Chúng ta

Chuyển giao công nghệ trong một câu nói

Thứ năm, 23/2/2017 | 09:50 GMT+7

Hồi học phổ thông, tôi được nghe kể chuyện về chuyển giao công nghệ làm thủy tinh. Đại khái, bên mua trả rất nhiều tiền để mua bí quyết làm thủy tinh không có bong bóng, và nhận được vỏn vẹn mấy chữ: khi nấu phải khuấy.

Gần đây, anh Hùng Viettel có lần chia sẻ, đại ý: Nghe “chuyển giao công nghệ” thấy kinh, nhưng thực tế có khi công nghệ được chuyển giao chỉ trong một lời nói! Tại sao? Hiện nay, mỗi người có thể dễ dàng tiếp cận với kho tri thức khổng lồ trên mạng, trong sách, trong các khóa học... và do đó có thể tự trau dồi đến 90% tri thức của gần như bất kỳ vấn đề nào. Nhưng 10% còn lại thì phải gặp cao thủ để được chuyển giao. Nếu mình đã suy nghĩ, trăn trở lâu về một vấn đề, có khi chỉ một câu nói của cao thủ là đủ nắm bắt được 10% còn lại!

Tôi về kể cho bà xã, cô ấy bảo: "Điều rất giống với chuyện làm bánh của em. Làm theo công thức, kiểu gì cũng thấy chưa ưng, loay hoay suy nghĩ mãi. Tình cờ một hôm vào diễn đàn (forum) nước ngoài và xem chủ đề (topic) liên quan, thấy một cao thủ trên đó nhắc đến đúng một từ, đọc xong ngộ ra liền, làm theo quả nhiên bánh đã hoàn toàn như ý".

Ngẫm ra trong công việc của bản thân cũng vậy, nếu mình vật lộn, trăn trở với một vấn đề và luôn chú ý quan sát, khả năng lớn là sẽ tìm ra lời giải. Ví dụ, việc đào tạo nhân viên mới trước đây của FPT Software, sang Infosys thấy họ bảo “với nhân viên mới, việc hằng ngày lên lớp điểm danh đúng giờ quan trọng không kém việc học”, hiểu ngay vì sao không nên dùng e-learning trong việc này. Hay việc “dỗ” học viên FUNiX bây giờ, loay hoay mãi, đến khi gặp đồng nghiệp Mỹ hé ra từ khóa là lập tức xây dựng được phương pháp luận.

Quan trọng là luôn muốn làm tốt hơn, luôn để ý tìm, vì sự “khai sáng” sẽ đến rất bất ngờ.

>> Gửi sáng tạo ẵm phần thưởng 70 triệu đồng

Phan Phương Đạt

Ý kiến

()