Chúng ta

Chia sẻ cái gì đây?

Thứ ba, 31/5/2016 | 15:36 GMT+7

Hôm nay, mọi người liên tục hỏi nhau như thế. Mạng xã hội tồn tại làm quái gì nếu không để chia sẻ, từ quan điểm cho đến cuộc sống. 

Tại sao Mark Zuckerberg trở thành tỷ phú? Vì anh đã tạo nên siêu phẩm của thời đại. Trên cái gọi là “dòng thời gian” của Facebook hay bất cứ mạng xã hội nào, người ta chỉ cần rê chuột, quét ngón tay là chạm đến bất cứ nơi nào họ muốn. Muốn vui có vui, muốn buồn có buồn, muốn thổn thức có thổn thức. Muốn bất ngờ có bất ngờ. Và tất nhiên, muốn tranh luận là có ngay tranh luận.

Ở quốc gia láng giềng của chúng ta, mọi động thái trên mạng xã hội (của riêng họ) bị kiểm soát gắt gao. Chỉ cần vô tình có một từ ngữ nhạy cảm, có thể bạn sẽ trở thành con mồi của lực lượng chức năng. Ở đất nước chúng ta đang sống, Facebook, Twitter được cho phép sử dụng, dù không mấy hoan nghênh.

Nhưng dù thế nào thì việc nhấn nút chia sẻ trên mạng xã hội cơ bản là quyền con người. Cũng giống như bạn muốn quyên góp tiền, chia sẻ với trẻ em bất hạnh, đó là quyền của bạn. Còn người khác không làm điều đó cũng không có nghĩa họ ăn ở thất đức. Ý tôi cũng ngụ rằng khi bạn chia sẻ cũng chưa chắc bạn đã là người tốt lành thật sự. Cuộc sống muôn mặt mà. Mỗi người có quan điểm riêng cần được tôn trọng. Tất nhiên những người có ý thức luôn biết cách chia sẻ một cách có trách nhiệm. 

Dư luận cũng vậy. Những người làm truyền thông có quyền định hướng dư luận. Nhưng điều đó không có nghĩa họ có thể đảo lộn mọi thứ. Dư luận cũng có quyền của dư luận. Và tác động ngược của chương trình trên sóng quốc gia gây bão đó tất yếu khiến chính nó bị dư luận quay lưng. Dĩ nhiên những người làm truyền thông già đời đều hiểu một chương trình muốn được chú ý cần có những tranh luận, câu chuyện trái chiều. Nhưng sự đi quá đà trong việc “đá xoáy” một cá nhân về vấn đề gây bức xúc toàn xã hội chỉ khiến cao trào bị đẩy theo hướng tiêu cực. Cuộc sống có quá nhiều đề tài hay để khai thác hoặc thậm chí là “đá xoáy”. Có những vấn đề cần nhìn nhận và có những vấn đề không nên đi quá sâu. 

Không thể nói ai đúng ai sai, cơ bản cuộc sống nằm ở quan điểm của mỗi cá nhân. Và cuộc sống này vốn dĩ đã có rất nhiều bức màn. Thôi thì cứ bức xúc, phẫn nộ, phản ứng cho những thứ đáng phải như thế. Và hoan nghênh, cổ vũ cho những điều chúng ta thấy đúng. Rồi lại bình tâm tập trung vào mục tiêu của mình. Những mục tiêu ý nghĩa hơn. Vì một cuộc sống ý nghĩa hơn. Và vì những chia sẻ trách nhiệm hơn.

Trương Yến Nhi

Ý kiến

()