Chúng ta

Bên kia bờ Địa Trung Hải

Thứ bảy, 12/1/2013 | 12:24 GMT+7

Ông già nhìn tôi chằm chằm, không hề che giấu vẻ ngạc nhiên vì không hiểu gần 22h rồi mà thằng châu Á này còn lang thang ở đây làm gì, rồi hỏi bằng tiếng Pháp rất chuẩn: “Mày là người nước nào?”.

Tôi vừa đáp: “Việt Nam” thì đột nhiên ông cụ ôm choàng lấy tôi, hô bằng tiếng Việt trọ trẹ: “Hồ Chí Minh muôn năm!” rồi nước mắt tuôn ra giàn giụa.

“Xin quý khách vui lòng thắt dây an toàn, dựng thẳng lưng ghế và mở cửa sổ để máy bay chuẩn bị hạ cánh”, tiếng nữ tiếp viên vang vang phát ra từ loa làm tôi tỉnh hẳn ngủ và háo hức nhìn ngắm biển Đại Tây Dương xanh thăm thẳm bên ngoài cửa sổ máy bay. Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Maroc.

Kể cũng tình cờ, theo lời giới thiệu của Mai Anh "Chẩy" (Lê Mai Anh - Giám đốc FSU15, FPT Software), tôi bắt liên lạc với S., Giám đốc một công ty tin học ở Maroc, về dự án phát triển hệ thống quản lý đội xe trên công nghệ GPS. Qua điện thoại, giọng S. hết sức nhiệt tình: “Đức, mày phải sang đây xem bọn tao làm ăn thế nào mới được”. Đơn giản vậy và tôi quyết định lên đường đi luôn.

Công ty của bạn nằm ở Rabat, thủ đô của Maroc. Không hiểu sao giá vé máy bay từ Paris đến Casablanca lại rẻ hơn hẳn, chỉ bằng một phần ba so với bay thẳng đến Rabat nên tôi quyết định đi vòng vèo một chút. Âu cũng là nhất cử lưỡng tiện, vừa tiết kiệm chi phí cho công ty, vừa thăm quan tìm hiểu được thêm nước bạn, vì từ xưa đến nay, điều đáng buồn là tất cả những gì tôi biết về Maroc chỉ là câu đồng dao của trẻ con: “kìa bọn Maroc, đầu trọc lông lốc...”. Bộ phim và bài hát nổi tiếng cùng tên Casablanca mà thôi.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay, chạy taxi vào bến đỗ rồi mọi người lũ lượt đi ra. Ấn tượng đầu tiên của tôi là khá giống với Việt Nam: Những căn nhà cấp bốn nằm lúp xúp, nhân viên công vụ mặc đồng phục cầm súng đi tuần liên tục, công an cửa khẩu mặt lạnh băng kiểm tra rất kỹ hộ chiếu của từng người… Vào trong thành phố, thực sự tôi khá thất vọng vì cũng chẳng có gì đặc biệt, trừ cái đền thờ Mosque Hassan II nằm bên bờ biển mà được nghe giới thiệu là lớn nhất Bắc Phi.

Lang thang chán một ngày ở Casablanca, tôi lên chuyến tàu tối đi đến Rabat. Hai thành phố cũng không xa nhau lắm, đi tàu chỉ mất tầm 2h. Tuy nhiên, điều bất ngờ khi tới nơi là ga Rabat lại chẳng có dáng vẻ gì là một ga thủ đô. Rác chồng chất, điện tối om om và đường đi thì loằng ngoằng. Xem trên bản đồ thì khách sạn tôi thuê rất gần ga mà tìm mấy vòng không thể nào thấy đường đấy nằm ở đâu.

Vừa mệt, vừa đói, tôi quyết định dừng lại hỏi một người ăn xin ven đường. Ông già nhìn tôi chằm chằm, không hề che giấu vẻ ngạc nhiên vì không hiểu gần 22h mà thằng châu Á này còn lang thang ở đây làm gì, rồi hỏi lại bằng tiếng Pháp rất chuẩn: “Mày là người nước nào?”. Tôi vừa đáp: “Việt Nam” thì đột nhiên, ông cụ ôm choàng lấy tôi, hô bằng tiếng Việt trọ trẹ: “Hồ Chí Minh muôn năm!” rồi nước mắt tuôn ra giàn giụa.

Ngạc nhiên, sững sờ và phải mất chừng 10 giây tôi mới định thần lại được rồi dìu ông cụ ngồi xuống vỉa hè hỏi kỹ chuyện. Hóa ra cụ là người Algeria, từng bị bắt đi lính ở Đông Dương, tham gia binh đoàn Lê Dương của Pháp vào năm 1953. Bị Việt Minh bắt làm tù binh và được thả tự do sau khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, cụ kể trong quá trình bị bắt, tất cả tù binh đều được đối xử tử tế nên vô cùng biết ơn Bác Hồ. Tuy nhiên, khi về đến Algeria, cả đất nước đang sôi sục phong trào giải phóng dân tộc theo gương Việt Nam, cụ bị quy kết là thân Pháp nên bị xua đuổi, gia đình ly tán, đành phải vượt biên sang Maroc sống đời tha hương.

Nghe xong câu chuyện cụ kể, tôi tự dưng cảm thấy xúc động trào dâng. Cảm giác mình như vừa chứng kiến lại một trang sử hào hùng của dân tộc. Cụ già tốt bụng đưa tôi về tận khách sạn. Đến nơi, tôi rút ví lấy 50 Euro biếu cụ, nhưng ông cụ nhất quyết từ chối, nói rằng: “Tao chỉ coi như giúp mày tý thôi”. Sáng hôm sau S. lái xe đến đón tôi ở khách sạn. Sau khi nghe tôi kể lại câu truyện hôm trước, S. trầm ngâm một lúc rồi nói: “Đức ạ, tao tin chắc rằng qua những việc thế này, mày sẽ có thiện cảm với đất nước của tao hơn” và chúng tôi rất nhanh chóng thống nhất ký một hợp đồng với nhau.

Năm 2011, cả Bắc Phi bị cuốn vào vòng xoáy của “Mùa xuân Ảrập”. Qua báo đài tôi biết ở Maroc tình hình cũng vô cùng bất ổn với nhiều vụ biểu tình, đánh bom ở ngay cả Rabat. S. cũng bị mất liên lạc luôn từ lúc đó. Tôi biết chắc sẽ phải còn lâu lắm mình mới có thể quay lại mảnh đất này, nhưng những kỷ niệm của một chuyến đi đáng nhớ thì vĩnh viễn không thể nào quên.

Lê Hà Đức

Hãy chia sẻ những ý kiến, suy nghĩ của bạn với chuyên mục Góc nhìn tại hòm thư: chungta@fpt.com.vn.

Ý kiến

()