Chúng ta

Cẩn trọng và đúng đường lối

Thứ hai, 11/1/2016 | 09:09 GMT+7

Tôi tin rằng chỉ là vấn đề thời gian, sẽ đến lúc học tại trường Việt Nam cũng giống như học trường Singapore nhưng với bản sắc dân tộc Việt, và bản sắc thể hiện ở nội dung chứ không phải là qua khác biệt về cơ cấu.

Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ xem xét cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia của Việt Nam. Đây là vấn đề rất quan trọng, vì cấu trúc - hay nói cách khác là kiến trúc - sẽ quyết định việc thi công và vận hành của hệ thống giáo dục những năm tới, từ phân luồng lực lượng lao động, định hướng nghề nghiệp, từ sách giáo khoa đến liên thông không chỉ trong nước mà còn hội nhập và tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế.

Phương án cẩn trọng

Cơ cấu hệ thống giáo dục do Bộ GD&ĐT đưa ra thể hiện rõ tính cẩn trọng. Những thay đổi đưa ra nói chung đều ở mức độ vừa phải, đồng thời thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới giáo dục Việt Nam - dù mong muốn là “cơ bản và toàn diện” - nhưng trong nghị quyết cũng cẩn thận ghi rõ “trước mắt, ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay”. Cho nên giáo dục phổ thông vẫn giữ nguyên 12 năm như-đang-là.

Phương án Bộ GD&ĐT đưa ra cũng thể hiện tính cẩn trọng, thay đổi ở mức độ vừa phải khi chưa triển khai việc phân luồng, tự chọn môn học ngay từ cấp trung học cơ sở. Điều này cũng thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 29 là “đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở”. Sau trung học cơ sở tức là từ cấp trung học phổ thông. Cơ cấu do Bộ GD&ĐT đưa ra chỉ phân luồng trung học phổ thông thành 3 hướng là định hướng chung, định hướng kỹ thuật công nghệ và định hướng năng khiếu, cũng như phân luồng trong giáo dục đại học thành nghiên cứu, thực hành, ứng dụng, phân luồng đào tạo thạc sĩ thành nghiên cứu, ứng dụng.

Phương án Bộ GD&ĐT đưa ra cũng cẩn trọng khi chưa cho học sinh học xong trung học cơ sở có thể vào học cao đẳng ngay như khuyến nghị của một số chuyên gia. Trong cơ cấu mới giữ nguyên như-đang-là: đầu vào cho đại học và cao đẳng giống nhau, để học cao đẳng thì phải học xong trung học phổ thông. Điều này xem lại thì cũng thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 29: “đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp sau trung học phổ thông”. Luật Giáo dục Nghề nghiệp xếp cao đẳng vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, sau trung học phổ thông tức là phải học hết lớp 12.

Một số chuyên gia bức xúc cho rằng đã góp ý mà Bộ GD&ĐT không ghi nhận. Theo tôi thì Bộ có ghi nhận, nhưng Bộ GD&ĐT và ngay cả Chính phủ cũng không thể làm trái Nghị quyết Trung ương, mà đặc biệt lại là những thay đổi lớn có thể kèm theo các xáo động lớn.

Thay đổi lớn trong giáo dục đại học

Thay đổi lớn trong cơ cấu hệ thống giáo dục mới là rút ngắn một năm học đại học: từ 4-5 năm chỉ còn 3-4 năm. Hiện nay, tại trường ĐH FPT thời gian đào tạo đang là 9 học kỳ - không kể thời gian giáo dục quốc phòng và thời gian học tiếng Anh dự bị ban đầu. Với khối lượng kiến thức như hiện nay, việc rút bớt một năm học đại học, tức giảm 20-25% thời gian học tập trong khi vẫn phải đảm bảo chất lượng đầu ra là một thay đổi, một thách thức lớn.

Hiện nay, tại ĐH FPT cũng đã xây dựng và đang triển khai chương trình đào tạo đại học 3 năm dành riêng cho sinh viên ngoại quốc, nhằm cạnh tranh được trong thị trường du học với các nước xung quanh, với đại học Anh, đại học Úc, với RMIT. Chương trình cho sinh viên ngoại quốc cũng giống chương trình cho sinh viên Việt Nam, nhưng phải chấp nhận bỏ ngoại ngữ, bỏ chính trị-triết học, bỏ giáo dục quốc phòng, bỏ thực tập doanh nghiệp - khi đó mới đủ thời gian 3 năm như giáo dục đại học tại nhiều nước khác.

Chuẩn mức quốc tế

Nhìn kỹ sơ đồ cơ cấu hệ thống giáo dục do Bộ GD&ĐT đưa ra thấy các dòng chữ ISCED kèm theo số, từ ISCED 0 đến ISCED 8. ISCED (International Standard Classification of Education) với 9 mức từ 0 đến 8 là chuẩn quốc tế phân loại chương trình giáo dục của UNESCO, được sửa đổi lần cuối năm 2011.

Việc quy chiếu theo chuẩn ISCED là một yếu tố quan trọng cho phép so sánh giáo dục Việt Nam với giáo dục nhiều nước khác, không chỉ cả hệ thống mà còn từng trình độ, giúp cho việc công nhận, chuyển đổi chương trình dễ dàng hơn.

Tuy nhiên nhìn qua thấy có một số khác biệt.

Khác biệt thứ nhất là cấp THCS, được quy đổi là ISCED 2 (Lower Secondary Education). Theo chuẩn của UNESCO, từ mức này cần phải thực hiện phân luồng (“The orientation of a programme is distinguished at ISCED levels 2 to 5. There are two categories of orientation: general and vocational - định hướng chương trình là một khác biệt ở các mức ISCED 2 đến 5, có 2 luồng: định hướng chung và định hướng nghề nghiệp”), trong khi Việt Nam chưa thực hiện phân luồng ở cấp này.

Khác biệt thứ hai là trình độ cao đẳng, được quy đổi là ISCED 5 (short-cycle tertiary education). ISCED 5 là “chương trình đại học ngắn”, là một phần của giáo dục đại học, được UNESCO định nghĩa là “short first tertiary programmes that are typically practically-based, occupationally-specific and prepare for labour market entry. These programmes may also provide a pathway to other tertiary programmes” - là “chương trình giáo dục đại học ngắn, thường theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng và chuẩn bị để gia nhập thị trường lao động. Đây cũng là giai đoạn đầu để học tiếp các chương trình giáo dục đại học khác”.

Trong khi đó tại Việt Nam, cao đẳng được xem là giáo dục nghề nghiệp, không thuộc giáo dục đại học. Giáo dục nghề nghiệp (vocational education) trong chuẩn ISCED không tách thành mức riêng khỏi giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, mà là một dạng phân luồng của giáo dục phổ thông, giáo dục đại học. Trong giáo dục phổ thông có giáo dục tổng quát (general) và giáo dục nghề nghiệp (vocational). Trong giáo dục đại học cũng vậy, chia thành 2 luồng và gọi là giáo dục hàn lâm (academic) và giáo dục chuyên nghiệp (professional). Việc xếp cao đẳng Việt Nam vào giáo dục nghề nghiệp, nằm ra ngoài giáo dục đại học và gắn cho tương đương mức ISCED 5 là khiên cưỡng.

Tin tưởng và chờ đợi

Phương án cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới mà Bộ GD&ĐT đưa ra trình chính phủ thể hiện tính cẩn trọng, không có thay đổi nhiều so với những gì đang có và tuân thủ đúng câu chữ Nghị quyết 29 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam của Ban chấp hành Trung ương. Phương án này cũng đã bắt đầu tiệm cận chuẩn quốc tế - dù chưa đầy đủ và có chỗ còn khiên cưỡng. Có thể cấu trúc đưa ra chưa đáp ứng được mong đợi của nhiều người với nền giáo dục Việt Nam đang có nhiều vấn đề như hiện nay - tuy nhiên dù sao cũng là một bước tiến.

Những ai mong muốn con em mình được phân luồng, học các môn tự chọn ngay từ trung học cơ sở, thì chịu tốn kém dùng “hàng ngoại”, có thể gửi sang Singapore cho gần, hoặc học tại trường phổ thông Singapore nào đó mở tại Việt Nam. Sau khi học xong chương trình phổ thông ngoại 4-5 năm có thể thi GCSE O-Level theo chuẩn Anh quốc, sau đó có thể đi học cao đẳng (Polytechnic tại Singapore, Tafe tại Úc và tại nhiều nước khác), hoặc học tiếp chương trình phổ thông nâng cao (A-Level) rồi đi học đại học nói chung ở đâu cũng được.

Tôi thì tin rằng chỉ là vấn đề thời gian, sẽ đến lúc học tại trường Việt Nam cũng giống như học trường Singapore, nhưng với bản sắc dân tộc Việt, và bản sắc thể hiện ở nội dung chứ không phải là qua khác biệt về cơ cấu.

Lê Trường Tùng

Ý kiến

()