Chúng ta

Ai là thầy tôi?

Thứ hai, 13/4/2015 | 09:58 GMT+7

Thế là thành người. Nhưng mà cứ băn khoăn. Thế chẳng nhẽ ngần đấy năm học Toán ở Matxcơva là vứt đi à? Ngẫm nghĩ mãi thì thấy không hẳn là như vậy.

Dạo này thấy rộ lên nhiều xu hướng trong giáo dục đại học, “learning by doing”, “constructivism”, “project-based learning”, CDIO… xa hơn nữa là MOOC, “End of University”… thầy cô nào tâm lý chưa vững, rất dễ tẩu hỏa nhập ma.

Mới ngồi nhớ lại, vậy thì ai dạy mình lập trình nhỉ, theo phương pháp gì vậy ta?

Ngày FPT mới thành lập. Mình lớ ngớ về, được phân vào Trung tâm dịch vụ Tin học, do anh Nguyễn Chí Công làm giám đốc, ngoài ra còn có anh Ngọc (Bùi Quang Ngọc), Bảo (Đỗ Cao Bảo), Mai (Võ Mai), Hà (Nguyễn Trung Hà). Bác Cự (Vũ Đình Cự), lúc đấy là Viện trưởng Viện công nghệ quốc gia, gọi cả nhóm lên giao nhiệm vụ: “Các em là đội tiên phong, phải làm cho được super computer, sánh vai các cường quốc”. Thấy anh Công cũng cam kết ghê lắm. Đúng là project-based còn gì nữa.

Chiều về, anh Công họp cả hội tại nhà Trung Hà ở Hàng Bông, kiểm điểm xem thằng nào biết ngôn ngữ gì (ý là ngôn ngữ lập trình). Anh Công là sếp đương nhiên biết hết, không phải khai. Anh Ngọc, lúc đó là giáo sư Đại học Bách khoa, không ai dám hỏi có biết gì không. Trung Hà là No. 1 về Fortran. Anh Bảo đại cao thủ C, còn anh Mai gõ Assembler nhoay nhoáy. Đến lượt mình, bẽn lẽn: “Em chỉ biết có tiếng Nga và tiếng Việt”.

Anh Công bình thản như không, giao việc: “Mày ít tuổi nhất nên hàng sáng đến sớm, rửa chén, quét nhà, pha trà, đợi các anh đến. Chưa biết gì thì đọc sách”. Rồi anh đưa cho mình 2 cuốn, một là C Programing của Richie Inroneo đen sì và một cuốn khác trắng bóc, thơm tho. Đương nhiên là mình mở cuốn trắng ra đọc trước. Hóa ra là cuốn “Unix”, có điều bằng tiếng Pháp. Mình phàn nàn, không biết tiếng Pháp: “Sao anh lại đưa đánh đố thế”. Anh bảo: “Tao đưa cho mày là cuốn sách quý mà mày cần đọc, còn mày có đọc được hay không là việc của mày chứ”. Hai cuốn sách đó quả thật là vô giá với tôi sau này. Bây giờ người ta gọi kiểu dạy vậy là student-centric hay active learning.

Vì Trung tâm dịch vụ tin học cũng chẳng có việc gì làm, nên anh em túa đi làm lung tung cả. Lúc đó nhóm anh Hùng "Râu" (Lê Thế Hùng) hay đi mua máy làm kem cũ về mông má rồi bán. Một hôm được anh cho đi sơn máy, có 2 việc: 1/ Cầm vòi phun sơn vào vỏ máy. 2/ Bơm hùng hục như bơm xe đạp để phun. Anh bảo: “Cho chú chọn”. Đương nhiên là mình chọn việc cầm vòi cho nhẹ, vừa phun vừa huýt sáo véo von. Được một lúc thì thấy không ổn, sơn nhoe nhoét như ghẻ. Thế là bị thu lại, đuổi xuống bơm xe. Tuy vất vả, nhưng không cần kỹ năng lắm. Phù hợp với mình. Cái này bây giờ gọi là “boring is the best”.

Mình học lập trình từ anh Bảo. Chính xác là ngồi bên cạnh anh, xem anh làm gì cố gắng ghi nhớ. Rồi khi đến lượt mình được làm thì copy lại giống hệt. Gọi là “lập trình ngó”. Chỉ có điều là sao bắt chước giống hệt mà chương trình của anh bao giờ cũng chạy nuột hơn chương trình của mình hàng chục lần. Mới hiểu là làm được và làm tốt cách nhau xa lắm. Cái này bây giờ gọi là “learning by doing” hoặc “pairprograming”.

Học xong thì phải hành. Có chỗ nào mà hành chứ. May quá, ông bạn Trung Hà thích đi buôn hơn lập trình, hay gọi đi theo để gõ văn bản. Thời đó gõ văn bản (nhất là tiếng Nga) cần phải biết lập trình, vì gõ nó không hiện ra chữ ngay, phải viết một cái chương trình chuyển đổi sang font máy in, rồi chạy lên Viện Tin học (có máy in), in ra, mới biết là mình gõ đúng hay sai. Được mấy trang mất cả buổi sáng.

Trung Hà thấy được việc vì không phải tự làm nên hay khen là thằng Nam lập trình “mả” lắm. Bọn khác tưởng thật hết! Không quan trọng là học sinh giỏi hay dốt, quan trọng là được thầy khen và giới thiệu. Tương lai coi như được bảo đảm. Cái này những phương pháp hiện đại chưa thấy nhắc đến.

Dù sao thì cũng là trong nhà, con hát mẹ khen hay. Cuối năm 1990, Hàng không Việt Nam quyết định đổi mới toàn diện. Liều mạng thuê FPT lập chương trình bán vé. Các chị phòng vé là những người thầy đời đầu tiên. Mặc cho các tiến sĩ thảo luận, thiết kế, thuật toán, chém gió… chương trình chạy vô cùng phập phù, cứ đông người là lăn ra chết. Các chị vẫn bao dung, động viên... cùng lăn lộn với bọn mình tìm ra lỗi. Cả Tết nằm ngoài phòng vé nhưng thật vui. Cái này bây giờ gọi là CDIO, đã làm kỹ sư thì phải biết “engineer”, tức là sửa lỗi, bảo hành, bảo trì…

Ra phố xong thì đi toàn cầu hóa. Năm 1994, MayBank mở chi nhánh ở Việt Nam, cần tìm phần mềm. Mình và Khắc Thành (Nguyễn Khắc Thành) lận lưng một cái đĩa mềm, sang Kuala Lumpur đấu thầu. Đội bạn trình bày trước, power point lộng lẫy (lần đầu tiên bọn mình thấy một cái bài trình bày kiểu ấy), tài liệu đẹp đẽ từng chồng dày cộp, diễn giả lưu loát, ngôn ngữ hình thể hấp dẫn, chương trình cài đặt có wizard… Hai thằng thầm bảo: “Gặp cướp mẹ nó rồi”.

Đến lượt mình xin lỗi rối rít là chúng tôi không có thời gian chuẩn bị tài liệu gì cả, chỉ có mỗi cái phần mềm cỏn con, quý vị xem thẳng vậy. Thành "Còi" hùng dũng rút đĩa mềm ra cài đặt trong vòng chưa đến 10 giây (thực ra là chỉ copy chứ có cài quái gì đâu), rồi chỉ luôn vào menu bảo đấy đấy (vì Thành "Còi" rất kém tiếng Anh). Rồi bỏ về.

Thế mà hôm sau, cậu Aziz bảo, chúng mày thắng. Bọn kia chỉ được cái mẽ chứ chương trình lởm lắm. Mừng điên! Bây giờ mình hay bảo anh em, đi bán hàng mà phải dùng đến powerpoint là hạ sách. Cứ kỹ năng cứng ổn đi đã, kỹ năng mềm sẽ đến.  

Thế là thành người. Nhưng mà cứ băn khoăn. Thế chẳng nhẽ ngần đấy năm học Toán ở Matxcơva là vứt đi à? Ngẫm nghĩ mãi thì thấy không hẳn là như vậy.

Nếu không học Toán ở đó, thì làm sao mà gặp được anh Bình (Trương Gia Bình), Trung Hà… Và những câu chuyện tiếp theo. Vậy thì nếu là sinh viên đến Uni hãy chịu khó kết nối, tìm người mà chơi, xung quanh biết đâu toàn hổ báo.

Lại nữa, nếu không gặp thầy Egorov và các thầy ở đó, có lẽ bây giờ mình vẫn học Toán và vẫn cho là mình giỏi Toán. Chính những người thầy hết lòng vì khoa học, luôn dám khám phá những chân trời mới ở MGU đã làm cho mình hiểu được những giới hạn của chính mình. Là mình không thể thành nhà Toán học như các thầy được. Thế nên, đã là thầy giáo, hãy cứ bay bổng với mơ ước khám phá của mình. Ngay cả khi học sinh không hiểu, các em cũng có thể rút ra những kết luận cho chính mình.

Hôm nay ở Nga là ngày Vũ trụ, kỷ niệm ngày Gagarin lần đầu tiên bay vào vũ trụ 12/4/1961. 

Xin tặng các thầy cô bài hát với lời trong sáng rất đẹp này: Bạn ơi tôi tin tưởng hay 14 phút trước giờ cất cánh.

Rồi đây sau bao năm êm trôi, bạn ơi, xin chớ quên tên người

Từng bay qua bao nhiêu tinh tú, góp công đầu tiên sáng chói.
Đã hoàn thành muôn ngàn ước mơ cho loài người trên mặt đất ta,
Qua lớp mây trôi trên trời cao vời trông quê hương thân yêu.

Bạn ơi, tôi mơ ước bao đêm ngày chuyến bay này,
Trời mây cao xanh thắm ngàn sao sáng càng lấp lánh.
Vượt biết bao lớp mây trời và tới những ngôi sao,
Tung cánh trong làn gió trên trời biếc.
Và dấu chân in trên đường mờ tít nơi không gian,
Bay mãi trên trời biếc vượt ngàn sao.

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()