Chúng ta

Âm nhạc là cuộc đời thứ hai

Thứ sáu, 21/8/2015 | 09:28 GMT+7

Nhờ môn nghệ thuật này, tôi được đem rock đến với nhiều người, theo một cách "dễ chịu" với họ hơn. Tôi được làm mới lại những ca khúc đã có tuổi đời còn hơn mình và đưa nó đến với những người trẻ.

Âm nhạc với tôi từ trước đến giờ gần giống như một suối nguồn âm ỉ, đôi chút lại bộc phát và tuôn trào - nó cũng phóng khoáng tựa như một phần tính cách với tôi. Tôi chưa bao giờ coi mình là một nghệ sĩ, hay thậm chí là một tay ngang trong âm nhạc. Tôi đơn thuần chỉ là kẻ thích chơi nhạc, thích quây quần cùng mấy anh em để chơi cùng nhau, để rồi thi thoảng lại tự huyễn hoặc bản thân hay tưởng tượng cảnh mình được chơi tại sân khấu Rock Am Ring của một vùng Nuremberg tại nước Đức xa xôi. Tôi cũng không thích những thứ âm nhạc đi theo lối mòn, hay quanh đi quẩn lại với những ngôn từ bức bí, đau khổ về những thứ tình cảm mà thậm chí người viết chưa từng trải qua.

Với tôi, âm nhạc thực sự là những thứ lột tả thực tế nhất được hai chữ "cuộc đời", nó đến từ chính những gì người viết hay người hát từng vượt qua, để khi chơi thứ âm nhạc ấy, tôi như đọc lại những trang sách viết về một ai đó...

Tôi cũng từng tham gia tổ chức rất nhiều sự kiện về âm nhạc thời còn ở Hội sinh viên FPT, nhưng chính thức tham gia vào thi thố thì gần như không có, cùng lắm là được lên đệm đàn, hay hát lót làm nền, hoặc chữa cháy ở vài chương trình nhỏ. Đặt chân vào cuộc thi, ngay từ ngày đầu, tôi chỉ tâm niệm là một cuộc dạo chơi để đặt thêm một cột mốc cho tuổi trẻ của mình - một cột mốc ở FPT Software.

Gần một tháng trong cuộc thi, cũng đã đến thời điểm kết thúc. Mặc dù tôi vẫn không thể giải thích nổi những vấn đề về âm thanh mà mình gặp phải ở vòng trải nghiệm, hay thậm chí là phải hát lại ở đêm chung kết. Cũng có lẽ vì chút vĩ cuồng hay ngông ngênh của bản thân, nên hay có vài thử thách để tôi được trải nghiệm, dành cho những lần sau - dù có thể nó sẽ chẳng tới nữa.

Nhưng hơn tất cả, tôi được kể những câu chuyện của mình...

Tôi được đem rock đến với nhiều người, theo một cách "dễ chịu" với họ hơn. Tôi được làm mới lại những ca khúc đã có tuổi đời còn hơn mình và đưa nó đến với những người trẻ. Tôi được on-the-stage và phóng khoáng theo cách của mình... Và tôi được thu âm "Wake me up when september ends", để dành cho bạn - người chắc cũng đã xem phần diễn của tôi ở đêm chung kết, từ thiên đường.

Tôi cũng chẳng biết viết dài dòng những lời cảm ơn. Chỉ biết rằng rất nhiều người đã giúp tôi có những khoảng khắc đẹp trong cuộc đời, đã chơi nhạc cùng tôi hay đã hỗ trợ tôi những thứ khó khăn nhất.

Tôi cũng không cần biết ở dưới khán giả, những ai thân quen, hay xa lạ, những ai thích hay không. Chỉ cần biết họ vẫn ở đó và lắng nghe tôi.

Và cái ôm trên sân khấu của mẹ - sẽ là thứ để tôi luôn ghi nhớ và dành lại cho con cái mình sau này.

Ngày mai, sẽ lại là nhịp sống bình thường, không còn đắn đo chọn bài, hàng xóm nhà bên cũng không còn phải khổ vì đêm đêm cứ có một thằng hát đi hát lại, đánh đàn bật bông nữa...

Tôi lại âm thầm đi theo những "định nghĩa" của riêng mình về âm nhạc, và dù thế nào, nó cũng sẽ luôn trọn vẹn - như hình ảnh ngày đầu khi em bước vào cuộc sống của tôi. Hình ảnh ấy đã xa, nhưng tôi biết âm nhạc vẫn còn lại. Để có những lần, tôi có thể hát về những kỉ niệm của mình...

"No longer the lost

No longer the same

And I can see you starting to break

I'll keep you alive...".

Hãy nâng niu những nốt trầm, nốt thanh của một bản nhạc - như cách chúng ta nâng niu những kí ức của bản thân mình.

Hữu Phúc

Ý kiến

()