Chúng ta

Nữ chỉ huy văn phòng nhà F Nhật Bản và cuộc tình với Yokohama

Thứ sáu, 27/7/2018 | 17:59 GMT+7

Lấy chồng và sinh sống tại Yokohama hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Mỹ Chi - Trưởng văn phòng đại diện thứ 7 của FPT Japan, cho rằng mình có một mối lương duyên kỳ diệu với thành phố này. 

Sinh năm 1976, chị Nguyễn Thị Mỹ Chi bắt đầu cuộc hành trình tại xứ sở hoa anh đào từ năm 2000 để du học, sau đó tham gia khóa học cao học tại Đại học Sophia. Có người quen “mai mối”, chị đầu quân vào FPT Japan từ năm 2007 ở phòng hành chính và dần giữ vị trí Trưởng phòng. 

Gián đoạn khoảng thời gian 2 năm rời Nhật Bản về Việt Nam tạo lập doanh nghiệp riêng, nhưng cũng chữ “duyên” đưa bước chân chị trở lại Nhật vào năm 2015 và bén duyên với mảng kinh doanh. Từ khi tiếp xúc với công việc kinh doanh, chị phát hiện ra mình khá “nghiện” việc, thích tiếp xúc, giao tiếp. Làm công việc phù hợp, bằng đam mê và nỗ lực không ngừng, chị trở thành Trưởng phòng kinh doanh. 

fpt-japan-9023-1531543245.jpg

Trưởng văn phòng Yokohama - chị Nguyễn Thị Mỹ Chi quê ở An Giang, đã công tác tại FPT Japan hơn 10 năm. Ảnh: Hoàng Sơn. 

Trong hơn 10 năm gắn bó với FPT Japan, giai đoạn chị không thể quên nhất là vào năm 2009, tàn dư của khủng hoảng kinh tế thế giới khiến FPT xứ sở mặt trời mọc cũng điêu đứng. Công ty phải cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân sự, đổi văn phòng để tiết kiệm tiền. Chị được anh Nguyễn Thành Lâm (CEO FPT Japan thời điểm đó) giao nhiệm vụ làm sao đàm phán để chủ nhà vẫn cho thuê văn phòng mà giảm được 30% chi phí so với hợp đồng. Nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi vì giảm giá 30% là điều không tưởng. Nhờ tài ăn nói và khả năng thuyết phục - nhưng theo chị, phần nhiều vẫn do “thiên thời địa lợi nhân hòa” - ông chủ nhà đồng ý với các điều khoản mới có lợi cho công ty Việt Nam  sau những nỗ lực đàm phán. Bây giờ nhìn lại, những chiến tướng FPT tại thị trường Nhật vẫn nhớ đến Nguyễn Thị Mỹ Chi là người đã cứu cả văn phòng khỏi phải di dời trong thời điểm vô cùng khó khăn ấy.

Những ngày tháng gian khổ đầu tiên lùi vào quá khứ.

Tháng 7/2018, được ban lãnh đạo giao trọng trách Trưởng đại diện văn phòng Yokohama, chị Chi ngẫm về cái duyên kỳ lạ với thành phố này. Một thập niên năm làm việc ở FPT Japan cũng là 10 năm chị đi đi về về trên hành trình Yokohama đến Tokyo, nữ tiến sĩ chẳng ngờ có ngày lại được làm trưởng văn phòng đại diện tại ngay thành phố đã gắn bó trong cả chặng đường nhà F. 

Chị cho hay, Yokohama vốn là nơi sinh sống của những onsiter đầu tiên nhà F tại đất nước của núi Phú Sĩ. Giờ đây, một nửa người nhà F Nhật Bản cũng trú ngụ tại đây.

“Cuộc tình” của chị với thành phố của tỉnh Kanagawa không đơn thuần là một nơi ở mà còn là một hậu phương tinh thần vững chắc. Trưởng văn phòng Yokohama kể, lúc học ở Nhật, chị vừa học vừa làm thêm. Cơ duyên ấy đã giúp chị quen con trai ông chủ chỗ làm, sau đó chị kết hôn với người chồng Nhật Bản và đã sinh sống, gắn bó tại Yokohama hơn một thập kỷ. Nơi đây với chị như là quê hương thứ hai. Lấy chồng bản địa, văn hóa và và ngôn ngữ ban đầu cũng là rào cản. Nhưng may mắn, gia đình chồng cũng thường xuyên tiếp xúc với đối tác người Việt, du học sinh Việt Nam nên mọi bức tường khoảng cách dần được đập vỡ, cho chị cảm giác gần gũi và thân thuộc như chính trên quê hương mình. Ông xã cũng luôn động viên chị, có lúc anh nói đùa: “Nhìn bà xã đi làm còn khỏe hơn ở nhà”. 

Nguyen-Thi-My-Chi.jpg

Tối 13/7, văn phòng thứ 7 của FPT Japan khai trương trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh Kanagawa, Đại sứ Việt Nam tại Nhật, CEO FPT Bùi Quang Ngọc cùng đông đảo khách mời là các đối tác. Chị Nguyễn Thị Mỹ Chi được bổ nhiệm làm Trưởng Văn phòng. Ảnh: Hoàng Sơn. 

Trong ngành outsourcing (dịch vụ thuê ngoài), lãnh đạo nữ khá hiếm, thế nhưng với chị Nguyễn Thị Mỹ Chi mọi việc không gì là không thể. Khó khăn lớn nhất của chị là yêu cầu công việc đòi hỏi phải giao thiệp nhiều, phải gặp khách hàng thường xuyên, đôi lúc chị cảm thấy áy náy khi dành ít thời gian cho con. Điều đó là gánh nặng lớn nhất về tâm lý. Bù lại, gia đình chồng hết mực thấu hiểu và hỗ trợ. 

Tại văn phòng thứ 7 của FPT Japan, chị quản lý nhóm gồm 5 người, nhưng tham vọng của chị là tạo dựng một đơn vị quy mô hơn, tụ chủ và mạnh mẽ để có thể cung ứng những gói dịch vụ cho các công ty vừa và nhỏ. Tham vọng ấy cũng xuất phát từ thực tế hơn một nửa người nhà F tại xứ sở hoa anh đào vẫn đang sinh sống tại tỉnh Kanagawa. Nơi đây được ví như chiếc nôi của người FPT Japan, chị kỳ vọng văn phòng Yokohama có thể góp phần chuyển nguồn lực về Kanagawa để CBNV giảm chi phí, thời gian đi lại. 

Luôn hài hòa giữa sự mềm dẻo và tính quyết đoán, nữ chỉ huy văn phòng thứ 7 của nhà F Nhật Bản luôn làm việc theo 3 nguyên tắc: chân thành với nhau và với khách hàng, không giấu những lỗi sai; đưa ra phương án giải quyết cho các vấn đề thay vì hỏi làm như thế nào và cuối cùng là không có gì không thể làm được. 

Tiếp nhận Yokohama, sắp tới, chị Nguyễn Thị Mỹ Chi phải tự chủ động phát triển các mảng kinh doanh và nguồn lực của văn phòng để đạt được kỳ vọng mà ban lãnh đạo giao phó. Điều chị luôn cảm thấy may mắn chính là sợi dây gắn kết giữa chị với thành phố này và sự hỗ trợ từ ban lãnh đạo cũng như phía chính quyền địa phương Kanagawa. 

Văn phòng thứ 7 của FPT ở xứ mặt trời mọc tọa lạc tại số 1002, toà nhà Yamato Estate, Yamashita-Cho, 74-1, quận Naka, thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa. FPT Yokohama chính thức khai trương tối 13/7 với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Kanagawa, Đại sứ Việt Nam tại Nhật, CEO FPT Bùi Quang Ngọc cùng đông đảo khách mời là các đối tác.

>> Nữ quản lý Opennet: "Mỗi lần con gọi nhớ mẹ, tôi thấy nhói"

Xuân Phương

Ý kiến

()