Chúng ta

Chuyện đổi avatar Facebook sang màu cờ Pháp

Thứ ba, 17/11/2015 | 10:25 GMT+7

Tôi không đổi avatar Facebook sang màu cờ Pháp, nhưng cũng như những Facebookers khác đã tiến hành đổi ảnh đại diện, tất cả đều có lý do.

Facebook những ngày cuối tuần ngập tràn sắc xanh, đỏ và trắng - màu của lá cờ Pháp. Việc cho phép người dùng có thể thay đổi tạm thời hình đại diện của mình trong trường hợp này thể hiện khả năng bắt kịp rất nhanh các hiện tượng, sự kiện nổi bật của Facebook, tương tự việc cập nhật chức năng “Tôi an toàn tại Nepal” hồi tháng 4 vừa qua.

Dân mạng lại được phen ồn ào vì chuyện nên hay không nên đổi avatar sang màu cờ Pháp. Người lập tức bấm nút “dùng thử”, người lưỡng lự chờ đợi, người im lặng bỏ qua, người lại đăng đàn bàn luận tại sao chỉ nước Pháp mới được thương tiếc hoặc chỉ trích những người khác đã thay đổi hình đại diện.

Tôi không đổi avatar Facebook sang màu cờ Pháp, nhưng cũng như những Facebookers khác đã tiến hành đổi ảnh đại diện, tất cả đều có lý do.

Sự kiện khủng bố cuối tuần qua tại Paris đã gây chấn động thế giới, không phải chỉ nằm ở con số thương vong, mà nó chỉ ra một thực tế kinh hoàng rằng: “Bạn có thể bị bắn chết ngay trong lúc ăn tối, không vì bất cứ lý do gì”. Và khác với những vụ đánh bom, xả súng... tại Syria, Iraq hay Lebanon, lần này nó xảy ra ở một đất nước văn minh, hòa bình, nơi cả thế giới biết đến với tên gọi Kinh đô hoa lệ. Điều đó làm tăng thêm sự hoang mang cho tất cả chúng ta dù cách xa hàng chục, hàng trăm nghìn cây số. Và bởi vậy, cầu nguyện cho nước Pháp cũng là cầu nguyện cho chính chúng ta, bởi không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. 

Nếu phải lựa chọn một “điểm nóng” để truyền thông, Facebook có lý do riêng khi tạo ra tính năng cập nhật avatar vào lúc Paris gặp nạn thay vì cho tất cả các sự kiện khủng bố vẫn đang diễn ra ở một số nước Trung Đông. Và theo tôi, việc đó không có nghĩa người Paris thì đáng thương hơn người Beirut.

Việc đổi avatar Facebook ba màu chỉ là một trong những cách để thể hiện sự quan tâm, tình cảm và hướng tới nước Pháp trong thời điểm này. Cũng có thể ai đó cập nhật hình đại diện theo “trào lưu”, nhưng tôi nghĩ phần đa những người bấm nút “dùng thử” đều không bàng quan với sự việc, ở một mặt nào đó, họ có những cảm xúc riêng, suy nghĩ riêng mà tôi cần tôn trọng. Và ngược lại, không đổi avatar không có nghĩa tôi vô cảm hay đang bỏ qua dòng sự kiện. 

Một tính năng mới trên mạng xã hội, tôi có thể sử dụng hoặc không. 

Mai Thanh Vân

>>  Mình có yêu người Pháp hơn người Li-băng?

Ý kiến

()