Chúng ta

Câu chuyện về chửi

Thứ năm, 22/1/2015 | 18:00 GMT+7

Cửa hàng bún mọc gần nhà mình nổi tiếng nhờ danh “bún chửi”. Đại loại là từ lúc bắt đầu đỗ xe vỉa hè bước vào, cậu nhân viên bảo vệ lao ra dắt xe và hét vọng vào quán: "ĐM, một bàn hai khách bước vào".

Mình và bạn chưa kịp ngỡ ngàng thì lại nghe câu chửi đập vào mặt: “ĐM, lấy vé không?”. Trong quá trình ăn, gọi thêm quẩy, sẽ nghe thêm: “ĐM, quẩy”. Gọi thêm gì cũng được khuyến mại nghe chửi. Thậm chí tính tiền cũng được nghe. Khách thì chẳng bao giờ vắng cả, chật kín bàn. Nhiều lúc vừa ăn vừa nghĩ: “Nó chửi chắc trừ mình ra”. Có thể chửi là cách để tạo ra văn hóa riêng của cửa hàng, một chiêu trò PR chẳng hạn.

Mẹ mình kể, ở quê ngày xưa có văn hóa “chửi đổng”. Cứ chửi bừa đi, trúng thằng nào thì thằng ấy ấm ức. Chửi phải có bài có bản, có câu có cú, có vế đàng hoàng, tuyệt nhiên không dùng các từ tục. Ngay từ đầu bài “chửi đổng” sẽ thế này: “Bà là bà chửi cái đứa nào ăn cắp gà nhà bà”- tuyên bố mục đích nói luôn. Để chửi đổng thì sức phải dai, từ sáng đến trưa, văng vẳng từ đầu làng đến cuối làng. Mình rất tiếc là những bài ấy không được đưa vào chương trình sách giáo khoa để thấy ngôn ngữ sắc sảo và thông minh của các cụ.

Nghĩ lại ngày nay, người ta vui cũng chửi, buồn cũng chửi, không vui không buồn cũng chửi vu vơ: “ĐM đời”. Trẻ con chửi, người lớn chửi, người già cũng chửi. Người vô học chửi, kẻ có học cũng chửi. Ngôn ngữ chửi ngày càng được biến đổi và linh hoạt. Các từ tục thì la liệt cả kho tàng. Chửi từ họ hàng hang hốc cho đến những bộ phận trên cơ thể, rồi thì chửi sang cả động vật. Hồi mình học môn sinh học, có học về cơ thể con lợn và con chó. Nhìn qua vân não lợn, cô bảo: “Lợn là động vật rất khôn, chửi người khác 'ngu như lợn' là chửi sai”...

Mình không đánh giá con người xấu tốt qua việc chửi, nhưng mình tin những người mở miệng là chửi thì họ cũng hiểu chửi không phải là điều tốt. Bà hàng xóm nhà mình chửi thì ngoa mồm không ai bì được, nhưng đứa con mà lỡ có một câu văng tục là bà lôi ra "dần" ngay. Cuộc sống ai cũng mong muốn tốt và hoàn thiện hơn mỗi ngày, bản thân người chửi thì dễ giải tỏa, nhưng người nghe thì không phải ai cũng dễ chịu. Có nhiều cách để chửi, hãy lựa chọn để “sạch” hơn văn hóa “chửi”.

Đào Mai Anh

Ý kiến

()