Chúng ta

Chọn hào quang quá khứ hay chọn sự thay đổi?

Thứ hai, 25/5/2015 | 18:27 GMT+7

Trong thời đại mà sức sáng tạo trở thành động lực cho sự phát triển, người ta phải luôn tìm cách hướng đến cái mới thậm chí ngay khi sự hoàn hảo cũ vẫn còn đang ở đỉnh cao.

Trong số vô vàn lời ca ngợi Lý Quang Diệu khi nhà kiến quốc vĩ đại của đất nước Singapore qua đời vào cuối tháng 3, chi tiết khiến tôi ấn tượng hơn cả là ước nguyện của ông về ngôi nhà của mình.

Tọa lạc tại số 38 đường Oxley, căn nhà dù cũ kỹ và ít được sửa chữa nhưng có giá trị không hề nhỏ đối với Lý Quang Diệu và cả đảo quốc sư tử. Đây chính là nơi họ Lý bắt đầu cuộc sống hôn nhân với người vợ Kha Ngọc Chi. Suốt nhiều năm căn nhà này từng là nơi họp mặt của cả gia đình họ Lý, trong đó có đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long. Cũng chính tại phòng ăn tầng 1, những người sáng lập đã bàn về việc thành lập đảng Hành động Nhân dân - đảng phái chính trị đã cùng họ Lý thay đổi lịch sử Singapore.

Khi Lý Quang Diệu vĩnh viễn trở thành con người của lịch sử, rất nhiều người dân Singapore muốn ngôi nhà này thành một bảo tàng về cuộc đời của ông. Nhưng họ Lý thì không, ông yêu cầu chính phủ phá dỡ ngôi nhà sau khi ông chết. Ông giải thích với các phóng viên tờ Strait Times: “Do căn nhà của tôi mà các ngôi nhà xung quanh không được xây cao. Nếu ngôi nhà bị phá vỡ và các điều luật về quy hoạch được điều chỉnh, giá trị của đất đai sẽ tăng lên”.

Không ai nghi ngờ tầm vóc vĩ đại của Lý Quang Diệu cũng như những gì ông đã làm cho đất nước Singapore. Vị cha già của Singapore biết rõ rằng, đảo quốc sư tử nhỏ bé đến mức chỉ cần một thoáng ngập ngừng không dám vươn lên cũng có thể đe dọa đến sự thịnh vượng đang có. Nếu hòn đảo là quá hẹp để người ta có thể lãng phí một khu vực đất đai rộng lớn xung quanh căn nhà, thì căn nhà phải được dỡ bỏ. Cần đài tưởng niệm Lý Quang Diệu ư? Tôi tin rằng nếu Singapore giữ được sự năng động và thịnh vượng thì cả đảo quốc này đã là một đài tưởng niệm vĩ đại. Họ Lý đã biến sự vĩ đại trở thành trọn vẹn khi ông đặt nhu cầu tưởng nhớ của mọi người đến mình thấp hơn sự phát triển của đất nước mình sáng lập.

Không dễ để chúng ta có thể duy lý được như cách Lý Quang Diệu đã làm. Tôi may mắn có dịp tiếp xúc với khá nhiều nền văn hóa công việc khác nhau và đã không ít lần chứng kiến sự vĩ đại của quá khứ cản trở bước phát triển đến tương lai.

Công ty nào tồn tại đủ lâu cũng đều từng có một mô hình hợp lý, thậm chí là hoàn hảo trong quá khứ và cũng đều phải ứng phó với sự thay đổi. Để bảo vệ một cái cũ dù lỗi thời đến mức nào, luôn có người sẵn sàng lập luận theo công thức đơn giản: Các cụ (các thầy, các sếp, các bậc tiền bối…) từ trước đến nay vẫn làm như vậy đấy thôi, nếu sai thì chả nhẽ các cụ sai cả.

Rất khó để ai đó có thể đẩy tiến độ giải quyết công việc đi nhanh hơn khi phải đối mặt với cách lập luận kiểu “mượn vai người khổng lồ” như thế. Trong văn hóa Á Đông lại càng khó: Chúng ta vốn luôn đề cao việc con nghe lời cha, trò nghe lời thầy. Tập quán suy nghĩ đó khiến cho kẻ muốn tư duy theo lối mới rất khó nhận được sự thông cảm. Vì thế rất nhiều người sẽ dừng lại, nhắm mắt lắc đầu và… không làm gì.

Nhiều đơn vị mất dần tính sáng tạo để trở thành “kẻ thất bại" theo cách đó, khi con người của họ bắt đầu tôn thờ một công thức thành công nào đó đã từng hoàn hảo trong quá khứ đến mức không dám thay đổi trong hiện tại. Họ không thừa nhận rằng tài sản lớn nhất mà bậc tiền bối để lại cho con cháu không phải là những tượng đài vô tri mà là những con người có năng lực phát triển và đáp ứng với mọi sự thay đổi. “Kẻ thất bại” níu kéo hào quang quá khứ một cách không hợp lý khi thời cuộc đã thay đổi, vì thế, họ biến di sản của người đi trước trở thành lực cản chắn đường thế hệ sau, biến sự tôn kính bậc tiền bối trở thành bất kính.

Trong thời đại mà sức sáng tạo trở thành động lực cho sự phát triển, người ta phải luôn tìm cách hướng đến cái mới thậm chí ngay khi sự hoàn hảo cũ vẫn còn đang ở đỉnh cao. Nhìn từ một góc độ rất hẹp, tôi đã thấy điều đó trong hội diễn Hợp ca tranh tài tối 21/5 tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội.

Khi ngôi quán quân rút gọn chỉ còn là cuộc so kè giữa FPT Retail và FPT Education, không ít người đã "đặt cửa" cho đơn vị ngành Bán lẻ. Họ có cơ sở để làm vậy bởi FPT Retail đã nâng cấp một cách hoàn hảo phần trình diễn nhạc đỏ của mình, từ giọng ca chủ lực đến bè phối và múa phụ họa. Nhạc sĩ Trương Quý Hải, với cái hồn FPT trong thân xác một vị giám khảo công bình, đã phải tấm tắc cho rằng tiết mục của FPT Retail mang đậm chất FPT từ cái thủa ban đầu cách đây tròn 10 năm. Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo cũng bước lên sân khấu trao tặng giải thưởng của riêng anh cho giọng lĩnh xướng làm anh xúc động nhất trong buổi diễn. Khán giả hiểu rằng phần diễn của FPT Retail đã lấy được hoàn toàn cảm xúc của những người gắn bó lâu năm với FPT, một cách hoàn hảo.

Tôi không nghĩ như vậy. Tôi tin rằng sự xúc động đến từ hoài niệm, dù là của chính Ban giám khảo, cũng không phải yếu tố chính để được vinh danh trong Hợp ca tranh tài. Dù FPT Education không có một giọng ca vượt trội, sự đồng đều và tinh thần tập thể mới là yếu tố khiến đơn vị ngành Giáo dục gần hơn với tinh thần của buổi diễn. Tôi đặt cược vào sự không hoàn hảo trong màn trình diễn dân ca mang đậm suy tư thời cuộc của FPT Education. Nếu so sánh, FPT Retail tiệm cận hơn với sự hoàn hảo, nhưng ngôi vị cao nhất nên dành cho người biết được hiện tại và chủ động đón được tương lai.

Tôi đã chiến thắng với phần cá cược của mình. Cuộc cá cược không đem lại cái gì “quy ra thóc”. Nhưng tôi biết mình đã có phần thưởng, bởi ít nhất tôi cũng được chứng kiến thêm một lần sự hoàn hảo của hiện tại chấp nhận về nhì, sau những trăn trở cho tương lai.

Lê Ngọc Hoan

Ý kiến

()