Chúng ta

Vợ onsiter mang hương bánh Việt đến FPT Japan

Thứ ba, 19/2/2019 | 17:30 GMT+7

Cũng nhờ vào những chiếc bánh chưng, bánh giò... của vợ onsiter, người FPT Japan được thưởng thức hương vị quê hương tại nơi đất khách quê người. 

Cứ khoảng 12h trưa, đều đặn 2 ngày mỗi tuần, một người phụ nữ thân hình bé nhỏ, tay kéo một chiếc vali nhỏ màu đỏ lại ghé thăm văn phòng Daimon. Trong đó, thơm phức bánh chưng, bánh giầy, bánh giò... Chỉ cần mở thùng bánh ra là hương vị Việt, hồn Việt đã lan tỏa khắp không gian.

Video vợ onsiter mang hương bánh Việt đến FPT Japan. 

Dần dần, chị trở thành người cung cấp bánh "độc quyền" và nổi tiếng cho văn phòng Daimon của FPT Japan tại Tokyo. Cứ hễ nhớ vị quê, muốn ăn bánh Việt Nam, người FPT Japan lại nhớ đến chị. 

Chị là Nguyễn Thị Huệ, vợ anh Nguyễn Hữu Hải, thuộc lứa BrSE (kỹ sư cầu nối) đầu tiên của FPT Software. Gần 5 năm trước, khi đang có một cuộc sống ổn định với công việc kế toán tại Hà Nội, chị Nguyễn Thị Huệ quyết định sang Nhật sau khi chồng "rủ rê" rằng qua Nhật có cơ hội phát triển hơn. Bố mẹ ruột chị lo lắng liệu con gái có thể sống ở một đất nước hoàn toàn xa lạ. 

Sau những lần đắn đo, được sự ủng hộ của chồng, chị Huệ cùng con khăn gói lên đường đến xứ sở hoa anh đào. "Choáng" là từ chị dùng để mô tả cảm giác lần đầu tiên đặt chân xuống đất nước Nhật Bản hiện đại nhất nhì thế giới. Choáng bởi cú sốc về văn hóa, ngôn ngữ. Chồng lại đi làm cả ngày nên đôi lúc chị cũng phải tự chủ động mọi việc. Lúc mới qua, chị tranh thủ đi làm thêm (baito) và bán hàng online một thời gian. Nhưng nhận ra đây không phải đam mê nên chị sớm bỏ cuộc. 

Cái duyên để chị đến với công việc nấu và bán bánh cũng thật tình cờ và giản đơn. Lần nọ, bỗng dưng anh Hải thèm bánh giò, thế là chị bắt đầu loay hoay tìm hiểu, mua nguyên liệu và tự tay chế biến những chiếc bánh đầu tiên. 

IMG-8812.jpg

Người FPT Japan có cơ hội ăn những chiếc bánh giò đúng chuẩn Việt Nam tại đất nước hoa anh đào.

Tiếng lành đồn xa, những người đồng nghiệp của anh Hải tại FPT Japan cũng bị thu hút bởi mùi vị quê hương. Còn gì tuyệt vời bằng sống nơi xa xứ vẫn được thưởng thức những chiếc bánh quen thuộc của người Việt Nam như bánh chưng, bánh giò... thơm lựng, nồng vị bột gạo và đậm đà nhân thịt mỡ béo ngậy.

Chị Huệ bắt đầu nhận được ngày càng nhiều yêu cầu từ phía đồng nghiệp của chồng. Ban đầu, những chiếc bánh làm ra cũng chỉ để ăn và biếu tặng, chị cũng chẳng ngờ rằng nó có thể giúp chị tìm ra công việc mới mẻ nơi xa quê.

Một cách tự nhiên, từ sở thích đơn thuần giúp chị giải tỏa những nỗi niềm của người con xa quê, làm bánh  dần trở thành một đam mê, một phần không thể thiếu của cuộc sống. Cứ hễ ngửi thấy mùi thơm của bánh, chị như thấy mùi vị của quê hương Hải Dương ở đâu đây, cứ nhìn thấy màu lá xanh, gạo trắng, đậu xanh vàng... chị lại muốn đôi tay thoăn thoắt làm nên những chiếc bánh vuông, tròn,...; và chỉ cần nhìn thấy những chiếc bánh nóng hổi ra lò trong làn khói ấm, những mệt mỏi dường như tan biến. Những điều giản dị đó từ lúc nào đã biến thành những niềm hạnh phúc lớn, khiến vợ onsiter có thể thức khuya dậy sớm thường xuyên để canh bánh chín. Nghe tiếng nước sôi sùng sục và nghĩ đến nụ cười hài lòng của người thưởng thức, chị lại cảm thấy có động lực.

IMG-8731.jpg

Chị Huệ bên xe bánh quen thuộc.

Mỗi lời khen của bạn bè, đồng nghiệp là một liều thuốc giúp chị càng ngày càng tìm hiểu nhiều hơn các loại bánh khác nhau. Từ bánh giò, giờ đây, chị có thể chế biến các loại bánh khác nhau như bánh chưng, bánh gai, bánh tẻ... và các món ăn Việt khác như bún đậu mắm tôm, bún bò... Đặc biệt, chị đã hiện thực hóa ước mơ có một tiệm bánh quê hương tại Nhật Bản để lưu giữ hồn Việt nơi xa xứ. Tiệm bánh giò Shinmatsudo không chỉ là nơi giúp gia đình onsiter Nhật tăng thu nhập, không chỉ là nơi cung cấp bánh cho cộng đồng người Việt tại khu vực, mà còn là nơi người vợ trẻ gửi gắm biết bao khát khao, đam mê của mình. 

Chị Nguyễn Thị Huệ bật mí, chính vì là con gái Hải Dương, nơi nức tiếng với rất nhiều loại bánh của Việt Nam, chị đã học bí kíp từ gia đình trong quá trình làm bánh nên qua Nhật, công việc này đối với chị không mấy khó khăn. Việc còn lại là chị tự tìm hiểu trên Internet cũng như từ bạn bè. 

Khó khăn nhất là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Việc tập hợp đủ các loại bột, thịt, lá... theo đúng phong cách Việt Nam tại Nhật thật sự là một thử thách. Đã vậy, mỗi loại bánh lại có các nguyên liệu đặc trưng khác nhau. May mắn, nhà chị Huệ ở gần ga Shinmatsudo có các tiệm bán một phần nguyên liệu cần thiết. Và hơn hết, đam mê này luôn được sự ủng hộ của chồng và gia đình. 

Thành lập ngày 13/11/2005, FPT Japan hiện đã có 14 văn phòng/trung tâm phát triển tại Khu vực Đông Bắc Á, trong đó có 2 văn phòng (Hiroshima, Đài Bắc) và 2 trung tâm phát triển (Toyota-shi, Kariya) đã được ký quyết định thành lập nhưng chưa tổ chức lễ khai truong chính thức.

Với hơn 1.400 nhân viên đang làm việc trực tiếp tại Nhật Bản và hơn 8.000 người phục vụ gián tiếp cho thị trường Nhật Bản đang ngồi tại Việt Nam, năm 2019 FPT Japan hướng tới mục tiêu tăng trưởng doanh số 35% (270 triệu USD), nhân sự đạt 2.000 người. Trong 3 năm tới, FPT Japan sẽ nỗ lực lọt vào Top 20 các công ty IT lớn nhất Nhật Bản.

Xuân Phương

Ý kiến

()