu gì việc vô ích hơn (ví dụ chơi game) mà có bị cấm đâu?

Lý do thứ ba có thể giải quyết rất đơn giản, giống như trên máy bay: Không tắt đèn, ai muốn che sáng thì đeo mặt nạ che mắt. Và bịt cả tai nếu sợ ồn khi những người khác vẫn chuyện trò.

Lý do thứ tư thì có thể kiểm chứng qua thực tế. Việc “làm xấu hình ảnh” hay “bị trả về” do ngủ trưa chắc cũng có, nhưng chưa đến mức phải ra chính sách. Hơn nữa, người Việt có tính thích nghi cao và ngại Tây, cho nên ra nước ngoài cũng thường quan sát xung quanh rồi làm theo chứ không dám hành xử như ở nhà.

Lý do đầu tiên là có thật. Đây có lẽ là lý do chính, vì cơ sự từ đây mà ra. Tuy nhiên, nó có thể là mâu thuẫn giả, và công ty có thể giải quyết được mà cả hai bên đều thỏa mãn.

Mâu thuẫn giả

Phương pháp luận sáng tạo có hệ thống SIT (Systematic Inventive Thinking) chỉ ra một không gian rất rộng cho sáng tạo, đó là khi có “mâu thuẫn giả” (false contradiction).

Khi có tình huống mâu thuẫn, chúng ta cảm thấy bế tắc. Lời giải thường là phải hy sinh một bên, hoặc chọn phương án thỏa hiệp, mỗi bên chịu một ít. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, mâu thuẫn là giả. Và ta có thể tìm được lời giải sáng tạo cho nó, tức là đáp ứng được cả hai bên. Thành ngữ Nga gọi là “Sói thì no mà cừu thì vẫn nguyên”.

Tại sao ta lại nghĩ một mâu thuẫn là thật? Đó là do ta có sẵn các giả định ngầm (implicit assumption). Một ví dụ: Trong trò chơi, hai người chơi sẽ phải chộp một quả cam được tung lên trời, ai không bắt được sẽ phải đàm phán với người kia để có quả cam. Một người chơi được mật báo là nước cam sẽ giúp chữa lành bệnh cho con mình, người còn lại được tiết lộ là mứt từ vỏ cam sẽ cứu sống vợ anh ta. Mỗi người không biết người kia được thông báo gì. Khi quả cam được tung ra và một người bắt được, hai bên đàm phán rất gay gắt, vì mỗi người đều có giả định ngầm về mục đích của người kia. Ai cũng tưởng là người kia cần cả quả cam. Thường mất rất nhiều thời gian, hai bên mới đi đến lời giải win-win: Mỗi người chỉ lấy phần của quả cam mà mình cần.

Làm sao để tìm được mâu thuẫn giả? Mâu thuẫn giả bao gồm hai luận điểm (argument) và một liên kết yếu (weak link). Thường thì một luận điểm là yêu cầu về lợi ích, cái kia là giá phải trả để có lợi ích đó (không nhất thiết tính ra tiền). Nếu tìm được và gỡ bỏ weak link, ta sẽ có lời giải sáng tạo.

Ví dụ: Một công ty cần làm hệ thống nhận tín hiệu gồm bệ và ăng-ten để đặt ở vùng hẻo lánh. Yêu cầu đặt ra là hệ thống phải đủ nhẹ để chuyên chở bằng sức người (vùng hẻo lánh không dùng xe được), nhưng phải đủ chắc để chịu bão tuyết. Mâu thuẫn: Hệ thống ăng ten phải đủ chắc (lợi) để chống được bảo nhưng đồng thời phải đủ nhẹ (giá) để vác được. Hai luận điểm được bôi đậm, còn liên kết yếu chính là chữ “đồng thời”, và lời giải là: Bệ nhẹ nhưng có bề mặt xù xì, sau khi lắp đặt, băng sẽ bám vào và bệ trở nên nặng và chắc chắn. Việc bệ phải nhẹ (khi vác) và chắc (khi đã lắp đặt) không xảy ra đồng thời. Lời giải sáng tạo đã phá bỏ liên kết yếu, và không phải thỏa hiệp (nặng hơn một chút, bớt chắc đi một tý).

Quay lại lý do thứ nhất của chuyện cấm ngủ trưa. Liệu ta có thể phát biểu nó như một mâu thuẫn giả? Liên kết yếu là ở đâu?

  Phan Phương Đạt

Ý kiến

()