Chúng ta

Áp lực sinh tử

Thứ tư, 21/6/2017 | 14:57 GMT+7

Công việc phóng viên mảng Y tế dẫn tôi đến những trải nghiệm khó quên.

Cô gái quê nghèo miền Trung chào đời với khối u ở trán. Vùng u ngày càng phát triển, đẩy lồi cả mắt bên phải ra ngoài và thường chảy máu ồ ạt khiến cô bé nhiều lần thập tử nhất sinh, bố mẹ luôn phải sẵn trong tình trạng bông băng thuốc đỏ cầm máu cho con, bất kể ngày hay đêm. Trải qua tuổi thơ với nhiều lần đi viện nhưng đều bị lắc đầu từ chối, bệnh nhân chấp nhận lớn lên trong mặc cảm với khuôn mặt dị dạng và các cơn đau ngày càng nghiêm trọng. Qua tâm sự của một bác sĩ tại địa phương, tôi biết đến và kết nối đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). Sau nhiều cuộc hội chẩn lớn, một bác sĩ đứng ra nhận trách nhiệm ca phẫu thuật dưới sự hỗ trợ của một giáo sư nước ngoài.

Khi bác sĩ nhắn tin bảo đã hội chẩn xong và ngày mai sẽ mổ. Vừa hy vọng nhưng tôi cũng không tránh khỏi nghi ngại buột miệng hỏi ngay "Tại sao lại quyết định mổ". Một bác sĩ khác cho rằng nếu phẫu thuật, bệnh nhân sẽ dễ mất máu lượng lớn và không biết chuyện khủng khiếp gì xảy ra. Tôi thật sự hoảng loạn nhưng vẫn cố gắng nói cứng rằng mình tin tưởng vào bác sĩ phẫu thuật, nếu không thể chữa khỏi ít nhất bác sĩ cũng phải đảm bảo an toàn tính mạng thì mới quyết định làm.

Tôi không phải là người trực tiếp làm công việc cầm dao mổ, có nghĩa nếu bệnh nhân mệnh hệ gì trên bàn phẫu thuật thì tôi không phải là người chứng kiến hay trực tiếp "gây tội". Vậy mà đêm trước mổ, tôi không tránh khỏi trằn trọc mất ngủ. Không dám hình dung đến cảnh cô gái đang nói năng sinh hoạt lanh lợi, tự dưng vì nghe lời tôi cùng bố vào Sài Gòn vài ngày đã không thể trở về gặp lại mẹ và mọi người. Nếu có chuyện gì, tôi không biết mình sẽ phải đối diện với người nhà như thế nào.

Cảm xúc hỗn loạn, đêm trước mổ tôi chỉ dám nhắn một tin kiểu thảo mai: "Em rất lo nhưng em tin ở các bác sĩ". Khi biết được cuộc mổ hoàn tất tốt đẹp, tôi mới dám thở phào như vừa thoát khỏi tảng núi đè. Tối đó, tôi và bác sĩ nói chuyện điện thoại khá lâu vì quá nhiều thứ cần giải tỏa.

Quyết định sinh - tử. Với thân nhân là khoảnh khắc đặt bút ký vào giấy cam kết trong tâm thế một mất một còn. Với bác sĩ, đó là việc mổ hay không mổ. Mọi người hay dùng chữ "cân não" khi nói về những ca mổ cam go. Có những tình huống, nếu không mổ bệnh nhân chắc chắc rồi cũng sẽ khó qua khỏi. Nhưng nếu mổ, có thể bác sĩ sẽ vuột mất bệnh nhân ngay trong tay mình, thay vì người ta sẽ sống thêm bên cạnh gia đình một thời gian nữa. Tuy nhiên, nếu bác sĩ chỉ vì sự an toàn của bản thân, không muốn đối mặt với những tình huống gian nan, bác sĩ sẽ bỏ qua cơ hội cứu được bệnh nhân trong khi mình có khả năng đó.

Tôi nghĩ bác sĩ ngoại khoa thường mang trong mình cảm giác muốn chinh phục. Nhiều lúc quyết định mổ một ca khó nào đó là còn muốn xem thử sức mình tới đâu. Tuy nhiên, nếu vì muốn thể hiện bản lĩnh quá mức, sẽ không tránh khỏi chuyện nguy hại cho bệnh nhân. Dẫu biết rằng sự trưởng thành của bác sĩ ngoại khoa phải trả giá bằng tính mạng của bệnh nhân nhưng có những ca vì bác sĩ mổ thất bại mà đã xoay chiều tan nát cả một gia đình. Ngược lại, đôi khi chỉ vì cố cứu một bệnh nhân nào đó, bác sĩ phải gánh toàn bộ trách nhiệm và đành chấp nhận bỏ qua "sinh mạng chính trị" của chính mình.

Càng đi, càng nghe, càng biết thêm những góc khuất này kia nhưng trong mắt tôi, những người hành nghề y đúng nghĩa luôn là những anh hùng.

Lê Phương

Ý kiến

()