Chúng ta

Bài học về 'ra hồn'

Chủ nhật, 27/11/2016 | 07:14 GMT+7

Tôi bị một khách hàng Nhật mắng: bọn mày có pha màu tô cái nút mà cũng không biết pha cho ra hồn à? Mở mắt ra xem bọn tao pha này. “Ra hồn” cuối cùng chỉ là tận tâm làm trọn vẹn một công việc cho đúng đòi hỏi của nó. 

Trong buổi làm việc với Đại học Quốc gia TP HCM vào đúng ngày 20/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cho trường này và cả các bộ ngành phải tạo ra một trường đại học cho “ra hồn”.

Thủ tướng dùng hai lần khái niệm “đại học ra hồn”. Nguyên văn, ông nói: “Chúng ta không có một đại học ra hồn thì đất nước Việt Nam một trăm triệu dân này cũng không ra sao cả” và “Các bộ ngành phải cùng tư duy trong việc đổi mới để có một đại học ra hồn và đó cũng là nguồn gốc tạo hiền tài phát triển đất nước”.

Nhiều người tỏ vẻ thất vọng vì cho rằng chỉ đạo chung chung. Tưởng phải đại học đẳng cấp quốc tế, đại học khai phóng, phi lợi nhuận gì chứ. Không được như Harvard Mỹ thì cũng phải NUS Singapore. "Ra hồn" là cái gì?

Tôi thì rất thấm.

Từ bé, tôi thường xuyên bị bà ngoại mắng: Có quét cái nhà mà cũng không ra hồn, thì sau này lớn lên làm được việc gì.

Không hiểu quét nhà “ra hồn” là thế nào, nhưng tôi rất ấm ức, quét nhà thì liên quan gì đến tương lai hậu vận chứ. Mình là học sinh giỏi hẳn hoi mà, dù lúc đó tôi cũng tự biết là mình quét chưa hết sức, chưa cẩn thận. 

Cứ thế tôi học lên đến tận tiến sĩ nhưng vẫn chưa bị ai nhắc là phải làm cái gì cho ra hồn. Cho đến khi đi làm, tôi mới lại nghe lại khái niệm tương tự “ra hồn”. Tôi bị một khách hàng Nhật mắng: bọn mày có pha màu tô cái nút mà cũng không biết pha cho ra hồn à? Mở mắt ra xem bọn tao pha này.

Nhẫn nhục pha màu tô cái nút, nhẫn nhục viết từng dòng code cho ra hồn, nhẫn nhục viết cái báo cáo ngày cho ra hồn, nhẫn nhục viết cái kiểm điểm cho ra hồn. Thật là mất không biết bao nhiêu công sức. Rồi khi sang làm trường, ngồi cặm cụi đọc sách, làm slide, tự nhận thấy mình không thể làm một bài giảng cho ra hồn được, mới nảy ra ý nghĩ, sao không kế thừa giáo trình của các cao thủ. Còn mình tập trung giải thích cho ra hồn cho các bạn sinh viên.

Thầy tôi, một võ lâm cao thủ kể: Một võ sĩ người Hoa ra chiêu làm một võ sĩ Tây to tướng ngã vật. Võ sĩ Tây sợ lắm, khúm núm hỏi: “Không hiểu chiêu thức của sư huynh là gì mà cao siêu vậy?”. Võ sĩ người Hoa khiêm tốn: “Có gì đâu. Chỉ là công phu tập luyện thôi mà”.

Võ sĩ Tây lại tưởng công phu (kungfu) - vốn được dùng như tính từ chỉ sự chăm chỉ tập luyện bất kỳ kỹ năng gì từ pha trà đến vẽ tranh - là tên một môn võ. Từ đó trở đi, tất cả các môn võ người Hoa đều được anh này gọi là Kungfu.

Muốn làm được đại học cho ra hồn, thì phải làm sao để chọn giáo trình cho ra hồn, giáo viên phải chuẩn bị bài giảng cho ra hồn, trả lời sinh viên cho ra hồn, giáo vụ phải xếp lớp cho ra hồn, tạp vụ phải quét nhà cho ra hồn…

“Ra hồn” cuối cùng chỉ là tận tâm làm trọn vẹn một công việc cho đúng đòi hỏi của nó. Nhiều đại học khác ở Việt Nam, theo nghĩa ấy, hẳn nhiên chưa “ra hồn".

Làm cái gì cho ra hồn, là phải công phu lắm.

Bà ngoại tôi đã biết điều đó từ lâu.

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()